Nữ biệt động Sài Gòn

Những năm tháng đó, họ đã hy sinh cả tuổi trẻ, bị tù ngục, tra tấn dã man nhưng không bao giờ lung lay lòng yêu nước.

Những nữ chiến sĩ Biệt động Thành năm xưa đã hy sinh cả tuổi trẻ, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng bằng sự gan dạ, lanh trí… và bị tù ngục, tra tấn dã man nhưng không bao giờ lung lay lòng yêu nước.

“Lì đòn” như “Dame Hai Phiên”

“Cô Ba biệt động” Ngọc Huệ và cô “Hai Phiên”.
“Cô Ba biệt động” Ngọc Huệ và cô “Hai Phiên”.

Đó là tên một bài báo do một nhà báo nước ngoài viết về người nữ biệt động Sài Gòn Dung Thị Phiên vào năm 1986, khi bà ra thăm Hà Nội. Bà sinh năm 1940, tại Củ Chi, đồng đội gọi bà là cô Hai Phiên. Nhà cô Hai Phiên ở xã Thác Mỹ.

Cô kể, năm 1963, khi cô mới 23 tuổi, chồng đã hy sinh, cô nối chí chồng tham gia cách mạng, làm giao liên và trinh sát ở Đoàn A20, do ông Hai Trí làm đội trưởng, dù lúc này hai đứa con của cô còn quá nhỏ. Cô đã cùng gia đình vận chuyển vũ khí để đánh trận tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Năm 1969, cô Hai Phiên chủ yếu vận chuyển vàng qua Campuchia để đổi ra đô la xanh và đưa về Củ Chi. Cô gói vàng vào những đòn bánh tét, rồi bỏ vào quang gánh, đem sang Campuchia. Khi đã đổi được đô la, cô bỏ vào đáy thúng rồi trải lá chuối và mắm bên trên. Mỗi lần vận chuyển khoảng 20 lượng vàng, có nhiều đợt vận chuyển từ Củ Chi lên Trảng Bàng (Tây Ninh), cô đi bằng xe lam qua chợ Dầu tới đất Campuchia, còn lúc vào lại Sài Gòn có khi đi xe đò hoặc xe thồ.

“Hồi đó 45 đồng tiền Việt đổi được 100 USD. Mỗi tháng tôi đi từ 3 tới 4 lần. Cuối năm 1970, lúc Campuchia đang đánh nhau ác liệt, việc đi lại rất khó khăn, vì một bên là lính quốc gia, một bên là lính của Campuchia nên việc kiểm soát giấy tờ căn cước chúng làm rất gắt gao. Phải bày mưu mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Tôi hay nhặt lại những tờ giấy mà bọn chiêu hồi rải khắp đường, lúc tới cửa khẩu lính gác hỏi, tôi nói qua thăm chồng, muốn kêu chồng tôi về và đưa cho họ giấy kêu gọi chiêu hồi. Chúng hỏi bao giờ về, tôi nói, nếu qua gặp được thì 3 hay 4 ngày về, nếu không gặp thì đợi khi nào tôi gặp được chồng tôi mới về. Về sau, thấy tôi đi nhiều, chúng cũng thắc mắc, tôi nói nhà nước có lệnh khoan hồng thì tôi phải qua kêu gọi chồng về bằng được”, cô Hai hồi tưởng thời ác liệt nhưng hào hùng nhất ấy.

Lần cuối cùng, cô vận chuyển tiền đô la xanh về vào năm 1970, với số lượng 400 USD, trên đường đi mới giao được 80 USD, còn hơn 300 USD giao ở điểm thứ 2 thì bị bắt, do địch đã nhặt được tờ biên nhận tiền bị mất của cô trên đường đi. Sau đó, chúng bắt giam cô 18 tháng. Trong tù, chúng dùng đủ nhục hình ép cung. Dù đau đớn tận xương tuỷ, nhưng cô nhất nhất chỉ khai là qua thăm chồng.

Tinh thần thép của “Cô Ba biệt động”

Cô Nguyễn Ngọc Huệ (Ba Huệ, sinh năm 1946), tham gia cách mạng năm 1958 và vào bộ đội năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi. Cô Ba Huệ là một nhân chứng còn lại của lực lượng Biệt động Thành năm xưa, đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Trong một lần đi trinh sát tại Trường đua Phú Thọ để chuẩn bị cho trận đánh lớn ở đây, cô cùng một nữ biệt động khác chuẩn bị vào nhà để nghỉ, thì bên ngoài lính đã phục sẵn. “Lính ập vào, chúng lập tức còng tay chúng tôi rồi áp tải vào trại giam, giam mỗi người một phòng. Ngay sau đó, một tốp lính 5 thằng mang vũ khí của chúng tôi (mang theo trong người) vứt trước mặt rồi “hù”, có một nữ biệt động bị bắt khác đã khai hết 7 cơ sở.

Những sọt cà chua, khoai mì giấu vũ khí đưa đi tập hợp ở hầm bí mật nhà ông Năm Lai để Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Ảnh tư liệu
Những sọt cà chua, khoai mì giấu vũ khí đưa đi tập hợp ở hầm bí mật nhà ông Năm Lai để Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Ảnh tư liệu

Với sự gan dạ, lanh trí của mình, cô Ba Huệ đã vận chuyển trót lọt hàng chục chuyến vũ khí vào Sài Gòn để lực lượng Biệt động Thành chuẩn bị cho những trận đánh kinh thiên, động địa. Không chỉ vận chuyển vũ khí, “Cô Ba biệt động” còn đưa quân ta (cải trang) vượt qua hàng rào kiểm soát dày đặc của địch để vào nội thành. Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất là chuyến đi vào ngày 29-30 Tết Mậu Thân. Ngày đó, “Cô Ba biệt động” đảm trách đưa một phân đội khoảng 20 người vào Sài Gòn, để “ém” quân, chuẩn bị cho trận đánh lớn.

Chúng tôi bị bỏ tù 3 tháng, bị đánh đập tàn bạo, nhưng nhớ nhất những lần bị chích điện, đau đến ngất lịm. Chúng còn đưa một tên chiêu hồi đi nhận mặt tù nhân. Tôi lo lắm, vì trong căn cứ nó biết mặt tôi.

Anh em tù bảo nhau, nếu thấy thằng chiêu hồi, cứ lánh đi, không tránh được thì đánh thẳng mặt nó, mắng lớn “mày bị đánh nhiều quá khai tầm bậy hả?”, Cô Ba biệt động kể. Sau hơn 3 tháng giam cầm, do địch không khai thác được gì, cô Huệ được thả ra. Sau đó, cô Huệ được đưa vô “cứ” đi học 6 tháng y tá và chính trị để lánh mặt giặc, rồi về hoạt động bình thường. 

Cắt tay bị thương để... tiếp tục chiến đấu

Trực tiếp tham gia và chỉ huy đơn vị chiến đấu trong đợt 2 năm Mậu Thân 1968, ký ức về những ngày tháng lịch sử đối với bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Lê Hồng Quân) dù đau xót nhưng vẫn rất tự hào.

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Chương trình giao lưu Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong Mậu Thân 1968. Ảnh: Tuổi Trẻ
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Chương trình giao lưu Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong Mậu Thân 1968. Ảnh: Tuổi Trẻ

“Yêu cầu lúc đó cần có một người lanh lẹ ở lại để chủ động lộ điểm đánh lạc hướng địch cho đồng đội chuyển ra ngoài. Khi đó, có ba người bị thương gồm chị Sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát), em Quang và tôi tình nguyện ở lại bởi ai cũng đã bị thương.

"Bản thân tôi tự nhủ tôi sẽ chiến đấu và hy sinh ở đây”, bà Huyền Nga nói. Nhớ về trận đánh trong đợt 2 Mậu Thân năm 1968, bà Huyền Nga không thể quên trận đánh của trong Hẻm 83 Đề Thám. Trong trận đánh này, bà đã để lại một phần thân thể của mình. Đối mặt với kẻ thù, đánh trả quyết liệt, song tình thế ngày càng khắc nghiệt, Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho đơn vị rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng.

Bà Huyền Nga cho biết thêm: “Ba người chúng tôi cùng chủ động lộ điểm hoàn toàn, như “bia thịt” để địch đổ vào. Súng bắn, lựu đạn ném vào ngày càng dày. Người tôi “nát” hết, toàn những vết thương mảnh đạn găm vào. Trong tích tắc, có viên đạn bắn xuyên qua tường trúng mặt tôi..."

Bị thương, bà Nga đã dũng cảm tự cắt lìa cánh tay bị thương của mình rồi tiếp tục chiến đấu. “Trong một thoáng suy nghĩ, tôi đã dùng dao xoay tròn mấy vòng và bàn tay rớt xuống. Trên bàn tay đó, ngón tay còn đeo chiếc nhẫn mà cách đây mấy ngày má tôi giao cho tôi và căn dặn nếu có gì cần thiết cho việc chung thì con cứ bán”, bà Huyền Nga xúc động hồi tưởng.

Sau đó, bà Nga cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng, do đuối sức vì mất máu, bà đã sa vào tay giặc. Bà bị địch bắt giam, tra tấn dã man nhưng bà cương quyết không khai bất cứ điều gì.

Nữ biệt động duy nhất tham gia đánh vào Dinh Độc lập

Bà Vũ Minh Nghĩa, nữ biệt động duy nhất tham gia tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu
Bà Vũ Minh Nghĩa, nữ biệt động duy nhất tham gia tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu

Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, một đội biệt động Sài Gòn gồm 15 người nhận nhiệm vụ tấn công Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay); trong đó, bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) là người phụ nữ duy nhất tham gia trận đánh lịch sử này.

Công tác chuẩn bị vũ khí của đơn vị chỉ có thời gian từ sáng tới chiều mùng 1 Tết. Lúc đó có hai hầm vũ khí, một ở Hòa Hưng, một ở nhà ông Năm Lai. Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, đội biệt động Sài Gòn gồm 15 người trên 3 xe tải nhỏ và hai chiếc xe máy xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc lập.

Được lệnh cố giữ trận địa từ 15-30 phút sẽ có quân chi viện, nhưng hơn 30 phút trôi qua, vẫn chưa có quân tiếp viện, tình hình rất “gay” khi lực lượng của ta quá mỏng so với địch. Trong trận đó, đơn vị của bà bị địch bao vây suốt đêm mùng 1 đến sáng mùng 3 Tết. Vì vậy, dù can trường đối mặt với kẻ thù, một nửa quân số của đơn vị đã hy sinh và số còn lại đều bị thương.

Bà Minh Nghĩa nhớ lại cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Năm đó, ở vùng giải phóng, các cơ quan, đơn vị chiến đấu tập trung lại đón Tết bên nhau. Sau khi liên hoan, họ ngồi quây quân bên nhau trong đêm Giao thừa và nghe lời chúc Tết của Bác Hồ.

Những nữ biệt động trong ngày hội ngộ giữa TP.HCM sau 50 năm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Kinhtedothi.vn
Những nữ biệt động trong ngày hội ngộ giữa TP.HCM sau 50 năm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Sau đó họ nhận được lệnh đêm mùng 1 Tết, đơn vị sẽ đánh vào Dinh Độc lập. “Tất cả chúng tôi đều đồng lòng nhận lệnh và xác định dù lực lượng địch có lớn hơn gấp trăm ngàn lần nhưng với lòng quyết tâm, nhất định chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi bắt tay nhau, thề với nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, bà Minh Nghĩa chia sẻ.

Sau trận đánh đó, bà Minh Nghĩa bị bắt. Sáu năm ở tù, chịu đủ đòn tra tấn của địch nhưng bà vẫn không khai bất cứ thông tin gì của tổ chức. Cuối cùng, bà bị đày ra nhà tù Côn Đảo, đến năm 1974, bà được trả tự do.

Chiến tranh qua đi để lại cho họ ký ức bi tráng trong tâm trí và những vết thương ghim sâu trong thịt da, liên tục đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Chính ý chí kiên cường và tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt đã giúp những nữ biệt động Sài Gòn vượt qua mọi gian nguy, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. 

AN LY (t/h)

Khúc tráng ca hào hùng: Những ký ức oanh liệt nơi chiến trường

Khúc tráng ca hào hùng: Những ký ức oanh liệt nơi chiến trường

Dù cuộc chiến đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng cách đây 45 năm vẫn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của những người lính.