Nữ trí thức và hội nhập thế giới

PNM xin đưa những góp ý của Đại sứ, TS Luận Thùy Dương-Hội Nữ trí thức Việt Nam về Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Trong thời kỳ đổi mới, nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách trong hệ thống chính trị, trong các Bộ ngành, trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục, trong các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương và trong các doanh nghiệp.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, lực lượng nữ trí thức không ngừng mở rộng và phát triển trên nhiều khía cạnh. Một là, lực lượng nữ có trình độ đại học trở lên ngày càng tăng. Hai là, sự phân bố nữ trí thức giữa các vùng miền và các ngành đã không còn sự mất cân đối. Ba là, số lượng các nữ trí thức có trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng hội nhập và năng lực lãnh đạo, quản lý đã được nâng cao rõ rệt.

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Nữ trí thức cũng ngày càng khẳng định vai trò của mình. Thứ nhất, là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối chính sách đó.

Thứ hai, là lực lượng đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới, vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ.

Thứ ba, là lực lượng xung kích trong việc hội nhập ra quốc tế, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là lực lượng lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới vào phát triển các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Thứ tư, là lực lượng phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kiến thức và công nghệ sản xuất tiên tiến, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học công nghệ (KHCN) và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.

Bước sang thế kỷ XXI, trong một hai thập kỷ tới, cùng với các xu thế phát triển khoa học công nghệ (KHCN) mới, sẽ có sự phân công lại lao động quốc tế trong các hoạt động KHCN, theo đó, các nước phát triển sẽ thu hút ngày càng nhiều nhân lực KHCN có trình độ cao, những nhân lực KHCN có trình độ thấp sẽ bị dồn về những nước đang phát triển. Trong bối cảnh như vậy, Đảng và Nhà nước ta, trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 phải chú trọng đầu tư mạnh hơn cho hoạt động và nghiên cứu KHCN. Sản phẩm KHCN của chúng ta phải có chất lượng cao, có tính cạnh tranh cao, thậm chí cạnh tranh vị trí hàng đầu, muốn thế, hoạt động KHCN phải được nâng chuẩn, đạt chuẩn quốc tế, từ đó tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng cọ xát quốc tế, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đáp ứng nhu cầu mới, thực tiễn mới, Đảng và Nhà nước ta phải chú trọng đến những nguồn nhân lực KHCN mới (không phải mới xuất hiện mà là chưa được chú trọng đúng mức, chưa được đề cao), đó là: phụ nữ trí thức, thanh niên trí thức và doanh nghiệp trí thức.

Nữ trí thức Việt Nam là những người được đào tạo nghiêm túc, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có trình độ, có vị trí khoa học và có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Độ tuổi của nữ trí thức Việt Nam ngày càng rộng (từ 20 tuổi đến 80 tuổi), số lượng nữ thạc sĩ, tiến sĩ, pháo giáo sư và giáo sư ngày càng nhiều, bao trùm trên nhiều ngành nghề (từ giáo dục-đào tạo đến công nghệ số, kỹ thuật quốc phòng, khoa học sự sống…). Trong lĩnh vực KHCN, số lượng phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 42%. Tuy nhiên, nữ trí thức Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức và khó khăn.

(i) Nữ trí thức Việt Nam gặp nhiều thách thức về bình đẳng giới. Trong khu vực ASEAN, đến nay mới chỉ có Việt Nam đã ban hành Luật về bình đẳng giới (2006), tuy nhiên, Việt Nam lại là nước duy nhất trong ASEAN có độ tuổi về hưu của nữ giới thấp hơn nam giới. Ngay cả ở Lào, Campuchia và Myanmar cũng đều không có sự khác biệt này. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều Bộ ngành, việc quy định tuổi được quy hoạch ở nữ giống hệt nam, thậm chí số năm yêu cầu cống hiến sau khi được bổ nhiệm bằng nam, trong khi đó tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam, đó là một bất cập chỉ thấy ở Việt Nam.

(ii) Nữ trí thức Việt Nam gặp thách thức lớn về định kiến giới. Quan niệm và phân biệt giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội, việc “trọng nam, khinh nữ” không chỉ có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, không chỉ trong dân thường mà cả trong cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao. Chính tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều người coi thường năng lực của người phụ nữ, đặc biệt trong nghiên cứu KHCN. Điều này không chỉ hạn chế các em gái tiếp cận giáo dục bậc cao, mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nữ trí thức, kìm hãm sự thăng tiến, phát triển của không ít nữ trí thức.

(iii) Nữ trí thức gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tìm việc làm. Dù có học vấn cao, được đào tạo bài bản nhưng nữ trí thức thất nghiệp nhiều hơn nam giới, nữ trí thức ở nông thôn thất nghiệp nhiều hơn nữ trí thức ở thành thị. Việt Nam vẫn là một trong số ít nước có tình trạng nữ sinh học giỏi hơn nam, thi tuyển dụng điểm cao hơn nam nhưng vẫn không được tuyển dụng vào một số ngành KHCN.

(iv) Nữ trí thức ít được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật; có sự “phân biệt ngành nghề trong tiềm thức” đối với phụ nữ.

Đại sứ, TS Luận Thùy Dương-Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam
Đại sứ, TS Luận Thùy Dương-Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hội Nữ trí thức Việt Nam ra đời ngày 8/3/2011, là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam, là mái nhà chung của nữ trí thức Việt Nam, thấu hiểu và chia sẻ những thách thức và khó khăn của nữ trí thức, tạo môi trường cho nữ trí thức phát huy sức sáng tạo và trí tuệ của mình, nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của xã hội. Với tôn chỉ, mục đích và phương hướng hoạt động đã được xác định, Hội đang góp phần nâng cao vị thế của nữ trí thức Việt Nam lên tầm cao mới, trong xu thế đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Để tận dụng tốt nguồn nhân lực nữ trí thức cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và sự thịnh vượng của đất nước, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn đến Hội nữ trí thức.

Đảng và Nhà nước cần coi trọng vai trò của Hội Nữ trí thức Việt Nam, như một tổ chức xã hội tập hợp lực lượng nữ trí thức, kể cả đội ngũ nữ trí thức sinh sống và làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện cho nữ trí thức không chỉ chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc, hoạt động xã hội mà còn là tổ chức bảo vệ quyền lợi và phát triển cho nữ trí thức. Hỗ trợ Hội Nữ trí thức về cơ chế và về tài chính để Hội có thể tăng cường kết nối với các nữ trí thức người Việt trên thế giới và nữ trí thức các nước.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, các văn bản luật pháp, đối với nữ trí thức. Thứ nhất, trong kế hoạch đào tạo đội ngũ nữ trí thức nói chung, đặc biệt nữ trí thức trẻ, cần tạo điều kiện cho những chị em có năng lực chuyên môn giỏi đạt được học vị sau đại học trước khi họ có gia đình hoặc chưa có con nhỏ. Thứ hai, cần quan niệm việc thực hiện chức năng sinh con và nuôi dạy con không phải là việc riêng của gia đình, mà đó phải là một công việc xã hội. Thứ ba, có các chế độ, chính sách quy hoạch, nâng lương, nâng bậc, bổ nhiệm hợp lý đối với nữ trí thức để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo của đông đảo nữ trí thức trên toàn quốc. Thứ tư, quan tâm và ưu đãi nữ trí thức thuộc dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu vùng xa. Thứ năm, cần có Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Thứ sáu, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để nam giới và xã hội nhận thức được phụ nữ có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển quốc gia.

Sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng nữ trí thức không chỉ tận dụng được nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà, đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, mà còn giúp nước ta có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.

Đại sứ, TS Luận Thùy Dương-Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hoạt động tiêu biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam tháng 11/2020

Hoạt động tiêu biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam tháng 11/2020

Trong tháng 11/2020, Hội Nữ trí thức Việt Nam tập trung triển khai, thực hiện một số hoạt động trọng tâm như: