Nữ PGS tâm huyết với bảo tồn nguồn gen cây trồng bản địa

Trong thời gian gần đây, nghiên cứu khoa học của PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi đã góp phần tạo dựng lại tên tuổi một đặc sản cung đình Huế.

Nhớ về cơ duyên đến với nghiên cứu khoa học chị cho biết bản thân được sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giảng viên đại học. Nên việc nghiên cứu đã trở nên quen thuộc với chị ngay từ nhỏ. Từ đó niềm đam mê nghiên cứu khoa học cứ lớn dần lên theo chị. Để rồi từ khi vào đại học cho đến học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản, chị vẫn theo đuổi con đường đầy chông gai này. Hiện PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi là giảng viên trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Chia sẻ về việc lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu liên quan nhiều đến khoa học cây trồng, PGS.TS cho biết vì yêu thích thiên nhiên nên muốn tìm hiểu sâu hơn. Nữ PGS tâm sự: “Khi hòa mình vào thiên nhiên cây cối tôi cảm thấy được thư thái hơn. Chuyên môn của tôi là về di truyền và giống cây trồng nên muốn tập trung nghiên cứu về đặc tính di truyền và sự đa dạng trong di truyền”. Với 67 bài báo khoa học được đăng tải, đồng tác giả của 8 cuốn sách và giáo trình, thực hiện 24 đề tài khoa học, tất cả những “đứa con” tinh thần của PGS. Phương Nhi đều hướng đến mục đích chung là tuyển chọn được loại giống cây trồng tốt nhằm bảo tồn nguồn gen, gìn giữ được giống cây trồng bản địa.

PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi.
PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi.

PGS.TS Phương Nhi cho biết hiện nay các giống cây trồng bản địa có nhược điểm năng suất thấp song lại có phẩm chất tốt và khả năng chống chịu vượt trội. Tuy nhiên người nông dân chủ yếu chạy theo năng suất nên quên đi các giống cây này. Thực tế đây là nguồn gen vô cùng quý mà chúng ta cần phải bảo tồn. Như kim chỉ nam cho các công trình nghiên cứu, khi thực hiện nghiên cứu tiến sĩ tại Nhật Bản chị cũng lựa chọn đề tài về đa dạng di truyền của cây dưa trong loài Cucumis melo ở Việt Nam. Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời đề tài này chị Phương Nhi cho biết bắt nguồn từ sở thích nghiên cứu về sự đa dạng của các cây trồng bản địa cùng sự tư vấn của thầy giáo hướng dẫn. PGS. TS Phương Nhi cũng cho biết đề tài nghiên cứu tiến sĩ này của chị là công trình đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu đa dạng của loài Cucumis melo L. một cách có hệ thống.

Hiện tại, PGS.TS Phương Nhi và các cộng sự đang ở giai đoạn đầu của việc tiến hành nghiên cứu về sự đa dạng của các giống chè ở miền Trung và sử dụng chỉ thị phân tử để nhận diện giống chè Truồi. Thông thường mọi người chỉ biết đến các loại chè có nguồn gốc từ miền Bắc. Song đây sẽ là công trình đầu tiên đánh giá sự di truyền của các giống chè ở miền Trung. Hiện nay, chị đã tiến hành thu thập một số giống chè có nguồn gốc từ các tỉnh thuộc khu vực miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… Đối với giống chè Truồi, PGS.TS cho biết đây là thức uống được các vua chúa xưa sử dụng, có vị thơm nồng, ngọt chát và dịu nhẹ. Hiện nay, người dân xứ Truồi (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn đang trồng loại cây này nhưng quy mô nhỏ, năng suất chưa cao. Nhận thấy được tầm quan trọng của giống chè này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất quan tâm và đã đầu tư để phát triển thêm nhiều sản phẩm ứng dụng từ loại cây này.

PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gen, thông qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi. Đề án của PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền các loài chè, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó có thể bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của cô đô Huế. Vị ngon của chè được tạo nên bởi giống chè Truồi bản địa kết hợp với tiểu khí hậu đặc trưng ở triền núi Ấn Lĩnh, nguồn nước thiên nhiên và chất đất phù sa được bồi đắp hàng năm từ sông Hưng Bình thuộc làng Nam Phổ Cần, mang lại cho người dùng cảm giác khó quên khi được thưởng thức hương thơm nồng tự nhiên, vị chát ngọt và dịu nhẹ của loại chè này.

Hiện nay, công trình này đang ở bước đầu của công việc nghiên cứu. PGS.TS cho biết phần thưởng từ giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 của L’Oréal - UNESCO sẽ giúp việc tiến hành nghiên cứu diễn ra thuận lợi hơn và đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu khoa học, chị cho biết muốn thực hiện những đề tài có tính ứng dụng các nhà khoa học phải xuất phát từ nhu cầu địa phương để triển khai. Thứ hai, nhà khoa học nên có sự phối hợp với doanh nghiệp, hoặc liên kết với các đơn vị ngoài xã hội. Bởi đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm sau nghiên cứu.

PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi chia sẻ thêm: Nghiên cứu khoa học đã khó, đối với phụ nữ làm công việc này càng khó hơn. Nhiều lúc làm say sưa mà quên thời gian dành cho gia đình, bản thân là điều có thể xảy ra. Dẫu con đường nghiên cứu khoa học có nhiều khó khăn, thử thách song nhờ bản tính của phụ nữ là tỉ mỉ, cẩn thận, chịu khó và hay lo lắng lại trở những ưu điểm. Vì lo lắng nên đôi khi các nhà khoa học nữ có thể hình dung được hết các trường hợp có thể xảy ra nhằm có sự chuẩn bị và phương án để khắc phục.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Giấc mơ Toán học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam tại Pháp

Giấc mơ Toán học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam tại Pháp

PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương được biết đến là một trong những nhà quản lý, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam.