1. Đó là một buổi tối mùa hè, tôi ngồi uống nước ép ở lề đường Nguyễn Thái Bình. Một đứa nhỏ trạc tầm 10 tuổi tiến lại từ xa. Bằng một điệu bộ thoăn thoắt, nó đặt trước mặt một cái chậu nhỏ, rồi đưa tay lên tu một ngụm xăng. Từ khuôn miệng bé nhỏ, một ngọn lửa bắn ra không trung đầy quyết đoán. Không có tiếng hò reo nào hết, các khách hàng của tiệm nước ép đã quá quen với màn trình diễn này. Sau 2-3 lần thổi lửa, đứa trẻ nhanh nhảu cất đồ nghề, và lôi ra chiếc hộp inox nhỏ và tiến đến chìa vào mặt từng vị “khán giả” bất đắc dĩ.
- Cô không có tiền. Tôi nói. Đây là nói thật, bởi tôi không có thói quen giữ tiền mặt trong người.
- Cho con mấy ngàn đi. Từ sáng đến giờ chẳng kiếm qua được đồng nào.
Tôi giật mình nhìn đứa trẻ. Cái câu nói già chát nghe như một người lớn từng trải đó lại được thốt ra từ miệng một đứa nhóc mặt non choẹt, lấm lem, đôi mắt ánh lên sự tinh khôn của đường phố, cái bụng tròn ủng đáng yêu như một nhân vật hoạt hình.
- Cô không có tiền nhưng con muốn ăn gì cô sẽ mua cho con.
Đứa trẻ nghĩ hồi lâu, rồi quay đầu nhìn xung quanh. Mãi sau nó mới nói:
- Con muốn ăn bánh tráng trộn.
Quá đơn giản. Hai cô cháu đứng dậy dắt nhau ra hàng bánh tráng trộn kế bên đó. Tôi mua cho nó bịch bánh tráng mắc nhất cửa hàng, đi cùng một ly trà tắc bự nhất. Trong lúc đợi, tôi hỏi:
- Quê con ở đâu?
- Nhà con ngay Ký Con kìa. Ba con đi tù. Nhà còn mẹ thôi mà mẹ phải nuôi mấy đứa em lận. Con đi làm phụ mẹ kiếm tiền.
- Ủa sao ban ngày không đi học mà lại đi làm nghề này chi vậy?
- Bị đuổi học rồi. Không có tiền đóng học.
- Thằng nhỏ ngày nào cũng đi qua đây mà. Nhà nó khổ lắm. Cô bán bánh tráng tay vừa trộn bánh nhưng không trượt câu chuyện nào.
Không khó để gặp những đứa trẻ làm nghề phun lửa ấy ở bất cứ đâu trong thành phố này. Nếu không phải thổi lửa, chúng có thể làm vô số các “công việc” khác. Chỉ cần trải một tấm chiếu và ôm một đứa trẻ sơ sinh khác trên tay để đóng vai chị em, địu một đứa nhỏ đang say ngủ trước ngực để đi bán kẹo cao su - vậy là chúng cũng có thể “hành nghề”.
Ở độ tuổi nhi đồng - những đứa trẻ mồ côi hoặc có bố mẹ đi tù - buộc phải lao ra đời bươn chải. Chẳng cần là người theo chủ nghĩa hoài nghi cũng có thể đoán được, đằng sau những đứa trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố đấy, là một mạng lưới của những kẻ chăn dắt có tổ chức. Chúng lợi dụng sự bơ vơ và tình thế yếu đuối của trẻ nhỏ để trục lợi và kiếm tiền dựa vào sự xót thương của người qua đường. Dù là giữa trời nắng 40 độ hay mưa bão tầm tã, dù là 1-2h sáng hay 9-10 đêm, những đứa trẻ vẫn miệt mài đổ ra các nẻo đường, hàng ăn, quán nhậu để thổi lửa, bán kẹo cao su và chìa tay xin tiền bằng được.
Tiền đấy rồi sẽ vào túi của đám chăn dắt, và được chia lại cho trẻ với một tỉ lệ bèo bọt, hoặc thậm chí trả lương theo tháng, theo ngày. Và nếu chẳng may một ngày không kiếm đủ số tiền đặt ra, rất có thể thứ chờ đợi chúng sẽ là một trận đòn roi nhừ tử.
2. Khi xem những hình ảnh quay lén từ Mái ấm Hoa Hồng, tôi không khỏi choáng váng vì những hành động vô nhân của các bảo mẫu. Tôi chưa bao giờ dám bế trên tay một đứa trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vì sợ sự vụng về của mình sẽ làm tổn thương đến bé.
Vậy mà trong clip, những đứa trẻ còn đỏ hỏn bị kéo, bị đánh, bị đạp,... như thể chúng là một thứ búp bê nhồi bông. Nửa đêm hôm qua, một người bạn của tôi vào nhắn hỏi: “Không viết một bài gì sao?” Chị đang ôm con ngủ. Giây phút nhìn con gái bé bỏng nép vào lòng, chị xót xa khi nghĩ đến những trận đòn roi mà nhóm bảo mẫu giáng xuống đầu những đứa trẻ trạc tuổi con mình, tàn bạo như giáng xuống kẻ thù.
Đây không phải lần đầu tiên có một vụ việc bạo hành ở một cơ sở chăm sóc trẻ em được phát giác. Nhưng lần này, cảm giác buồn bã trong tôi nhân lên nhiều lần. Những đứa trẻ bị bạo hành đã phải mang theo mình những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng những đứa trẻ mồ côi bị bạo hành còn đi kèm với đó là sự bơ vơ.
Chúng sống tiếp cùng những nỗi đau bên trong, sẽ vĩnh viễn phải đối mặt với sự bất ổn và ám ảnh về đòn roi ấy như một phần của cuộc sống sau này. Tổn thương thể xác rồi sẽ được chữa lành, nhưng tổn thương tâm lý sẽ là một vết sẹo lớn, mà ngay cả những đứa trẻ có đầy đủ bố mẹ - cũng chưa chắc có thể hoàn toàn bình phục.
Nhiều người không dám xem hết clip vì sự tàn nhẫn, nhưng tôi đã cố gắng xem đến cuối cùng. Bạo lực lây lan từ người lớn sang người lớn, từ người lớn sang trẻ con, từ trẻ con sang trẻ con. Đánh, đấm, đạp thôi chưa đủ, họ còn nhồi nhét, chế giễu và mỉa mai những đứa trẻ thậm chí còn chưa có tri nhận về cuộc sống. Tất cả biến một nơi tự gọi mình là mái ấm - trở thành địa ngục trần gian với trẻ nhỏ, ngay giữa lòng một thành phố lớn. Liệu một con người có thể ác độc đến mức nào trước những đối tượng hoàn toàn không có khả năng phản kháng? Điều gì đã khiến hành vi và tư tưởng bạo lực có thể che mờ lương tri của con người? Có ẩn ức nào sâu kín trong mỗi người bảo mẫu đó, để họ bộc phát thành hành vi tra tấn đến những sinh mệnh yếu ớt trước mặt mình?
Nhìn những chậu cơm chan nước tương mà đám trẻ xâu xé vào ăn, nhìn những bình sữa bẩn thỉu được đong từ chậu, những những thùng tã/ sữa được chuyển đi bán với giá rẻ hơn giá thị trường - tôi lờ mờ thấy chân dung một mô hình kinh doanh méo mó dựa trên tình thương của con người.
Ở đó, tổ chức trục lợi tìm kiếm những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa, không thể cất tiếng nói… và biến chúng thành một thứ công cụ kiếm tiền từ các nhà hảo tâm. Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ sự may mắn của mình với những mảnh đời éo le hơn - dù ít, dù nhiều - và họ tìm đến những tổ chức như Mái ấm Hoa Hồng để hỗ trợ về mặt tài chính lẫn cơ sở vật chất. Nắm được tâm lý hào phóng này của các Mạnh Thường Quân, Mái ấm Hoa Hồng chỉ việc cung cấp một môi trường chăm sóc mang tính duy trì cho trẻ nhỏ, còn lại, tất cả được đổ vào hầu bao của những kẻ đứng sau. Một cuộc kinh doanh có lời trong lốt của lòng trắc ẩn và sự cưu mang.
Và khi biến việc chăm sóc những sinh linh yếu đuối trở thành một công việc đơn thuần để thu lại lợi nhuận, không khó hiểu khi chính những “nhân công” trong dây chuyền này đối xử với trẻ nhỏ như một thứ công cụ bất tri giác, một món hàng, món nợ phiền toái, biết khóc lóc và kêu la.
3. 5/9, là ngày Khai Giảng. Có một sự cay đắng khi nhìn những title báo buổi sáng tựu trường được xen kẽ giữa nụ cười hân hoan của học sinh các cấp, là những thông tin mới nhất về vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng.
Tôi chợt nhớ về đứa trẻ thổi lửa ở Nguyễn Thái Bình. Không biết, năm nay nó có được đi khai giảng không hay vẫn đang lang thang ở một xó xỉnh nào đó, chờ đến tối để lao ra đường mưu sinh? Tôi nghĩ về những đứa trẻ mồ côi mới được giải cứu ngày hôm qua. Có lẽ giờ này, các em đang được ngủ say giấc, được ăn no bụng với dòng sữa ngon lành, được băng bó, chăm sóc những vết thương ngoài da. Các em sẽ được người lớn vỗ về, âu yếm, yêu thương - để bù lại những tháng ngày phải sống trong đòn roi và sự hành hạ.
Tôi nghĩ về những đứa trẻ mồ côi khác đang sống trong các nhà tình thương và mái ấm tự phát. Sau tất cả những sự phẫn nộ về các vụ bạo hành, hóa ra vẫn còn những nơi như Mái ấm Hoa Hồng tồn tại. Và liệu ở một vùng đất hay thành phố nào đó, có một mái ấm nào cũng đang chìm trong tiếng khóc, tiếng la hét, kêu gào thống thiết của trẻ nhỏ vì những đòn roi tàn bạo của người lớn?
Rồi tôi nghĩ đến người lớn chúng ta. Thật kỳ lạ khi dẫu tất cả người lớn từng là trẻ con, hoặc đang nuôi nấng một đứa trẻ con,... lại có những người sẵn sàng trục lợi trên những đứa trẻ kém may mắn khi phải sống lẻ loi giữa đời. Sự thực dụng đã khiến họ quên đi mình cũng từng nhỏ bé, yếu ớt và cần được bảo vệ như thế nào. Lòng tham che mờ đi nhân tính. Thói bạo lực khiến họ tự trao cho mình quyền được trừng phạt của kẻ bề trên.
Không cần phải là một người học rộng hay phải là một người có trái tim từ bi bao la mới hiểu rằng: Mọi đứa trẻ khi đến với cuộc sống này đều xứng đáng được chăm sóc và nuôi nấng bằng sự quan tâm. Một người bình thường nhất cũng có thể quả quyết điều đó, bởi nó thuộc về phạm trù lương tri.
Dẫu biết là khó, nhưng mong rằng trước khi bất cứ người lớn nào định đẩy một đứa trẻ ra đường kiếm tiền, vung tay đánh một em bé đang khóc, hay cắt xén bớt khẩu phần ăn của các em để trục lợi cá nhân - hãy nghĩ đến mình của những ngày thơ ấu, nghĩ đến cả con cháu của mình của hiện tại - và thấy rằng dù là đứa trẻ nào thì cũng thật nhỏ bé, yếu đuối và cần được yêu thương.
Mong rằng từ nay, sẽ không còn những người lớn để lòng tham lấn át lòng nhân, và đứa trẻ nào cũng sẽ được đến trường vào ngày 5/9 với nụ cười hân hoan nhất…
Bà chủ Mái ấm Hoa Hồng từng chia sẻ gì trước vụ bạo hành trẻ gây phẫn nộ?
Chủ mái ấm Hoa Hồng từng không ít lần chia sẻ với truyền thông những câu chuyện về mái ấm và hành trình nhận nuôi các bé.