Những cơn bão khủng khiếp từng đổ bộ vào Việt Nam

Bão số 6 Narki giật cấp 15 sắp đổ bộ đất liền, nguy cơ gây ra lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Tây Nguyên. Cùng nhìn lại những siêu bão khủng khiếp nhất từng đổ bộ vào đất liền và tác oai tác quái tại các vùng biển Việt Nam.

Narki được nhận định là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm 2019

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, vào 9h ngày 10/11/2019, tâm bão Nakri cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 260 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất cấp 10 (90-110 km/h), giật cấp 13. 

Trong 12 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển 10-15 km mỗi giờ. Khuya nay bão đi vào các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, sau đó thành áp thấp nhiệt đới. 

Đường đi của bão Nakri theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: NCHMF.
Đường đi của bão Nakri theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: NCHMF.

Dự báo sẽ có mưa to trên diện rộng sẽ kéo dài đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, Tây Nguyên. 

Lũ sẽ xuất hiện ở các tỉnh này khiến nước sông dâng cao. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị. Riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.

Nhiều chuyến bay bị hủy do lo ngại ảnh hưởng của mưa bão. Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, bốn tỉnh đã lên kế hoạch di dời gần 45.000 hộ với trên 180.000 người dân tại khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, nơi có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất trước 12h hôm nay. 

Ngoài bão Narki, hàng năm, Việt Nam luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của mưa bão. Cùng nhìn lại những trận bão khủng khiếp nhất đã từng đổ bộ vào Việt Nam trong 13 năm qua.

Bão số 3 WIPHA (tháng 8/2019)

Cơn bão số 3 – WIPHA đã đổ bộ vào đất liền Móng Cái (Quảng Ninh) vào tối 2/8/2019 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Hoàn lưu bão rộng đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mưa lớn đã khiến nước sông, suối dâng cao gây ra ngập lụt ở vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất diễn ra ở nhiều nơi thuộc vùng núi. Đã có những thiệt hại đáng kể về người và tài sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.

Cơn bão số 3 gây ra mưa lũ khiến các trận lũ quét kinh hàng xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân. Nguồn: 24h.com.vn
Cơn bão số 3 gây ra mưa lũ khiến các trận lũ quét kinh hàng xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân. Nguồn: 24h.com.vn

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 5/8/2019, mưa lũ đã làm 5 người chết (Thanh Hóa 3 người, Bắc Kạn 1 người; Điện Biên 1 người) và làm 13 người mất tích (Thanh Hóa 12 người, Điện Biên 1 người).

Mưa lũ cũng làm ngập, hư hỏng hơn 1.000 ngôi nhà, cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm của người dân; gây ngập lụt, sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường giao thông…

Bão số 3 (năm 2018) đổ bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An, là cơn bão gây thiệt hại nặng về người nhất trong năm 2018

Sáng ngày 17/7/2018, cơn bão số 03 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc (tốc độ 35km/h). Đêm ngày 18/7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sau đó suy yếu và tan dần.

Bão số 3 (2018) di chuyển vào biển Đông. Nguồn: vtc.vn
Bão số 3 (2018) di chuyển vào biển Đông. Nguồn: vtc.vn

Thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão: 35 người chết, mất tích; kinh phí 6.615 tỷ đồng.

Cơn bão nhiệt đới Damrey – Cơn bão số 12 (2017) 

Cơn bão này cùng tên Damrey với cơn bão số 7 năm 2005 từng đổ bộ và tàn phá đê biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo, bão Damrey đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai bậc cấp 4 (ở mức cảnh báo màu đỏ): Tức là mức rủi ro rất lớn, gần sát với mức nguy hiểm cao nhất ở các tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận.

Bão Damrey tàn phá Nha Trang (Khánh Hòa). Nguồn: vietnamnet.vn
Bão Damrey tàn phá Nha Trang (Khánh Hòa). Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng 4/11, bão số 12 đã đổ bộ vào thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà và gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Nam Trung Bộ.

413.500 tỷ đồng là tổng thiệt hại về vật chất mà tỉnh Khánh Hòa phải gánh chịu sau cơn bão số 12, đổ bộ ngày 4/11. Đây cũng là tỉnh có thiệt hại nặng nề nhất về cả người và tài sản do thiên tai trong năm 2017.

Bão quốc tế Doksuri (2017)

Bão số 10, tên quốc tế Doksuri là cơn bão mạnh và nguy hiểm với sức gió cấp 11 -12, giật cấp 15. Lần đầu tiên trong năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (màu đỏ).

Áp sát đất liền đến gần trưa 15/9/2017, bão Doksuri đổ bộ vào khu vực giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15.

Doksuri là cơn bão mạnh và nguy hiểm với sức gió cấp 11 -12, giật cấp 15. Nguồn:vietnamfinance.vn
Doksuri là cơn bão mạnh và nguy hiểm với sức gió cấp 11 -12, giật cấp 15. Nguồn:vietnamfinance.vn

Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng, 2 cột truyền hình và 2.855 cột điện gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.

“Quái bão” Mirinae (2016)

Bão Mirinae hình thành từ vùng áp thấp đêm 27/7/2016, bão đổ bộ vào khu vực Thái Bình - Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa.

Mirinea không phải một cơn bão mạnh, chỉ có sức gió tương đương cấp 8 – 9. Tuy nhiên đây lại là một “quái bão”, có quy luật khác thường khi vào đất liền, di chuyển chậm, có thời điểm hầu như không di chuyển và giữ nguyên cường độ suốt đêm, gây thiệt hại lớn.

Quái bão Mirinae khiến Hà Nội tan hoang. Nguồn: 24h.com.vn
Quái bão Mirinae khiến Hà Nội tan hoang. Nguồn: 24h.com.vn

Trong khoảng 4 giờ quần thảo trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và đồng bằng Bắc Bộ, bão đã làm 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện.

Hà Nội là địa phương có nhiều người bị thương nhất với 9 trên tổng số 21 người.

Cơn bão còn khiến 30 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 25.000 nhà tốc mái hư hỏng; 67 tàu, thuyền bị chìm, 17.000 cột điện bị gãy đổ.

Siêu bão Hải Yến (Haiyan) 2013, mạnh nhất trong lịch sử thế giới

Siêu bão Hải Yến (Haiyan), với sức gió cấp 16, là 1 trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử thế giới. Vào đầu tháng 11/2013, bão Haiyan đã đổ bộ vào Philippines và gây ra thảm họa nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng khoảng 6.000 người, khiến hàng chục nghìn người bị thương và mất tích.

Bão Haiyan có sức gió "hủy diệt" lên tới cấp 16. Sau khi gây ra thảm họa ở Philippines, cơn bão "hủy diệt" Haiyan vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 14 trong năm 2013.

Siêu bão Hải Yến (Haiyan), một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Nguồn: 24h.com.vn
Siêu bão Hải Yến (Haiyan), một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Nguồn: 24h.com.vn

Khi vào Biển Đông, siêu bão Haiyan mạnh cấp 17, di chuyển rất nhanh và đột ngột đổi hướng. Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão đã đi lên phía Bắc, càn quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh. Bão khiến 13 người chết, 81 người bị thương.

Siêu bão thần tốc Sơn Tinh năm 2012

Sơn Tinh được hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines vào ngày 23/10/2012.

Vào chiều tối 28/10/2012, bão Sơn Tinh khi chỉ còn cách ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình dưới 100 km, bão mạnh cấp 11-12 hoành hành suốt nhiều giờ tại đây khiến các địa phương này hứng chịu những trận gió mạnh có lúc giật tới cấp 14, mưa lớn suốt đêm.

Bão Sơn Tinh không đổ bộ vào đất liền mà di chuyển vòng lên phía bắc, tan ở ven biển Hải Phòng- Quảng Ninh.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá Hải Phòng. Nguồn: giaoduc.net.vn
Siêu bão Sơn Tinh tàn phá Hải Phòng. Nguồn: giaoduc.net.vn

Bão Sơn Tinh quét dọc từ miền Trung ra miền Bắc đã khiến 7 người chết, nhiều người mất tích. Bão Sơn Tinh gây thiệt hại trên 7.500 tỷ đồng. Trong đó nặng nề nhất là Thái Bình (2.662 tỷ), Nam Định (1.535 tỷ), Hải Phòng (gần 1.000 tỷ).

Nỗi sợ mang tên Xangsane 2006

Bão Xangsane hình thành trên vùng biển phía đông Philippines ngày 25/9/2006, vào Biển Đông ngày 28/9/2006.

Xangsane là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm tính đến 2006, vào Biển Đông thì cường độ bão mạnh lên cấp 13, giật cấp 14 và giữ nguyên cường độ này khi đổ bộ, tâm bão đi qua TP.Đà Nẵng.

Bão Xang Sane từng gây ra nỗi khiếp sợ cho người dân Đà Nẵng và Huế
Bão Xang Sane từng gây ra nỗi khiếp sợ cho người dân Đà Nẵng và Huế

Cơn bão làm khoảng 70 người chết và mất tích từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, hơn 500 người bị thương, thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng.

Bão Xangsane còn làm 15.119 căn nhà sập và cuốn trôi; 251.418 căn nhà tốc mái, hư hỏng, 2.059 trường học, cơ quan bị hư hỏng, 579 tàu thuyền chìm và bị hư hại cùng hàng ngàn héc ta nuôi trồng thủy sản, lúa, hoa màu, hàng trăm ki lô mét đường giao thông... bị tàn phá.

Cơn bão đau thương nhất - Chanchu 2006

Chanchu là cơn bão đầu tiên vào biển Đông trong năm 2006. Mặc dù bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền Việt Nam, nhưng đã càn quét vào trúng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc Biển Đông, khiến 266 ngư dân thiệt mạng.

Đổ bộ Philippines trưa 13/5, bão Chanchu vượt qua quần đảo này vào biển Đông. Hai ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12.

Bão Chanchu, cơn bão tang thương, cướp đi sinh mạng của 266 ngư dân miền Trung (ảnh T. Tuấn/ Tiền Phong)
Bão Chanchu, cơn bão tang thương, cướp đi sinh mạng của 266 ngư dân miền Trung (ảnh T. Tuấn/ Tiền Phong)

Đến 10h ngày 15/5, bão chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc. 1h ngày 18/5, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn.

Thanh Phong (t/h)

Bão số 6 giật cấp 14, áp sát vùng biển từ Quảng Ngãi-Khánh Hòa, biển động dữ dội

Bão số 6 giật cấp 14, áp sát vùng biển từ Quảng Ngãi-Khánh Hòa, biển động dữ dội

Đêm 9-11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.