Nói thẳng: Thi Lý - Hoá - Sinh thì các cháu lại "bỏ xó" Văn - Toán - Anh; chỉ đổi môn thi thì không thoát nổi vòng luẩn quẩn!

Đang có một vòng học tập luẩn quẩn mà tôi – với tư cách một người mẹ – thấy rất rõ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của chị H.T.H., phụ huynh học sinh lớp 9 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Là một phụ huynh có con học lớp 9 tại Hà Nội, tôi đang cùng con bước vào chặng nước rút của kỳ thi vào lớp 10. Gần đây, tôi có đọc được một chia sẻ trên báo chí của TS Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) – về vấn đề "học để thi" đang ăn sâu trong hệ thống giáo dục. 

Trước những ý kiến về việc nhiều tỉnh thành năm nào cũng thi 3 môn Toán - Văn - Anh vào lớp 10 khiến học sinh bỏ bê một số môn tự nhiên, gây mất cân bằng cơ cấu đào tạo đại học, thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học, công nghệ,... TS Trần Nam Dũng cho rằng, vấn đề không nằm ở việc thi môn nào, mà là tâm lý học để thi đã bám rễ quá lâu, đến mức cứ thi môn nào thì học sinh lại dồn toàn lực vào môn đó, còn những môn không thi thì bị gạt sang một bên. 

Tôi thấy điều đó đúng đến từng chi tiết nhỏ trong đời sống học tập của con tôi.

Môn gì thi thì học, môn gì không thi thì… để sau

Hiện con tôi học thêm đều đặn ba môn: Toán, Văn, Anh – đúng theo ba môn thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay. Lý, Hóa, Sinh thì học trên lớp là chính, thậm chí nhiều hôm cháu còn không mang sách vở về nhà. Tôi hỏi thì con bảo: “Môn đấy không thi mẹ ạ, học để điểm kiểm tra đủ là được”.

Tôi thở dài. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu năm nay Sở Giáo dục quyết định thi Lý, Hóa, Sinh thì sao? Chắc chắn con tôi – và cả trăm nghìn học sinh khác – sẽ ngay lập tức chuyển hướng ôn tập, lao vào luyện đề môn tự nhiên. Còn Toán, Văn, Anh? Lại bị gác lại. Nếu chuyển sang thi tổ hợp Sử, Địa, Công dân? Câu chuyện sẽ lặp lại, chỉ khác ở tên môn.

Đó chính là cái vòng luẩn quẩn mà tôi – với tư cách một người mẹ – thấy rất rõ. Học gì không quan trọng bằng thi gì. Và con tôi đang học không phải vì hiểu biết, đam mê hay định hướng tương lai, mà chỉ vì ba môn thi sắp tới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tôi không trách con, mà trách áp lực đang đặt lên vai các cháu

Nhiều người nói “học sinh bây giờ lười” hay “không học đều”. Tôi không nghĩ vậy. Các con học rất vất vả. Một ngày của con tôi kín đặc lịch học thêm, luyện đề, ôn thi. Nhưng sự học đó lại quá lệch lạc, thiếu tính định hướng và hứng thú. Vì học không phải để khám phá kiến thức, mà chỉ để làm bài thi tốt.

Tôi từng hỏi con: “Con có thích Sinh học không?”. Cháu trả lời có, vì thích mổ ếch, thích tìm hiểu cơ thể người. Nhưng rồi lại gạt đi: “Nhưng giờ con phải tập trung ôn Văn, không kịp mẹ ạ”. 

Nghe mà xót.

Không thể chữa gốc rễ chỉ bằng cách thay đổi đề thi

Tôi biết, mỗi năm, các cơ quan ban ngành lại bàn chuyện thêm môn, bớt môn, thi hay xét tuyển. Nhưng với tôi, nếu chỉ thay đổi như vậy, mà không thay đổi tư duy học tập, thì vấn đề sẽ vẫn y nguyên. Dù thi ba môn hay bốn môn, dù là tự nhiên hay xã hội, thì học sinh vẫn học lệch, vẫn học để đối phó.

Hệ quả là các con không được phát triển toàn diện, không định hướng được nghề nghiệp, và sau này khi bước vào đại học hay đi làm, lại loay hoay không biết mình thực sự giỏi gì, thích gì.

Vậy thì giải pháp nào?

Tôi không phải nhà quản lý giáo dục, nhưng từ góc nhìn của một phụ huynh, tôi cho rằng chúng ta cần bắt đầu từ việc giảm áp lực kỳ thi chuyển cấp. Nếu kỳ thi vào 10 bớt căng thẳng, bớt mang tính “định đoạt”, thì con tôi và hàng triệu học sinh khác sẽ không còn phải học một cách lệch lạc, đối phó như bây giờ.

Có thể:

- Chuyển từ thi sang xét tuyển ở những nơi đủ điều kiện;

- Kết hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau, không chỉ dựa vào bài thi vài ngày;

- Đổi mới cách học trong nhà trường, để học sinh không học vì thi, mà học để hiểu và ứng dụng;

- Tăng cường hướng nghiệp từ sớm, giúp các con biết mình học để làm gì và theo đuổi đam mê nào.

Nhưng trên hết, chúng ta – những người lớn – phải thay đổi suy nghĩ trước. Phụ huynh đừng chỉ hỏi con được bao nhiêu điểm, mà hãy hỏi con hôm nay học điều gì thú vị. Thầy cô đừng chỉ dạy cho kịp đề thi, mà hãy giúp học sinh thấy ý nghĩa của kiến thức. Xã hội đừng chỉ tôn vinh học sinh trường chuyên lớp chọn, mà hãy khích lệ mọi con đường học tập chân chính.

Tôi mong con được học để lớn lên, không phải để “vượt qua”

Tôi không cần con trở thành học sinh giỏi toàn diện, cũng không kỳ vọng con phải vào trường top. Tôi chỉ mong con được học trong một môi trường mà ở đó, cháu hiểu vì sao mình học, được khuyến khích phát triển năng lực riêng và thấy tự tin trên con đường mình chọn.

Muốn vậy, chúng ta không thể chỉ “chọn môn thi” cho khác đi mỗi năm – mà phải thay đổi cách con trẻ đang học, và vì sao chúng phải học.

Minh Châu

Khoảng 48.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập, phụ huynh nói thẳng: 'Tôi sẵn sàng đóng góp quỹ nâng cấp trường cấp 3 công lập'

Khoảng 48.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập, phụ huynh nói thẳng: "Tôi sẵn sàng đóng góp quỹ nâng cấp trường cấp 3 công lập"

Tiền xây trường có nhiều bằng tiền chúng ta phải bỏ ra cho con cái học thêm để bon chen kỳ thi này?