Những tai nạn khó lường khi chơi pháo tự chế, không rõ nguồn gốc

Nếu tự ý sử dụng những pháo lậu nhập từ nước ngoài về, pháo tự chế trong dân...sẽ dễ dẫn đến các tai nạn nguy hiểm cho tính mạng.

Tai nạn dễ gặp khi tự ý sử dụng pháo 

Một số tai nạn thường gặp khi tự ý chơi pháo như bỏng, cụt chi, dị vật phần mềm...có nhiều trường hợp bệnh nhân bị pháo bắn trúng mắt đã bị mù vĩnh viễn do di chứng của chấn thương và bỏng.

Những tổn thương nghiêm trọng cho mắt bao gồm: Bỏng da mi, bỏng kết giác mạc. Dị vật bề mặt nhãn cầu, dị vật nội nhãn, dị vật hốc mắt: Có thể do cát, vụn xi, mảnh pháo hoặc đất cát từ hiện trường của vụ nổ pháo bắn vào mắt.

Nghiêm trọng hơn, sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn, như phù giác mạc, chảy máu trong, rách đứt mống mắt, sa lệch thể thủy tinh, bong dịch kính, phù và rách vỡ màng Bruch - võng mạc.

Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Quốc H. (33 tuổi), trú tại Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), trong dịp Tết 2019, anh H. cùng nhóm bạn tổ chức bắn pháo hoa  tại địa phương và không may anh đã bị pháo hoa bắn ngay vào hai mắt.

Anh H. cảm thấy đau nhức và không nhìn thấy gì, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện. 

Bệnh nhân H. bị chấn thương mắt do đốt pháo hoa.
Bệnh nhân H. bị chấn thương mắt do đốt pháo hoa.

Qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán, mắt phải bệnh nhân bị bỏng kết giác mạc do nhiệt độ 1, xuất huyết tiền phòng độ 2 và xuất huyết dịch kính. Mắt trái của bệnh nhân bị bỏng kết giác mạc độ 2 do nhiệt.

Làm gì khi pháo bắn trúng mắt

Tai nạn do pháo hoa, cũng như các loại pháo kể trên gây các tổn thương nghiêm trọng cho mắt, đều là những nguyên nhân gây giảm thị lực hoặc mù lòa.

Khi bị tai nạn do pháo không nên hoảng loạn, nên ghi nhớ những điều sau đây:

Tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay lập tức;

Không day dụi, không rửa mắt;

Không đè ép lên mắt;

Không tự ý tra mỡ hay dùng thuốc giảm đau trước khi đến các trung tâm y tế.

Quy định an toàn về sử dụng pháo và xem pháo hoa

Theo nguồn tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, mặc dù pháo hoa được Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý và tổ chức bắn hàng năm vào các dịp lễ Tết, hay do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi thực hiện nhưng khi đi xem pháo hoa, đốt pháo hoa để đảm bảo an toàn chúng ta cần lưu ý các điều sau:

Tôn trọng hàng rào bảo vệ của khu vực bắn pháo hoa, tuân thủ các quy định an toàn, xem pháo hoa cách điểm bắn ít nhất là khoảng 160 m;

Không cầm nắm, nhìn ngó vào các quả pháo chưa nổ;

Không nghịch ngợm các công cụ trợ giúp, các mảnh văng, các chi tiết còn sót lại của pháo hoa;

Chúng đều có nhiệt độ cao, có hóa chất có thể gây bỏng;

Trẻ em đi xem pháo hoa cần có một người lớn giám sát;

Không chơi đùa, chạy nhảy khi pháo đang bắn;

Dọn dẹp các vật liệu dễ cháy, lá khô, cỏ khô khỏi vùng bắn pháo hoa;

Chuẩn bị nước hoặc bột khô để dập các mảnh pháo cháy dở;

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương