PGS.TS Lê Thị Mai Hương: “Để các kết quả nghiên cứu ứng dụng được tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải đơn giản”

Trong cuộc đời khoa học, PGS.TS Lê Thị Mai Hương chưa bao giờ ngừng lăn xả và dấn thân với những cống hiến lớn cho cộng đồng.

Xuất thân là dân chuyên Toán, được đào tạo về Công nghệ Hóa học ở Nga, PGS.TS Lê Thị Mai Hương (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ hiếm, hiện công tác tại Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) không chỉ là một nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, mà ở chị còn toát lên sự bản lĩnh, kiên cường, dám nghĩ dám làm.

Ngay từ những ngày đầu sau khi học tập lại Liên bang Nga trở về, với sự đơn thuần nhưng quyết liệt của một nhà khoa học có tư duy thực tế, chị lăn xả vào thị trường với những đồng vốn đầu tiên từ gia đình và bạn bè hỗ trợ. Ngay lập tức, những sản phẩm khoa học ứng dụng của chị như nước rửa trang sức Fizzing được khách hàng tin yêu và lựa chọn. Hay những nghiên cứu để tái chế chất thải mang tính ứng dụng cao giúp chị nhận giải thưởng 10.000 đô la từ World Bank trong Innovation Days - 2005, giúp chị có thêm kinh phí cứu vãn xưởng thực nghiệm của mình vượt qua thời điểm khó khăn.

PGS.TS Lê Thị Mai Hương nhận giải thưởng tại KIWIE 2024.
PGS.TS Lê Thị Mai Hương nhận giải thưởng tại KIWIE 2024.

Trong cuộc đời khoa học, Tiến sĩ Mai Hương chưa bao giờ ngừng lăn xả và dấn thân với những cống hiến lớn cho cộng đồng. Năm 2006, sau đợt lũ lớn, một mình chị cùng tài xế thuê xe tải chở hóa chất vào Hương Khê, Hà Tĩnh, hỗ trợ bà con xử lý nguồn nước, giúp 15.000 hộ dân có nước sạch để sử dụng. Hay những phát kiến sáng suốt, thông minh của chị giúp làm rõ nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam trong vụ Formosa năm 2016.

Năm 2024 này, Tiến sĩ Mai Hương và các cộng sự, các học trò của mình tiếp tục trở thành một trong những nhóm nghiên cứu đại diện của Việt Nam nhận Huy chương Vàng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE) của Hàn Quốc với nghiên cứu về “Quy trình xử lý nước thải chứa 2, 4, 6 Trinitrolulagen (TNT) bằng vật liệu nội điện phân lưỡng kim chứa Fe và Cu kích thước nano”.

Sau tất cả những sáng chế thành công, những nhiệm vụ khoa học quan trọng cùng những đóng góp ý nghĩa cho xã hội, Tiến sĩ Mai Hương vẫn tự nhận mình chỉ “bình thường thôi”, chị vẫn đi chiếc xe máy cũ từ vài chục năm, sống bình dị với mọi người và vẫn không ngừng làm việc, nghiên cứu, với tất cả nhiệt huyết và tình yêu với khoa học một cách trong sáng.

Điều quan trọng nhất là phải đơn giản

Xin chào Tiến sĩ Mai Hương, trước hết xin chúc mừng chị và nhóm nghiên cứu đã có thêm một thành tựu mới tại KIWIE Hàn Quốc năm nay. Chị có thể chia sẻ thêm một chút về công trình nghiên cứu này?

Từ năm 2016 đến 2021, tôi tập trung vào công tác quản lý và hỗ trợ các bạn trẻ trong lĩnh vực đào tạo, đồng thời phát triển mảng hợp tác với Nga cho Viện Năng lượng nguyên tử. Tôi cũng đã có một vài hoạt động nghiên cứu và hợp tác phát triển cho Viện Công nghệ Xạ hiếm, nơi tôi đang làm việc, bằng cách tận dụng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực hóa học cũng như mối quan hệ với Nga.

Trong thời gian này, tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một trong những công trình nghiên cứu mà tôi đánh giá rất hiệu quả là giải pháp “Quy trình xử lý nước thải chứa 2, 4, 6 Trinitrolulagen (TNT) bằng vật liệu nội điện phân lưỡng kim chứa Fe và Cu kích thước nano”. Đây là một giải pháp xử lý môi trường rất hữu hiệu và đơn giản, sử dụng vật liệu dễ chế tạo nhưng có khả năng oxy hóa mạnh để khử các chất độc hại trong nước. Tôi đã bắt đầu tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh Vũ Duy Nhàn (Viện Kỹ thuật quân sự) khi còn ở Viện Hợp chất thiên nhiên và rất vui mừng khi thấy nó được các bạn trong nhóm nghiên cứu sinh hoàn thiện và đạt giải thưởng lần này.

Từ một người gần như là “hạt giống tài năng” được Nhà nước “bao cấp” về ăn học, nghiên cứu, từ lúc nào mà chị lại dấn thân vào kinh doanh đầy khó khăn vất vả?

Hồi nhỏ, tôi học chuyên Toán cấp 2 Trưng Vương, học trò thầy Tôn Thân, sau đó đỗ vào cấp 3 chuyên Toán của Trường Đại học Tổng hợp, tức là khối A0 ngày xưa. Lớp tôi có những bạn rất giỏi, đạt nhiều giải quốc tế. Chúng tôi được đào tạo bài bản, tập trung vào khoa học kỹ thuật, và luôn có niềm đam mê với khoa học một cách rất đơn thuần. Sau đó, tôi đi du học Nga vào năm 1983 và được Nhà nước phân công học về Công nghệ Hóa học. Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm 3 đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 26 tuổi.

PGS.TS Lê Thị Mai Hương: “Để các kết quả nghiên cứu ứng dụng được tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải đơn giản”

Tuy nhiên, năm 1995, khi Liên Xô tan rã, tôi quyết định về nước. Lúc đó, xin việc rất khó khăn, kể cả với bằng tiến sĩ. Một thời gian dài các cơ quan Nhà nước đóng băng giảm biên chế và không tuyển dụng, khiến tôi rất khó khăn để xin được một công việc trong Nhà nước. Tôi còn nhớ đã từng đến xin việc ở Trường Xây dựng nhưng không được nhận. Cuối cùng, tôi quyết định tự mình kinh doanh. Tuy nhiên, sau này, do được học hành bài bản và được tin tưởng, tôi vẫn đảm nhiệm nhiều vị trí giảng dạy hoặc quản lý tại nhiều đơn vị khác nhau.

Từ nước rửa trang sức Fizzing đến các sáng chế từ chất thải giành 10.000 USD của World Bank năm 2005, rồi nhiều những sáng chế khác đều được ứng dụng rộng rãi sau này, ngoài kiến thức, trí tuệ, chị có bí quyết gì khác không?

Tôi là người thực tế lắm. Tôi làm khoa học nhưng đầu óc tôi rất thực tế, làm gì cũng nghĩ xem tính khả thi nó thế nào, có dễ không, cảm thấy dễ hoặc khả thi mới làm, còn khó quá thì thôi, bỏ qua hoặc chỉ dừng lại ở lý thuyết để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức khoa học để không tụt hậu so với thế giới và để làm tư vấn cho các nhà quản lý thôi.

Ví dụ như cái nước rửa trang sức Fizzing, cũng bắt đầu từ thời tôi còn là sinh viên, quan sát thấy các bạn mình thường dùng một loại dung dịch để rửa sạch các đồ trang sức bằng vàng, bạc. Tôi khá tò mò về cơ chế hoạt động của dung dịch này. Tôi mới tìm hiểu và nảy ra ý tưởng phát triển một sản phẩm nước rửa trang sức dựa trên nguyên lý tương tự, nhưng với công thức đơn giản và dễ sử dụng hơn. Nên khi vừa trở về Việt Nam sau khi học tại Nga, vì không xin được việc nên tôi quay ra “start up” sản phẩm này và được ưa chuộng đến giờ.

Về cái giải thưởng của World Bank thì cũng đơn giản như vậy. Là thời điểm đó, tôi hay đi khắp nơi, tìm tòi những nguồn thải, phế liệu để có thể tái chế làm nguyên liệu sản xuất rẻ tiền, mục tiêu của tôi cũng đơn giản là tìm nguồn nguyên liệu rẻ để cạnh tranh với sản phẩm có giá thành rất rẻ Trung Quốc. Và đúng năm đó thì có Innovation Days, và ý tưởng về việc tái chế chất thải của tôi giành giải “Sáng kiến hành động vì môi trường”. Số tiền thưởng 10.000 USD khi đó của Ngân hàng Thế giới đã giúp tôi cứu vãn xưởng sản xuất khỏi nguy cơ phá sản.

Cho nên để ứng dụng tại Việt Nam, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là nó phải đơn giản. Đơn giản trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đơn giản trong quy trình sản xuất, và đơn giản để người sử dụng có thể làm chủ được công nghệ đó. Không phải cứ công nghệ cao siêu mới là tốt. Đôi khi, những giải pháp đơn giản lại có tính ứng dụng cao hơn và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Mọi công trình nghiên cứu của tôi luôn hướng đến sự đơn giản và thiết thực, vốn ban đầu rất ít. Ví dụ như sản phẩm nước rửa trang sức, đến bây giờ nó vẫn có doanh thu tốt.

Tấm lòng với khoa học

Nhắc đến chị, người ta thường nhắc tới những phát hiện quan trọng trong vụ Formosa, chị có thể kể lại một chút về những phát hiện của chị khi đó?

Đó là vào năm 2017, khi đó tôi đang là Phó Viện trưởng của Viện Công nghệ Xạ hiếm, tôi đã tham gia đoàn thanh tra vụ Formosa với tư cách là chuyên gia công nghệ để phân tích tình hình tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Khi đó thì mọi người chỉ tập trung vào kiểm toán hóa chất. Nhưng tôi thì khác, tôi là một người học Hóa nhưng lại rất yêu thích kỹ thuật và hồi nhỏ thì học giỏi về Vật lý, trong đầu tôi có nhiều tư duy vật lý, nên tôi đề xuất một phương án khác: Kiểm toán năng lượng. Tôi nhận ra rằng nếu có sự cố về điện thì khu xử lý nước không hoạt động được hoặc nếu gặp sự cố kỹ thuật khi vận hành hệ thống xử lý nước thải thì việc đầu tiên cũng phải cắt điện, ngay lập tức máy móc cũng sẽ ngừng hoạt động và không tiêu thụ điện năng.

Quả nhiên, khi kiểm tra nhật ký tiêu thụ điện của Formosa, chúng tôi phát hiện ra rằng trong 4 ngày trước khi cá chết, mức tiêu thụ điện của hệ thống xử lý nước thải chỉ bằng 15-20% so với bình thường. Họ hoàn toàn không tiêu thụ điện, vậy thì máy móc của họ chạy bằng gì mà xử lý nước thải được? Đây chính là một trong bốn nguyên nhân khiến phía Đài Loan không thể chối cãi trong vụ Formosa và phải bồi thường 500 triệu USD cho Việt Nam.

PGS.TS Lê Thị Mai Hương: “Để các kết quả nghiên cứu ứng dụng được tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải đơn giản”

Trong sự nghiệp khoa học của chị, có câu chuyện hay thành tựu nào mà chị nhớ nhất không?

Nếu nói đáng nhớ nhất, thì tôi phải kể đến câu chuyện ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi đó, tôi đang làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội và điều hành một xưởng sản xuất chất keo tụ xử lý nước. Năm 2007 thì có một trận lũ lớn ở Hương Khê, miền núi Hà Tĩnh, trận lũ đầu tiên sau đợt làm đường Trường Sơn. Khi đó bà con ở đây chưa có kinh nghiệm xử lý, nên sau khi lũ rút, cả huyện mất nguồn nước sạch vì không biết cách bảo vệ giếng, cả vùng không có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt. Tôi đọc tin tức mà xót xa vô cùng.

Nhận thấy tình hình khẩn cấp, tôi mới có quyết định là tự thuê xe tải chở hóa chất đến Hương Khê. Đường đi gian nan, đến đêm khuya mới vào được đến Hà Tĩnh, và ngay sáng hôm sau, tôi bắt tay vào phân phát và hướng dẫn bà con xử lý nước bằng hóa chất mà tôi sáng chế. Công việc được hoàn thành rất nhanh trong một buổi chiều, khi đó cũng xúc động vô cùng, vì đã giúp được 15.000 hộ dân có nước sạch để sử dụng. Đó là một trong những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

Cảm thấy hình như chưa bao giờ chị nguôi năng lượng và nhiệt huyết với nghiên cứu và sáng tạo, không hề thấy chị muốn ngơi nghỉ?

À cái này là do bản tính tôi từ bé đã như vậy, từ bé tôi đã là đứa ham lọ mọ, mày mò rồi, y như con trai vậy. Dù học toán, học lý thuyết nhiều nhưng tôi lại là đứa ưa hoạt động. Còn nhớ hồi 11 tuổi, tôi đã tháo tung cái xe đạp ra rồi tự lắp lại. Nhà có 3 cái xe đạp thôi, mà tháng nào tôi cũng tháo hết ra để bảo dưỡng, làm sạch vòng bi, xích líp, chỉnh phanh v.v.. Thủng săm thì tôi cũng tự vá. Nói chung là tôi rất thích mày mò, không chỉ sửa xe đạp đâu, may vá gì tôi cũng thích. Tôi vốn khỏe mạnh, lại còn tham gia đội bơi của quận nữa. Hồi bé, tôi lúc nào cũng bận rộn, chân tay không được nghỉ hoặc là đầu óc phải hoạt động tích cực.

Hay là như bây giờ, tôi cũng đã có kế hoạch quay về với dự án mà tôi luôn rất tâm huyết đó là công nghệ keo tụ xử lý nước. Dự án đang tiến triển rất tốt, tôi đã tìm được doanh nghiệp - Công ty cổ phần Sản xuất Tân Thành - VIETCHEM tiếp nhận và tài trợ, đồng thời đang kết hợp với các chuyên gia đầu ngành để đưa công nghệ này vào giảng dạy và sản xuất đại trà. Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi tin rằng cơ hội thành công là rất lớn. Đây không chỉ là một sáng chế hay giải pháp, mà là công trình khoa học mà tôi tâm đắc đã theo đuổi 30 chục năm nay, dày công nghiên cứu cả về cơ sở lý thuyết lẫn công nghệ sản xuất và ứng dụng thực tế.

Nói chung với tôi thì việc nghiên cứu là công việc hàng ngày, không làm cái này tôi sẽ làm cái kia. Hoặc khi dừng lại việc này, tôi sẽ chuyển ngay sang việc khác, do cái tính con người tôi như vậy.

“Phụ nữ vốn dĩ đã nhiều việc rồi”

Nhưng trong những quan sát thực tế của chị, ở lĩnh vực khoa học, thì phụ nữ có thiệt thòi gì so với cánh mày râu không?

Nói chung, dù xã hội phát triển rồi nhưng mà thực tế là phụ nữ khi làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, thường phải đối mặt với những định kiến nhất định. Ngay cả khi chúng ta chứng minh được năng lực, vẫn có thể gặp phải những sự đố kỵ. Phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn, bị cho là có nhiều hạn chế. Khi chúng ta thể hiện sự quyết liệt hay bảo vệ quan điểm của mình, đôi khi lại bị coi là “quá đà” hay “khó gần”.

Để tồn tại và thành công trong môi trường này, tôi nghĩ phải học cách thích nghi. Tôi vẫn luôn trung thực và sẵn sàng chia sẻ, nhưng cũng biết cách kiềm chế, chỉ lên tiếng khi thực sự cần thiết, tránh những va chạm không cần thiết, tập trung vào công việc và mục tiêu của mình.

Cá nhân tôi không quan tâm đến việc hơn thua với người khác. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình, cống hiến hết khả năng, và bằng lòng với những gì mình đạt được. Tôi tin rằng mỗi người đều có hoàn cảnh, năng lực và cơ hội riêng. Không ai giống ai, và việc so sánh bản thân với người khác chỉ khiến chúng ta thêm mệt mỏi và mất tập trung.

Thay vào đó, tôi chọn cách sống giản dị, tập trung vào công việc và trân trọng những tình cảm chân thành từ những người xung quanh. Đó mới là động lực thực sự giúp tôi vượt qua khó khăn và tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học của mình.

Và nếu có một lời khuyên đến các bạn nữ nói chung, hay các nhà khoa học nữ nói riêng, chị muốn nói điều gì?

Như tôi vẫn nói với các con của mình, thông minh là trời cho, nhưng tử tế là sự lựa chọn. Mình cứ sống lương thiện, cái gì nó đến thì mình nhận và hoàn thành cho tốt. Đừng chạy theo hư danh hay hào nhoáng, sẽ rất mệt.

Mà theo tôi thì phụ nữ cũng nên có cái sự mềm mỏng một chút thì nó sẽ đỡ vất vả hơn. Vì thực sự làm phụ nữ đi làm việc đã thiệt thòi rồi, thế giới nội tâm phức tạp lại vừa phải chu toàn công việc, gia đình, chồng con, nên hầu như phải tự động viên mình và động viên lẫn nhau, bởi vậy nên phụ nữ thường hay cô đơn. Nhưng mình hiểu thì mình cứ sống bình dị thôi, không bất mãn, cứ bình tĩnh làm tốt công việc của mình. Hạnh phúc thực sự sẽ đến từ những người hưởng lợi - thành quả từ những nghiên cứu, sáng chế của mình, đó mới là nguồn động viên bền vững, sâu sắc.

PGS.TS Lê Thị Mai Hương sinh năm 1966 tại Hà Nội. Được đào tạo về Công nghệ Hóa học ở Nga và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Năm 2000- 2010, bà tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Bách khoa Hà Nội. Năm 2007 bà tham gia thành lập hệ thống doanh nghiệp nhà trường BK-Holdings và giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Năm 2011 bà quay lại Viện Hàn lâm và phụ trách mảng hợp tác với Belarus, tiếp tục nghiên cứu và phát triển các ý tưởng khoa học.

Hiện tại, PGS.TS Lê Thị Mai Hương công tác tại Viện Công nghệ Xạ hiếm, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử.

Lan Anh

PGS.TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo - góp phần tạo nên những kỳ tích chống dịch Covid-19

PGS.TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo - góp phần tạo nên những kỳ tích chống dịch Covid-19

PGS.TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19.