Không còn bó hẹp trong khuôn khổ nghiên cứu hàn lâm, ngày càng nhiều nữ trí thức mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo thành các dự án khởi nghiệp tiềm năng, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Sức bật mới của nữ trí thức trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều dự án khởi nghiệp do nữ trí thức sáng lập và điều hành đã đạt được những thành công nhất định, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và các nhà đầu tư. Dự án của ThS Trần Thị Hương Giang với sản phẩm men vi sinh GenaCillus đã gây tiếng vang khi giành giải Ba chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” và lọt vào top 60 của cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2024.
ThS Trần Thị Hương Giang |
Các lĩnh vực khởi nghiệp mà nữ trí thức đang quan tâm thường tập trung vào các vấn đề xã hội, giáo dục, y tế, môi trường và công nghệ. Nhiều dự án mang tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Có thể kể đến một số dự án như: Dự án của TS Bá Thị Châm với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu Việt Nam, TS Nguyễn Thị Ngoan với các sản phẩm làm sạch từ thiên nhiên, Công ty TNHH Thịnh Yến Nha Trang với các sản phẩm từ thiên nhiên...
Những yếu tố thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp của nữ trí thức
Theo ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS), thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam: “Có thể thấy, sự khởi sắc của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nữ trí thức Việt Nam không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của sự giao thoa giữa những nỗ lực cá nhân và những thay đổi tích cực từ môi trường xung quanh.
Trước hết, phải kể đến vai trò tiên phong của Chính phủ trong việc kiến tạo một “hệ sinh thái” thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp. Sự hình thành và phát triển của các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp cũng góp phần tạo nên “cú hích” mạnh mẽ. Các chính sách, hoạt động hỗ trợ thiết thực đã góp phần “gỡ rối” cho những bước đi chập chững đầu tiên của các doanh nghiệp non trẻ, giúp họ tiếp cận nguồn lực tài chính, kỹ thuật và thị trường một cách hiệu quả.
Song song với đó, nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. “Hình ảnh” người phụ nữ không chỉ gắn liền với gia đình, mà còn được nhìn nhận như một lực lượng năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trên thương trường. Sự thay đổi này đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê khởi nghiệp trong mỗi nữ trí thức.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến bản lĩnh và năng lực của chính những nữ trí thức trên mặt trận kinh tế. Với nền tảng kiến thức vững vàng, tư duy nhạy bén họ đang dần khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực khởi nghiệp đầy sôi động”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hường (ngoài cùng bên trái) tại triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị APNN 2024. |
Chia sẻ về sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong hành trình đưa sản phẩm men vi sinh GenaCillus từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ThS Trần Thị Hương Giang, nhà sáng lập Genatech cho biết: “Năm 2019, tôi là một nhà khoa học trẻ với nhiều hoài bão nhưng thiếu kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức như WIPO, COSTAS và VAFIW, tôi đã được tiếp cận với các chuyên gia, được hỗ trợ và trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo hộ thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm.
Các khóa tập huấn của WIPO đã giúp tôi hiểu rõ cách xác định, khai thác và tận dụng IP để bảo vệ và thúc đẩy các nỗ lực đổi mới. Đặc biệt, sự kiện Festival Đổi mới sáng tạo (SheTrades) tại Abu Dhabi đã mở ra cơ hội kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế, giúp tôi củng cố niềm tin vào tầm quan trọng của IP trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh doanh.
Nhờ sự hỗ trợ quý báu này, Genatech đã đạt được những thành công bước đầu với việc bảo hộ nhãn hiệu, nộp đơn đăng ký sáng chế và giới thiệu sản phẩm ra thị trường”.
Thách thức trên con đường khởi nghiệp
Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nữ trí thức vẫn còn gặp một số thách thức như: khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, cân bằng giữa công việc và gia đình, thiếu kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp...
“Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi các bạn trẻ phải có ý tưởng sáng tạo, sản phẩm độc đáo và chiến lược kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cân bằng giữa công việc và gia đình cũng là một thách thức lớn đối với nữ trí thức khi khởi nghiệp” - ThS Lê Thị Khánh Vân chia sẻ.
Chia sẻ về những thách thức trong hành trình khởi nghiệp của mình, TS Nguyễn Thị Hải Yến, Founder Công ty TNHH Thịnh Yến Nha Trang cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với tôi là vấn đề nhân sự, tìm kiếm những người có cùng tâm huyết, am hiểu, yêu mến sản phẩm tự nhiên và có thể gắn bó lâu dài không phải là vấn đề dễ dàng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường và nguồn vốn cũng là những khó khăn mà tôi đã gặp phải”.
Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự kiên trì, chị Yến đã biến những thách thức thành cơ hội: “Tôi nhận thấy sản phẩm thuần tự nhiên hiện trên thị trường còn rất ít. Nếu thị trường được “education” tốt, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về lợi ích của sản phẩm tự nhiên, thì đây sẽ là cơ hội phát triển rất lớn. Hơn nữa, tôi luôn tâm niệm vì tình yêu khách hàng, mong muốn mang đến cho họ những sản phẩm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Điều này đã giúp tôi vượt qua khó khăn và có thêm động lực để tiếp tục phát triển”.
Chị Yến cũng chia sẻ về mục tiêu và tầm nhìn của mình: “Mục đích cuối cùng của tôi không phải là kinh doanh, mà là giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe và bảo vệ môi trường”. Đặc biệt, chị Yến ấp ủ dự định xây dựng một ngân hàng dữ liệu về thực vật, những cây dược liệu bản địa, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này.
“Tôi thường xuyên tổ chức những workshop thực tế để chia sẻ kiến thức về thực vật, cây dược liệu bản địa, giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị của thiên nhiên” - TS Hải Yến cho biết thêm.
Xu hướng khởi nghiệp phát triển mạnh trong tương lai
Nhận định về xu hướng khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, ThS Lê Thị Khánh Vân cho biết: “Các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn... sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà khởi nghiệp trẻ. Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, kết nối cộng đồng và tạo tác động xã hội tích cực cũng sẽ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới”.
Đồng quan điểm với ThS Khánh Vân, TS Hải Yến cũng nhận định: “Khởi nghiệp xanh và bền vững là xu hướng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bên cạnh đó, xu hướng về công nghệ và số hóa cũng sẽ tác động lớn đến hoạt động khởi nghiệp trên toàn cầu”.
Với những nữ trí thức trẻ đang ấp ủ các dự án khởi nghiệp, TS Hải Yến chia sẻ: “Hãy đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và vốn sống. Tìm hiểu kỹ về xu hướng khởi nghiệp hiện nay, xây dựng được đội nhóm vững mạnh và luôn giữ vững tinh thần làm điều tử tế, làm điều tốt cho mọi người. Hãy tin rằng khi mình có ý chí và làm việc bằng cả trái tim, sẽ luôn có người giúp đỡ mình”.
ThS. Trần Thị Hương Giang với sáng chế tạo bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư
Chia sẻ với tạp chí Phụ nữ Mới, ThS. Trần Thị Hương Giang đã hé lộ những nỗ lực không ngừng nghỉ phía sau thành công này.