Những gương mặt nữ có đóng góp lớn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên thế giới

Nghiên cứu, điều chế, phân bổ vắc xin cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn cung, những phụ nữ này đã đóng góp to lớn cho công cuộc chống Covid-19.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhiều phụ nữ làm việc trong các ngành khoa học đang ở tuyến đầu. Đó có thể là các nhân viên y tế hoặc những người nghiên cứu vắc xin hoặc phương pháp điều trị Covid-19. Nhờ họ, thế giới trở nên an toàn hơn.

Nhà khoa học Katalin Kariko và nghiên cứu về công nghệ mRNA

Katalin Kariko là nữ giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành hóa sinh và sinh học phân tử, người Mỹ gốc Hungary tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Bà là người đứng đằng sau thành công của công nghệ mRNA – công nghệ được các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna ứng dụng để tạo ra vắc xin ngừa Covid-19.

Bà Katalin Kariko (bên phải) và cộng sự Drew Weissman đã phát minh ra công nghệ mRNA mà Pfizer và Moderna sử dụng để bào chế vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Univision
Bà Katalin Kariko (bên phải) và cộng sự Drew Weissman đã phát minh ra công nghệ mRNA mà Pfizer và Moderna sử dụng để bào chế vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Univision

Trong suốt sự nghiện nghiên cứu khoa học của mình, bà Kariko chỉ tập trung vào nghiên cứu về mRNA và ứng dụng y học của mRNA. Nhưng trong suốt thời gian dài, ý tưởng dùng mRNA để chống lại bệnh tật của bà bị xem là không có khả thi. Đơn xin tài trợ của bà bị từ chối hết lần này đến lần khác, thậm chí đến cả sự ủng hộ từ các đồng nghiệp cũng không có. Những năm 1995, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và bị Đại học Pennsylvania giáng cấp nhưng chưa lần nào bà từ bỏ ý tưởng nghiên cứu của mình.

Năm 1997, Katalin Kariko được gặp và cộng tác với bác sĩ miễn dịch học Drew Weissman – một trong số ít đồng nghiệp nhận ra tiềm năng của nghiên cứu mRNA và đồng ý cùng tham gia với bà.

Năm 2005, tiến sĩ Kariko và bác sĩ Weissman đã đạt được một bước đột phá lớn, cho phép mRNA tổng hợp vượt qua được hệ miễn dịch của cơ thể mà không gây ra phản ứng mạnh. Hai nhà khoa học cho rằng phương pháp tương tự có thể được sử dụng để thúc đẩy cơ thể tạo ra bất kỳ loại “thuốc protein” nào, như insulin hay các hormone khác hoặc một số loại thuốc tiểu đường mới. Điều quan trọng, mRNA cũng có thể được sử dụng để tạo ra vaccine, không giống như bất kỳ loại vaccine xuất hiện trước đây.

Công trình của họ nhận được sự chú ý của Derrick Rossi, người đã cùng các đồng nghiệp lập nên công ty Moderna vào năm 2010. Hai nhà sáng lập BioNTech, ông Ugur Sahin và vợ là Ozlem Tureci, cũng thấy được tiềm năng của công nghệ mRNA trong sản xuất dược phẩm.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng các kỹ thuật của Kariko và Weissman để phát triển vaccine của họ. Ý tưởng cho cả hai loại vaccine mà Moderna và BioNTech theo đuổi là đưa mRNA vào cơ thể để hướng dẫn các tế bào của con người sản xuất protein gai của SARS-CoV-2. Hệ miễn dịch sẽ nhìn thấy protein, nhận ra nó là kẻ lạ xâm nhập và học cách tấn công SARS-CoV-2 nếu nó xuất hiện trong cơ thể. So với công nghệ truyền thống, mRNA hứa hẹn hiệu quả hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn. Công nghệ mRNA sẽ không dừng lại ở sản xuất vaccine, mà trong tương lai không xa, hàng loạt  bệnh như ung thư, đột quỵ, hay các bệnh hiểm nghèo khác cũng hứa hẹn sẽ được “thanh toán”.

Nhờ sự kiên định, bền bỉ, cùng ý chí vượt qua nghịch cảnh một cách phi thường, Katalin Kariko và Drew Weissman đang đứng trước cơ hội giành được giải Nobel Y học trong năm 2021.

Sarah Gilbert - Nhà khoa học nữ đã nghiên cứu thành công vắc xin AstraZeneca

Một trong những nhà khoa học nữ đã đóng góp to lớn cho công cuộc chống dịch Covid-19 trên thế giới là bà Sarah Gilbert - giáo sư về vắc xin tại Viện Jenner của Đại học Oxford (Anh). Bà và các cộng sự là người đã nghiên cứu thành công vắc xin phòng ngừa Covid-19 Oxford/AstraZeneca.

Giáo sư Sarah Gilbert và búp bê Barbie phiên bản chính bà (Ảnh: PA).
Giáo sư Sarah Gilbert và búp bê Barbie phiên bản chính bà (Ảnh: PA).

Giáo sư Sarah Gilbert đã từng nghiên cứu vắc xin sốt rét, cúm và Ebola. Khi dịch MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông) bùng lên, bà Gilbert bắt đầu phát triển vắc xin cho loại virus corona này.

Đầu năm 2020, vắc xin MERS chỉ mới thử nghiệm lần thứ hai thì đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Giáo sư Sarah Gilbert nhận ra rằng mình có thể tạo ra vắc xin Covid-19 tương tự cách bà đã từng thực hiện với MERS. Do đó, Giáo sư Sarah Gilbert và nhóm của mình đã nhanh chóng bắt tay vào việc điều chế vắc xin phòng ngừa Covid-19.

Sự cố gắng của họ đã mang đến thành tựu lớn. Ngày 23.11.2020, Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố vắc xin phòng Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90%. Đến nay, vắc xin của Oxford/AstraZeneca đã được 121 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng, theo thống kê của Wego Travel Blog.

Điều đặc biệt hơn nữa là vắc xin này chỉ được bán với giá 3 USD/liều và công ty AstraZeneca cũng hứa sẽ không thu lợi khi đại dịch đang diễn ra, giúp các nước đang phát triển và nước nghèo có thể tiếp cận vắc xin.

Tiến sĩ Kizzmekia Corbett – Trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin Moderna

Tiến sĩ Kizzmekia Corbett là một nhà miễn dịch học, nghiên cứu viên cao cấp da màu tài ba, trưởng nhóm nghiên cứu phát triển vắc xin Moderna tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Ở tuổi 34, cô là một trong những nhà khoa học hàng đầu đứng sau các dự án nghiên cứu vaccine của chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nghe Tiến sĩ Kizzmekia S. Corbett (phải) thuyết trình khi ông tham quan phòng thí nghiệm của Viện Y tế quốc gia ở Bethesda, Maryland, vào ngày 11.2 - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nghe Tiến sĩ Kizzmekia S. Corbett (phải) thuyết trình khi ông tham quan phòng thí nghiệm của Viện Y tế quốc gia ở Bethesda, Maryland, vào ngày 11.2 - Ảnh: AFP

Giáo sư Ralph Baric tại Đại học North Carolina gọi Corbett là "một nhà khoa học xuất chúng, cần mẫn". Corbett bắt đầu nghiên cứu virus corona (SARS và MERS) từ khi gia nhập Trung tâm nghiên cứu vaccine của NIH năm 2014 nhưng mới đi vào nghiên cứu chuyên sâu khi Covid-19 bùng phát cuối năm 2019.

Trước khi bùng phát Covid-19, Corbett là thành viên của nhóm nghiên cứu tại NIH ở Bethesda, Maryland và những nơi khác, đang thiết kế vắc-xin cho các coronavirus khác với sự cộng tác của Moderna. Công nghệ mRNA của các nhà khoa học cung cấp một đoạn mã di truyền đến các tế bào của người để tạo ra các protein virus kích thích miễn dịch. Khi dịch bùng phát bắt đầu, nhóm đã huy động tất cả nguồn lực để nhanh chóng xác định trình tự di truyền SARS-CoV-2 để tạo ra một loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19, Để nghiên cứu thành công, cô đã phải làm việc 7 ngày/tuần, mỗi đêm ngủ chỉ 3-4 giờ. Tất cả nỗ lực của cô nhằm đem lại vaccine chống Covid-19, mang lại bình an cho người dân Mỹ.

Trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người, Corbett đã thiết kế các thử nghiệm vắc xin trên động vật và hoàn thiện các thử nghiệm để đo lường hiệu quả của vắc xin trong các thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin phòng Covid-19 do Corbett và đồng nghiệp tạo ra là một trong số ít vắc xin có hiệu quả cao nhất hiện nay. Nghiên cứu trên 28207 bệnh nhân (độ tuổi: 18 – 94) cho thấy vắc-xin Moderna có hiệu quả giảm 94.1% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng. Vắc-xin hiện do Moderna sản xuất và đang được phân phối trên khắp Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Kizzmekia Corbett còn dành thời gian nói chuyện về khoa học vắc xin với những người da màu để giảm bớt sự chênh lệch về sức khỏe, giúp họ giảm bớt lo lắng về vắc xin ngừa Covid-19, chủ động tiếp cận vắc xin thay vì nói “không đồng ý tiêm”.

Aurélia Nguyen - Người phụ nữ giúp các nước nghèo tiếp cận vắc xin.

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu các loại vắc xin ngừa Covid-19, nhưng bà Aurélia Nguyen là người phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển tiếp cận vắc xin. Bà Aurélia Nguyen là Giám đốc điều phối chương trình COVAX do Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng Đối phó Đại dịch (CEPI) phối hợp thực hiện.

"Không quá lời khi nói rằng sức khỏe của cả thế giới đang nằm trong tay Aurélia Nguyen" - tạp chí Time nhận xét về bà Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành chương trình điều phối vắc xin (COVAX) 

Trên cương vị đó, bà Aurélia Nguyen phải quản lý nguồn quỹ do các quốc gia đóng góp và đảm bảo ký được thỏa thuận mua vắc xin Covid-19 để chia sẻ miễn phí cho những nước ít nguồn lực hơn.

Đây là công việc không dễ dàng vì COVAX phải cạnh tranh với những nước giàu để lấy được nguồn vắc xin cần thiết. Dù vậy, tính đến ngày 24.8, COVAX đã phân phối hơn 215 triệu liều vắc xin cho 138 quốc gia và lãnh thổ tham gia cơ chế này, trong đó có Việt Nam.

Bà Aurélia Nguyen lấy bằng thạc sĩ Chính sách y tế, kế hoạch và tài chính của Trường Vệ sinh và Y Nhiệt đới ở London (Anh), và của Trường Kinh tế London. Bà Aurélia Nguyen gia nhập GAVI năm 2011. Trước đó, bà đảm nhận một số vị trí cấp cao tại hãng dược GlaxoSmithKline.

Người phụ nữ này cũng được tạp chí Time vinh danh trong danh sách 2021 TIME100 NEXT tôn vinh “100 cá nhân đang định hình tương lai cho lĩnh vực của họ và xác định thế hệ lãnh đạo tiếp theo”.

Diệu Thuần (t/h)