Niềm đam mê máy móc cơ khí của nữ GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi

GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi là cái tên được nhiều người nhắc đến với sự khâm phục vì những nghiên cứu về máy móc mang giá trị thực tế cao.

Thành tựu của hàng loạt công trình khoa học là minh chứng cho sự kiên trì, bền bỉ cũng như niềm say mê của GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi với máy móc.

GS Ngô Kiều Nhi sinh năm 1945 tại Sài Gòn. Sau khi sang Liên Xô học bà được phân công theo ngành Động lực học và Sức bền máy. Đầu năm 1975, khi trở về Việt Nam, bà dạy ở trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Năm 1976, trong mùa tuyển sinh đầu tiên khi nhận thấy tất cả các công việc đều làm thủ công từ ghi chép tên thí sinh, ngành thi, kết quả thi… Một đợt tuyển sinh vì vậy mà kéo dài đến vài tháng. Trước tình trạng này, GS Kiều Nhi và thầy Trần Bình - một cán bộ khoa Xây Dựng lên ý tưởng đưa điện toán vào việc tuyển sinh.

Đến năm 1977, trường Bách khoa TP. Hồ Chí Minh áp dụng thành công tin học vào vấn đề tuyển sinh, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho cả giáo viên lẫn thí sinh. Một năm sau, mô hình đó được nhân rộng ra toàn thành phố, rồi năm tiếp theo là toàn miền Nam, sau đó Bộ Giáo dục - Đào tạo nhân rộng và áp dụng cho cả nước.

Chân dung GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi (Ảnh: hcmut.edu.vn)
Chân dung GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi (Ảnh: hcmut.edu.vn)

Sau việc ứng dụng tin học vào tuyển sinh, GS Kiều Nhi bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu của khoa Cơ khí các công trình khác như chế tạo thiết bị đóng cọc gia cố công trình xây dựng, thiết bị tháo lõi thép đúc trong phân xưởng luyện kim. Năm 1985, GS Kiều Nhi sang Pháp thực tập 1 năm và lần đầu tiên được tiếp cận với máy tính cá nhân (Personal Computer – PC). Sau khi biết được PC được sử dụng là một khâu trong sơ đồ thí nghiệm, GS Kiều Nhi chủ động tổ chức nghiên cứu chế tạo máy cân bằng động với sự kết hợp sử dụng PC ngay khi trở về Việt Nam. Máy cân động được sử dụng rất nhiều loại phương tiện, máy móc như: quạt máy, bánh đà, cánh máy bay, tua bin tàu thủy...

Quá trình nghiên cứu chế tạo mất tương đối nhiều thời gian, đến tận năm 1993 mới chế tạo máy cân bằng động đầu tiên. Lý do là vì điều kiện nghiên cứu hồi đó còn nhiều thiếu thốn. Tất cả mọi thứ bà đều phải tự mày mò, lên thư viện đọc sách, rồi tự đề ra giải pháp thử nghiệm vào điều kiện của mình. Sau khi làm xong máy này, bà cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, dù điều kiện mình còn khó khăn nhưng chỉ cần quyết tâm thì thế nào cũng vượt qua được.

Các học trò của bà sau đó đã tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, liên tục cải tiến để chất lượng phù hợp với thị trường. Ngày nay, những chiếc máy cân bằng động made in Việt Nam của Giáo sư Ngô Kiều Nhi có mặt tại khắp mọi nơi, thậm chí sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu. Thay vì phải nhập từ nước ngoài với giá cắt cổ, sản phẩm của bà được đánh giá không chỉ rẻ mà còn có kỹ thuật cao.

GS. Ngô Kiều Nhi và nhóm nghiên cứu. (Ảnh: hcmut.edu.vn)
GS. Ngô Kiều Nhi và nhóm nghiên cứu. (Ảnh: hcmut.edu.vn)

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của bà tập trung vào 4 hướng chính. Hướng thứ nhất là nghiên cứu phương pháp đo và phương pháp xử lý số liệu dao động của cầu để đánh giá tình trạng của chúng. Ở các nước tiên tiến họ lắp các cảm biến gọi là hệ thống Health Monitoring. Kinh phí lắp các hệ thống cố định này rất lớn, không phù hợp với tình hình của Việt Nam. Bởi vậy, bà muốn tìm ra biện pháp đo và phân tích số liệu một cách đơn giản và đỡ tốn kém mà hiệu quả.

Hướng nghiên cứu thứ 2 là bà đang cố gắng để đặt nền tảng chế tạo máy CNC (computerized numerically controlled) để sản xuất các chi tiết phức tạp bằng cách sử dụng các chương trình viết bằng kí hiệu chuyên biệt theo tiêu chuẩn EIA-274-D, thường gọi là mã G. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của cô đã chế tạo thành công các bộ CNC công nghiệp nhiều chiều. Trong đó, chủ yếu chế tạo các máy CNC loại nhỏ phù hợp với các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đặc biệt góp phần vào việc phát triển các làng nghề truyền thống tại Việt Nam.

Hướng nghiên cứu thứ 3 là góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ tại thành phố. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam mang theo rất nhiều máy móc hiện đại. Nhưng khi một chi tiết nào đó của các loại máy đó bị gãy hỏng thì họ không cách nào tìm được chi tiết thay thế ở Việt Nam. Việc phát triển các máy CNC tại Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài khi cần thay thế các linh kiện lắp ráp có chi tiết tinh xảo. Hướng nghiên cứu thứ 4 mà nhóm bà đang đẩy mạnh là nghiên cứu kỹ thuật đo bao gồm chế tạo thiết bị đo và phương pháp xử lý số liệu. Hiện nhóm bà đang phối hợp với một số công ty để phát triển các thiết bị đo và thử (test) trong một số ngành, trong đó chủ yếu là dệt may nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may trong nước.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng GS. TS. NGND Ngô Kiều Nhi vẫn đầy nhiệt huyết với những dự án vô cùng tham vọng cho ngành cơ khí Việt Nam. Cuộc đời bà là một chuỗi những câu chuyện về làm khoa học kiên trì, bền bỉ và đầy sáng tạo bởi niềm đam mê ấy vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim nữ Giáo sư cơ khí này.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ trí thức Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nữ trí thức Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

"Nữ trí thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" là chủ đề của sự kiện Trưng bày giới thiệu sản phẩm KHCN do Trung tâm Ứng dụng KHCN &Khởi nghiệp tổ chức