Một hệ sinh thái chưa từng thấy vừa được khám phá bên dưới tảng băng trôi khổng lồ A-84, sau khi tảng băng này tách ra từ thềm băng George VI của Nam Cực.
![]() |
Một miếng bọt biển khổng lồ và cụm hải quỳ sặc sỡ được nhìn thấy cùng với các dạng sống khác bên dưới thềm băng George VI ở biển Bellingshausen. |
Theo thông tin từ Viện Hải dương Schmidt, ngay khi nhận được tín hiệu từ ảnh vệ tinh về sự dịch chuyển của tảng băng, các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Falkor đã nhanh chóng tiếp cận khu vực này. Chỉ 12 ngày sau, họ có mặt và phát hiện một hệ sinh thái độc đáo với sự xuất hiện của bọt biển khổng lồ, cá, nhện biển và bạch tuộc, những sinh vật lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Nhà sinh vật học biển Patricia Esquete, đồng trưởng nhóm thám hiểm từ Đại học Aveiro (Bồ Đào Nha), chia sẻ: "Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội hiếm có, thay đổi kế hoạch thám hiểm để tìm hiểu những gì đang diễn ra sâu bên dưới lớp băng. Thật bất ngờ khi phát hiện ra một hệ sinh thái tươi đẹp và phát triển mạnh mẽ đến vậy. Dựa trên kích thước của các loài động vật, chúng tôi tin rằng chúng đã tồn tại ở đây hàng thập kỷ, thậm chí có thể là hàng trăm năm".
![]() |
Một con bạch tuộc đang nghỉ ngơi dưới đáy đại dương bên dưới biển Bellingshausen ngoài khơi Nam Cực. |
Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ sự tồn tại của một mạng lưới sông, hồ và cửa sông khổng lồ dưới lớp băng dày khoảng 150 mét của Nam Cực. Tuy nhiên, chỉ đến khi tảng băng A-84 tách ra, họ mới có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về hệ sinh thái này.
Dù không có ánh sáng mặt trời hay chất dinh dưỡng từ môi trường phía trên, sự sống của hệ sinh thái này có thể đã được duy trì bởi các dòng hải lưu nằm sâu dưới đại dương trượt bên dưới lớp băng, tuy nhiên các chuyên gia không chắc đây có phải là cơ chế duy nhất giúp duy trì hệ sinh thái hay không.
Do điều kiện khắc nghiệt và băng dày cản trở tín hiệu GPS, nhóm nghiên cứu đã triển khai tàu ngầm điều khiển từ xa SuBastian, sử dụng sóng âm để điều hướng và tiếp cận đáy đại dương. Tàu ngầm này đã thu thập các mẫu sinh học và địa chất từ các rạn san hô và bọt biển. Theo các nhà khoa học, kích thước lớn bất thường của nhiều sinh vật cho thấy chúng đã phát triển trong hàng thế kỷ.
![]() |
Một con sứa ma khổng lồ đang bơi sâu bên dưới biển Bellingshausen. |
Ngoài ra, các thiết bị tự động cũng được triển khai để nghiên cứu tác động của nước tan chảy đối với hệ sinh thái này. Theo Jyotika Virmani, giám đốc điều hành Viện Hải dương Schmidt, sự kiện tảng băng trôi A-84 tách ra đã mang đến một cơ hội khoa học hiếm hoi. "Những khoảnh khắc tình cờ như thế này là một phần của sự phấn khích trong nghiên cứu đại dương, khi chúng ta có cơ hội trở thành những người đầu tiên chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ của thế giới dưới biển".
Phát hiện này mở ra một hướng nghiên cứu mới về cách các hệ sinh thái tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực.
Nguy cơ núi lửa “thức giấc” khi băng tan ở Nam Cực
Một mối hiểm họa đang ngủ yên có nguy cơ thức giấc sau dưới lớp băng đang tan dần ở miền Tây Nam Cực.