Nóng bỏng sốt xuất huyết ở TP.HCM, đã ghi nhận hơn 1.100 ổ dịch, bệnh đang chuyển sang người lớn

Các quận, huyện có ca mắc sốt xuất huyết cao là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Củ Chi và Tân Phú.

Sáng 30/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác đã đến kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Báo cáo với phó thủ tướng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính từ đầu năm 2022 đến 29/6, TP.HCM đã có trên 20.950 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 172,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện thành phố đang điều trị 580 ca, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về (chiếm 48%). Trong số này có 237 người lớn và 343 trẻ em. Có 92 ca nặng (17 ca thở máy).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TP.HCM đã ghi nhận 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó nhiều nhất là Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), TP Thủ Đức (1 ca).

Số bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca), tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đầu 2022 đến nay, TP.HCM cũng đã ghi nhận 1.111 ổ dịch. Theo ông Châu, các quận, huyện trên sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ.

BS Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết hiện nay bệnh sốt xuất huyết dần chuyển sang người lớn, gần đây chiếm hơn 50% ca mắc. Bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám bắt đầu tăng từ tháng 4 và tăng rất nhiều vào tháng 6. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, sốt xuất huyết cần phân luồng điều trị theo tuyến và áp dụng công nghệ thông tin trong điều trị bệnh. Khi có bệnh nhân nặng ở tuyến huyện có thể hội chẩn với tuyến trên qua telemedicine. Trường hợp nào cần chuyển mới chuyển. Nếu chuyển bệnh lên tuyến trên nhiều mà phòng chống không tốt sẽ lây chéo bệnh trong bệnh viện.

Thanh Mai