Tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ lần thứ 17 (KIWIE 2024), ThS. Trần Thị Hương Giang, một nhà nghiên cứu trẻ đầy nhiệt huyết từ Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu đã ghi đậm dấu ấn với các nhà khoa học trong nước và quốc tế với sáng chế: “Chủng nấm Talaromyces sp.DC1 thuần khiết về mặt sinh học”. Sáng chế này không chỉ giành Huy chương Vàng tại KIWIE 2024 mà còn được vinh danh với giải đặc biệt của Hội sáng chế Ba Lan, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Chia sẻ với tạp chí Phụ nữ Mới, ThS. Giang đã hé lộ những nỗ lực không ngừng nghỉ phía sau thành công này.
Khuẩn lạc của chủng nấm nội sinh DC1 (1A, 1B), chủng nấm DC1 khi quan sát dưới kính hiển vi ở độ khuếch đại 40X (1C) |
Cây dừa cạn từ lâu đã được biết đến trong y học cổ truyền Việt Nam với khả năng hỗ trợ điều trị ung thư nhờ chứa các hoạt chất quý. Tuy nhiên, việc chiết xuất các hoạt chất này từ cây dừa cạn gặp nhiều khó khăn do hàm lượng thấp và lẫn nhiều tạp chất. Lượng hoạt chất thu được rất hạn chế, khiến cho chi phí sản xuất các loại thuốc điều trị từ dừa cạn trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận đối với nhiều bệnh nhân ung thư. Nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hệ gen đã thành công trong việc áp dụng công nghệ sinh học để làm giàu hoạt chất chống ung thư - Alkaloid giúp hạ giá thành đối với loại hoạt chất này.
Thấu hiểu tiềm năng to lớn của loài thảo dược này, ThS. Trần Thị Hương Giang và nhóm nghiên cứu đã chọn một hướng đi táo bạo: sử dụng vi nấm nội sinh - những vi sinh vật sống cộng sinh trong cây dừa cạn - để sản xuất hoạt chất chống ung thư. Đây là một hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ, ít người khai phá, nhưng cũng chính vì thế mà tiềm năng là vô hạn.
Bắt đầu từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhóm nghiên cứu đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Từ việc thu thập mẫu cây dừa cạn tại nhiều địa điểm khác nhau gặp khó khăn do giãn cách xã hội, đến quá trình phân lập và sàng lọc hàng trăm chủng nấm cũng không phải việc dễ dàng.
ThS. Trần Thị Hương Giang chia sẻ: “Chúng tôi đã thu thập mẫu cây dừa cạn từ nhiều nơi khác nhau, từ Hà Nội đến Nha Trang, sau đó phân lập và sàng lọc hơn 100 chủng nấm khác nhau. Việc tìm ra chủng nấm có khả năng sinh tổng hợp hoạt chất chống ung thư là một thách thức lớn, đòi hỏi chúng tôi phải làm việc tỉ mỉ, kiên nhẫn, đồng thời không ngừng học hỏi từ các công trình nghiên cứu trên thế giới, nhưng nguồn dữ liệu vô cùng ít ỏi”.
ThS. Trần Thị Hương Giang chụp ảnh lưu niệm tại Văn phòng đại diện KH&CN, Seoul, Hàn Quốc. |
Sau 4 năm kiên trì, miệt mài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tìm ra 3 chủng nấm có khả năng sinh hoạt chất chống ung thư. Trong đó, chủng nấm Talaromyces sp.DC1 là một phát hiện mang tính đột phá, có khả năng sinh tổng hợp cả Vinblastine và Vincristine, hai hoạt chất quan trọng trong điều trị ung thư. Điều đáng kinh ngạc là hiệu suất sản xuất của chủng nấm này cao gấp 5,8 lần so với chiết xuất trực tiếp từ cây dừa cạn.
“Đây là một phát hiện có ý nghĩa rất lớn, tạo ra chất có hoạt tính chống ung thư bằng công nghệ lên men ở quy mô PILOT giúp tạo ra được lượng lớn Alkaloid không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thực vật (lá dừa cạn)” - chị Giang không giấu được niềm vui. “Nó mở ra cơ hội sản xuất thuốc ung thư với chi phí thấp hơn, giúp nhiều bệnh nhân có thể tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại”.
Chủng nấm Talaromyces sp.DC1 không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo nguồn cung ổn định các hoạt chất Vinblastine và Vincristine, từ đó giúp nhiều bệnh nhân ung thư có cơ hội tiếp cận với phương pháp điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khẳng định tiềm năng to lớn của nấm nội sinh trong việc sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học quý hiếm. Đây là một hướng đi đầy triển vọng cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Giải thưởng đặc biệt của Hội sáng chế Ba Lan và Huy chương Vàng tại KIWIE 2024 là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của ThS Hương Giang và nhóm nghiên cứu. Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân chị và nhóm nghiên cứu mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng khoa học Việt Nam, chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
ThS Trần Thị Hương Giang - Đại diện nhóm nghiên cứu lên nhận giải thưởng đặc biệt của Hội các nhà sáng chế và hợp lý hóa của Ba Lan và Huy chương Vàng KIWIE 2024 |
Chia sẻ về thành công của mình, ThS. Hương Giang nhắn nhủ tới các bạn trẻ đam mê khoa học: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Hãy luôn kiên trì, sáng tạo và không ngừng học hỏi. Khoa học là một hành trình dài đầy thử thách nhưng cũng tràn đầy niềm vui khám phá. Hãy tin vào bản thân và theo đuổi đam mê đến cùng, bạn sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng”.
Với những thành tựu đã đạt được, ThS. Trần Thị Hương Giang và nhóm nghiên cứu không dừng lại mà tiếp tục hành trình khám phá khoa học. Họ đang ấp ủ những dự định mới, những nghiên cứu sâu hơn về vi nấm nội sinh và các hoạt chất sinh học khác, với hy vọng mang lại nhiều hơn nữa những giá trị cho cộng đồng và xã hội.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà - nhà khoa học, nhà quản lý tài ba
PGS.TS Trần Thị Thu Hà là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp, cây dược liệu.