Những "bóng hồng" của khoa học Việt Nam: Người lọt BXH thế giới, người có tên được đặt cho tiểu hành tinh

Phụ nữ làm khoa học gặp rất nhiều khó khăn song vẫn có những nhà khoa học nữ ghi dấu ấn với loạt thành tích đầy nổi bật.

Nữ giáo sư trong top 1% thế giới

Giáo sư (GS) Nguyễn Thục Quyên (SN 1970, Đắk Lắk) đang làm việc tại Đại học California, Mỹ. Theo đánh giá của Thomson Reuters và Clarivate Analytics, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Các nghiên cứu của GS Quyên xoay quanh tính chất điện tử của Polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.

GS Nguyễn Thục Quyên
GS Nguyễn Thục Quyên

Năm 2008, GS Quyên nhận giải thưởng học giả - giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), giải thưởng quỹ Khoa học quốc gia Career (2006), giải thưởng Harold Plous (2007), nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), nghiên cứu viên đổi mới và năng lực cạnh tranh Hoa kỳ của Quỹ khoa học quốc gia (2010)... Đặc biệt, GS Quyên còn được bình chọn là trí tuệ khoa học mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới 4 năm liên tiếp 2015, 2016, 2017 và 2018.

Tháng 2/2023, GS được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoa Kỳ - là một trong những phụ nữ Việt đầu tiên làm việc tại đây. 

Trên sự nghiệp nghiên cứu đầy thành công, GS Quyên cũng từng "nếm trải" không ít khó khăn. Trong đó, bà thấu hiểu và nhận thấy rõ những khó khăn của các nhà khoa học nữ. Làm khoa học đã khó, nhưng phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này càng vất vả hơn bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân GS, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới.

Trong quá khứ, GS từng nhận được lời khuyên từ bố mình, cho rằng: "Con gái, học chi dữ vậy, lo lấy chồng sinh con đi". Trong khi mẹ bà thì ngược lại, bà luôn khuyến khích và thúc đẩy các con chăm lo học hành.

"Các bạn gái hãy tìm người đàn ông tôn trọng người phụ nữ của mình. Xã hội bắt đầu nhìn thấy sự tôn trọng nhiều hơn với nữ giới. Cái thay đổi đầu tiên là hãy bắt đầu chính mình. Các cô gái hãy nói với bố mẹ: 'Bây giờ không phải là 50 năm trước. Mọi thứ thay đổi'. Chúng ta sẽ gặp được người đàn ông, người phụ nữ thông minh và tôn trọng mình", bà nói.

GS Quyên cũng không quên gửi lời khuyên chân thành đến những nhà khoa học nữ: "Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, không điện, không nước, thiếu cả ăn. Năm 21 tuổi, tôi tới Mỹ với vốn tiếng Anh khiêm tốn.

Tôi khuyên các bạn đừng để trở lại ngăn cản bạn thực hiện giấc mơ. Hãy mơ lớn và nắm bắt cơ hội. Hãy có thái độ tích cực. Càng nhiều người cố đẩy bạn xuống thì bạn càng phải có động lực vương lên. Không có quy định nào nói bạn buộc phải thành công một mình nên hãy tham vấn cộng đồng và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết".

Nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam

Giáo sư Hoàng Xuân Sính sinh năm 1933, quê ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1, ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bà sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi học đại học chuyên ngành Toán. Bà đã tốt nghiệp Đại học Toulouse, rồi học lên thạc sĩ Toán ở tuổi 26.

Rời bỏ tiện nghi ở nước Pháp, năm 1960, bà quay trở về nước và giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 5/1975, bà quay lại Pháp, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7.

Luận án của của bà có tên "Gr-Catégories" (Gr-Phạm trù), gửi cho thầy giáo là giáo sư Toán học nổi tiếng Alexandre Grothendieck năm 1973. Giáo sư Hoàng Xuân Sính vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư toán học đầu tiên ở Việt Nam.

GS Hoàng Xuân Sính
GS Hoàng Xuân Sính

Được biết, GS là một trong những người sáng lập, đồng thời là hiệu trưởng đầu tiên, và hiện là Chủ tịch HĐQT của trường Đại học Thăng Long.

Nhà khoa học được UNESCO vinh danh

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (sinh năm 1980, quê Đồng Tháp), xuất thân từ gia đình có truyền thống về giáo dục. Năm 1998, PGS Vân được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi ra trường được giữ làm cán bộ giảng dạy môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Hóa của trường.

Sau khi hoàn thành Thạc sĩ vào năm 2006, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân nhận được học bổng Tiến sĩ toàn phần của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan và xuất sắc nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn (chưa đến 3 năm).

Tháng 9/2013, PGS.TS Thanh Vân trở về Việt Nam, đảm nhận vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM từ năm 2014. PGS.TS Thanh Vân đã tham gia tích cực vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 2016, nhà khoa học nữ được hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xét công nhận PGS, lúc đó chỉ mới 36 tuổi.

PGS Hồ Thị Thanh Vân
PGS Hồ Thị Thanh Vân

Năm 2022, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. Giải thưởng danh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng, vinh danh các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực Khoa học sự sống, môi trường, vật lý, toán học và khoa học máy tính. Trước đó là vào năm 2020, PGS.TS Thanh Vân lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.

Nhà thiên văn học nổi tiếng

Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) sinh năm 1963, quê gốc ở hải Phòng. Sau khi sang Mỹ, bà theo học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý như Đại học Stanford năm 1984; thạc sĩ ở Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT.

Năm 1992, bà cùng thầy hướng dẫn khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đài Kuiper, nhờ đó bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - một giải thưởng quốc tế của Na Uy dành cho các nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong các ngành Vật lý thiên văn, Công nghệ nano và Khoa học thần kinh.

GS Lưu Lệ Hằng
GS Lưu Lệ Hằng

Năm 27 tuổi, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về sự liên quan giữa sao chổi và thiên thạch. Chưa hết vào năm 2012, GS Lưu Lệ Hằng còn trở thành chủ nhân của giải thưởng Shaw Thiên văn học về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".

Với những cống hiến của mình, bà đã được lấy tên để đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ mặt trời.

Trả lời trong một bài phỏng vấn cách đây nhiều năm, GS Lưu Lệ Hằng cho rằng trở ngại lớn nhất của bà trong quá trình theo đuổi con đường khoa học chính là thái độ hoài nghi, hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ làm khoa học. "Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức và phớt lờ thái độ kỳ thị hay coi thường của một số người. Nếu cứ nghĩ tới sự kỳ thị của người khác, bạn sẽ không thể thành công", nữ GS tâm sự.

Nhà khoa học sáng chế chất nổ mới 

Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng sinh năm 1962 tại Việt Nam. Từ năm 1985, nhà khoa học nữ chuyển sang Mỹ sinh sống. Sau đó, vào năm 1986, bà theo học trường Đại học State University of New York, Genesseo (Suny Geneseo). Tiến sĩ Hằng đã tốt nghiệp vào năm 1991 với hai bằng cử nhân Toán học và Hóa học. Năm 1998, bà học tiến sĩ tại Đại học Buffalo (Mỹ) và bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Hóa học. Từ năm 2002, bà làm việc cho Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ.

Năm 2007, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đã giành giải thưởng MacArthur Fellowship 500.000 USD (gần 12,3 tỷ đồng) cho phát minh "chất nổ cơ bản xanh". Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất ở Mỹ, trao cho các gương mặt xuất sắc lĩnh vực kỹ thuật, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật...

Nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải Noam Chomsky

PGS Trần Thị Lý (SN 1975, Quảng Trị) là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Noam Chomsky 2020. Hiện nay, PGS Trần Thị Lý đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Australia.

PGS Trần Thị Lý có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế, mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động, khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp, quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam... 

Đến nay, nhà khoa học nữ này đã sở hữu hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Năm 2019, Phó giáo sư Lý được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

PGS Trần Thị Lý
PGS Trần Thị Lý

 Nhà khoa học nữ trong top ảnh hưởng thế giới

Tiến sĩ Lê Thái Hà (sinh năm 1988) từng theo học tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), trong gần 3,5 năm và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong hai năm với điểm số cao nhất khóa 4.92/5 - một điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ nơi Tiên sĩ Thái Hà theo học, khi mới 24 tuổi.

Về Việt Nam đầu năm 2013, nữ tiến sĩ giảng bắt đầu giảng dạy tại Đại học RMIT, sau đó là Đại học Fulbright, đồng thời với công việc nghiên cứu. Tính đến nay, Thái Hà đã công bố khoảng 70 bài báo, ấn phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, kinh tế, thuế, trên các tạp chí quốc tế uy tín như Energy Economics, Energy Journal, Energy Policy, Economic Modelling, International Review of Financial Analysis, Annals of Operations Research, Australian Tax Forum.

Tiến sĩ Lê Thái Hà
Tiến sĩ Lê Thái Hà

Theo xếp hạng của các chuyên gia thuộc Đại học Stanford được đăng trên tạp chí khoa học PLoS Biology vào năm 2021, Tiến sĩ Thái Hà có tên trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong tất cả lĩnh vực khoa học và là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất ở trong xếp hạng này. Cô cũng là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của ủy ban khoa học kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Tiến sĩ Hà hiện là Giám đốc điều hành của giải thưởng VinFuture, sau gần 10 năm là giám đốc nghiên cứu và giảng viên cao cấp ở trường đại học. Tiến sĩ Thái Hà cũng là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất được Nhà xuất bản Elsevier.

Giáo sư được Hiệp hội Hoá học Hoàng gia Anh vinh danh

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992. Nhà khoa học nữ được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học College London (UCL) từ năm 2013 và dẫn đầu nhóm nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh. 

Năm 2019, GS Kim Thanh nhận huy chương Rosalind Franklin cho những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong y sinh. Năm 2022, Giáo sư Kim Thanh cũng là một trong ba nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize của Hiệp hội Hoá học Hoàng gia Anh. 

Mới đây nhất, nữ GS còn được vinh danh là "Phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hoá học, kỹ thuật hoá học năm 2023".

GS Nguyễn Thị Kim Thanh
GS Nguyễn Thị Kim Thanh

Đông

Một kiểu giáo dục cha mẹ ngày nay xa lánh, giáo sư nói: Lúc cần phải dùng, nếu không tương lai con cái u tối

Một kiểu giáo dục cha mẹ ngày nay xa lánh, giáo sư nói: Lúc cần phải dùng, nếu không tương lai con cái u tối

Nếu bạn không kịp thời khiến con ghi nhớ bài học và đảo ngược những quan niệm sai lầm của chúng thì rất có thể cuộc đời con sẽ bị hủy hoại.