Ô nhiễm nhựa đã và đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái
Với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về nguồn phát sinh, đường di chuyển, nơi tích tụ của rác thải nhựa và vi nhựa, sự kiện nhằm tổng kết Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam”. Đây là dự án được hợp tác bởi trường Đại học Phenikaa với Đại học Heriot-Watt (Vương Quốc Anh) và Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản.
![]() |
GS. TS. Lưu Ngọc Hoạt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu khai mạc sự kiện tổng kết dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam”. |
Theo Ban tổ chức, Dự án 3SIP2C được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF), thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo của Vương quốc Anh (UKRI) với mục tiêu đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng môi trường và sức khoẻ con người; từ đó đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng và ngành kinh tế ven biển tại Việt Nam.
![]() |
GS. Thomas Wagner, Đại học Heriot-Watt phát biểu |
Trong giai đoạn 01/2021 - 3/2025, Dự án 3SIP2C đã hợp tác với các bên liên quan để triển khai các hoạt động chính với 5 hợp phần:
Thu và phân tích mẫu môi trường tại các loại hình thủy vực khác nhau để đánh giá nồng độ, hàm lượng và chủng loại rác thải nhựa.
Phát triển các công cụ mô hình hóa về sự vận chuyển và tích tụ của rác thải nhựa.
Tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa.
Đánh giá tác động của rác thải nhựa về mặt kinh tế - xã hội đối với nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch tại một số địa phương và tổ chức tham vấn các bên liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để thu thập thông tin, trao đổi và chia sẻ về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.
![]() |
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế. |
Phát biểu khai sự kiện tổng kết dự án, GS. TS. Lưu Ngọc Hoạt, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh vai trò của kinh tế biển và thực trạng ô nhiễm môi trường biển và những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa. Theo ông, với đường bờ biển dài 3.260 km trải qua 28 tỉnh thành, vùng ven biển Việt Nam đóng vai trò sống còn trong phát triển kinh tế và sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa đã và đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững kinh tế quốc gia.
![]() |
Đại diện Đại sứ quán Vương Quốc Anh tham dự sự kiện |
“Hàng năm, khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển, đặt ra nhu cầu cấp thiết về hành động phối hợp giữa các bên liên quan. Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) thông qua Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo Anh Quốc (UKRI), đã được triển khai từ năm 2021 đến nay và đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong việc xác định nguồn phát thải, nơi tích tụ, tác động và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Trường Đại học Phenikaa, với định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, tự hào được điều phối và đồng hành cùng dự án. Nhà trường hiện nằm trong nhóm các cơ sở giáo dục có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững theo bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2023, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa thông tin.
![]() |
TS. Ngô Thị Thuý Hường, Trưởng nhóm Nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Khoa Công nghệ sinh học, Hoá học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa trình bày tại sự kiện. |
Chia sẻ về những kết quả nhóm nghiên cứu đã đạt được trong quá trình triển khai dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam”, TS. Ngô Thị Thuý Hường, Trưởng nhóm Nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Khoa Công nghệ sinh học, Hoá học và Kỹ thuật môi trường; Trường Đại học Phenikaa cho biết, trong khuôn khổ của dự án, nhóm tiến hành nghiên cứu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực ven biển, đảo Cát Bà. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng, hiện tại, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản. Ngoài ra, một vấn đề nữa là ô nhiễm vi nhựa, đây là điểm nóng mà các nước và các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu.
![]() |
TS. Ngô Thị Thuý Hường và GS. Thomas Wagner, đại diện cho 2 trường Đại học tham gia dự án. |
TS. Ngô Thị Thúy Hường cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Phenikaa và Đại học Heriot-Watt đã phát triển một công nghệ để thu mẫu, để có được số liệu chính xác nhất, phản ánh đúng hàm lượng vi nhựa trong môi trường. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hàm lượng vi nhựa ở trong môi trường nước cũng như đất ở vùng ven biển sông Hồng tương đối cao. Tuy nhiên, so với thế giới thì cũng không phải là cao nhất.
“Rác thải nhựa đang là vấn đề rất lớn vì chúng ta có đường bờ biển rất dài. Và rác thải nhựa lớn theo như thống kê của chúng tôi thì nó không phải chỉ ở mỗi vùng địa phương ấy sản sinh ra mà nó từ ở các vùng biển đưa vào. Chúng tôi dọn biển vào tháng 3/2023 và đến tháng 8/2023 chúng tôi quay lại biển Giao Hải, Nam Định thì rác thải nhựa tấp vào vẫn nguyên như cũ. Do vậy, vấn đề rác thải nhựa ở đây không phải là của vùng mà là vấn đề toàn cầu, và phải nhiều nước phối hợp với nhau mới giải quyết được”, TS. Ngô Thị Thúy Hường phân tích.
Rác thải nhựa lớn tác động trực tiếp đến việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản vì làm giảm hiệu suất đánh bắt và giảm hiệu quả kinh tế của ngư dân. Do chân vịt của các tàu bè mắc vào rác thải nhựa lớn cũng như những ngư cụ bỏ rơi tại ngư trường, gây nguy hiểm đến an toàn của người lao động.
Vi nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Phân tích thêm về tác hại và ảnh hưởng của vi nhựa,TS. Ngô Thị Thúy Hường cho rằng: rác thải nhựa nhỏ có tác động rất lớn đến sức khỏe bởi chúng mang theo rất nhiều chất độc, trong đó có kim loại nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hệ thần kinh và các chất hữu cơ khó phân hủy như thuốc trừ sâu và dư lượng kháng sinh. Đặc biệt các nhà khoa học còn tìm thấy các vi khuẩn kháng kháng sinh và gen kháng kháng sinh trên bề mặt vi nhựa. Những vi khuẩn này không chỉ kháng một loại kháng sinh mà là đa kháng, kháng đến tám loại thuốc kháng sinh khác nhau. “Trong bối cảnh mà WHO chú trọng về vấn đề kháng sinh thì không phải đến năm 2030 thì mối nguy của kháng sinh mới tương đương vấn đề ung thư. Nếu hình dung chúng ta bị bệnh mà không có thuốc kháng sinh nào chữa được thì mối nguy đấy cũng tương đương với ung thư”, TS Ngô Thị Thúy Hường nhấn mạnh ảnh hưởng của vi nhựa tới sức khỏe con người.
![]() |
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu và các tỉnh, thành. |
Đồng hành cùng các nhà khoa học trường Đại học Phenikaa và Đại học Heriot-Watt từ những ngày đầu triển khai dự án, Ths. Tô Thị Lan Phương, Phó trưởng phòng quản lý tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa ven biển và hải đảo đang là vấn đề toàn cầu cần chung tay xử lý. Trong đó, công tác tuyên truyền về những mối nguy hại của rác thải nhựa với hoạt động sản xuất của ngư dân và sức khỏe cần đặc biệt chú trọng.
![]() |
Ths. Tô Thị Lan Phương, Phó trưởng phòng quản lý tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Phòng. |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Các khách mời, chuyên gia thảo luận, trao đổi về chủ đề rác thải nhựa ven biển tại sự kiện. |
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Đồng quan điểm, TS. Ngô Thị Thúy Hường cũng cho rằng để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa trên biển cần nâng cao công tác tuyên truyền, phân tích những tác động của rác thải nhựa lớn cũng như vi nhựa đến hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và sức khỏe con người. Đồng thời có cơ chế khuyến khích ngư dân mang rác về bờ và có quy trình, công nghệ xử lý hiệu quả, thay vì các biện pháp chôn lấp.
“Nghị quyết 57 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được hưởng ứng và triển khai sâu rộng. Tôi tin rằng sẽ có nhiều sáng kiến, biện pháp để giải quyết những vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường biển và rác thải nhựa, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe con người”, TS. Ngô Thị Thúy Hường bày tỏ.
Giải pháp góp phần bảo vệ môi trường - Nâng cao vai trò của trí thức trong thúc đẩy tiêu dùng xanh bền vững
Để thúc đẩy tiêu dùng xanh có nhiều thành phần tham gia và có những vai trò chung, riêng.Trí thức là thành phần không thể thiếu khi nói tới tiêu dùng xanh.