Phụ huynh "cầu cứu" trong group hơn 220k follow vì 1 việc làm chủ quan của con trong phòng thi vào lớp 10, netizen muốn giúp nhưng đành bất lực

Sự việc đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Mới đây, một vị phụ huynh đã đăng tải bài viết trong nhóm phụ huynh có hơn 220k thành viên nhằm mục đích tìm kiếm sự giúp đỡ cho con mình. Theo đó, sáng nay, con của vị này có tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán, nhưng không may gặp sự cố.

Cụ thể, sau khi viết hết trang 1 của tờ giấy thi thì con vị này mới phát hiện ra rằng, trang 2 bị in lỗi thành trắng trơn, không dòng kẻ. Thấy vậy, thí sinh này liền báo giám thị và ngay lập tức được giám thị đổi giấy thi. Em chép lại những gì đã viết từ tờ giấy thi cũ, sang tờ giấy thi mới mất tổng cộng 10 phút.

Sẽ không có gì đáng nói nếu cuối giờ thi, học sinh này còn một bài toán chưa kịp hoàn thiện, mà theo phỏng đoán cá nhân em thì em hoàn toàn có thể giải được. Học sinh này xin bù giờ do gặp phải sự cố về đề thi lúc đầu nhưng không được chấp thuận.

"Trường hợp này là do lỗi con không kiểm tra giấy thi hay sao ạ? Cũng vì cạnh tranh quá gắt gao vào nguyện vọng 1 và giành suất trường chuyên mà gia đình đã suy nghĩ rất nhiều. Nhỡ khi chỉ thiếu 0.25 điểm mà cháu rớt vào trường top thì sao?", vị phụ huynh trên bất lực đặt câu hỏi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước lời "cầu cứu" của vị phụ huynh trên, nhiều phụ huynh khác đã nhiệt tình đưa ra lời khuyên cho người mẹ. Theo đó, đa phần cho rằng đây là lỗi của con, vì trước khi tính giờ làm bài thi, thí sinh sẽ được giám thị nhắc là kiểm tra lại toàn bộ giấy thi, đề thi xem có lỗi gì không. Nếu thí sinh chủ quan không kiểm tra hoặc kiểm tra chưa kỹ, nếu có vấn đề thì cũng không còn cách nào khác. Phụ huynh có thể báo lên hội đồng thi song cơ hội thay đổi kết quả là không quá lớn.

- Việc phát giấy thi được thực hiện trước 10 phút khi bắt đầu tính giờ làm bài và phát đề thi trước 5 phút. 10 phút trước đấy là để em kiểm tra lại giấy thi và điền thông tin nhưng em lại không làm. Do đó, không thể trách giám thị được.

- Nghĩ cũng tội em thí sinh, nhưng cái này phần lớn là lỗi của em, không thể trách ai được.

- Giám thị kí xác nhận là xác nhận người coi thi chứ không có ký xác nhận giấy thi đảm bảo. Không ai khác ngoài các con là người tự xác nhận giấy thi và đề thi đảm bảo. Nếu mà để trang giấy trắng như thế trong trường hợp xấu, người làm bài có ý định gian lận thì việc tìm bài thi bị trắng 1 mặt là rất dễ. Như vậy là lỗi rồi. Thí sinh có 10-15 phút tuỳ trường và tuỳ kỳ thi được phát giấy trước khi đến giờ thi, nhưng bạn không kiểm tra thì đó là lỗi của bạn rồi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng có một vài phụ huynh cho rằng tuy em học sinh đã sai nhưng giám thị cũng chưa linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề. Cụ thể, có ý kiến cho rằng trong tình huống này, giám thị có thể báo lên hội đồng thi hoặc hướng dẫn thí sinh thay vì chép lại toàn bộ câu trả lời ở tờ giấy thi bị lỗi sang tờ mới thì có thể làm tiếp luôn ở tờ mới rồi nộp gộp cả hai tờ luôn, để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, về cơ bản, nhiệm vụ của giám thị chỉ là coi thi và giải quyết những sự cố của thí sinh trong quá trình thi. Giám thị không có quyền cho thí sinh thêm thời gian như đề nghị của em học sinh trong câu chuyện.

"Trong quá trình thi cử, đôi khi chỉ vì 0,25 điểm mà con có thể trượt nguyện vọng 1 và ảnh hưởng về sau. Đây chính là 1 bài học cho các sĩ tử: phải kiểm tra giấy thi, đề thi, số báo danh, số phòng cẩn thân trước khi bắt tay vào làm bài. Chứ không được chủ quan", một phụ huynh chia sẻ.

Ngoài ra, có ý kiến gợi ý cách xử lý của giám thị trong tình huống này như sau: "Học sinh hoàn toàn có thể xin thêm giấy, viết tiếp sang tờ thứ 2 và nộp cả 2 tờ. Sự cố sẽ được ghi vào biên bản, sau đó bài thi được mang ra hội đồng chấm chung để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Giám thị có lỗi khi không biết cách hướng dẫn thí sinh. Thí sinh cũng có lỗi vì không kiểm tra giấy thi trước khi làm bài".

Những điều thí sinh cần ghi nhớ khi nhận đề, làm bài thi vào lớp 10

Khi nhận đề thi: Thí sinh cần kiểm tra thông tin đề cẩn thận, nếu thấy đề bị rách, in mờ, báo ngay cho giám thị, tránh trường hợp hiểu nhầm câu hỏi, trượt oan. Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề và giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.

Khi nhận đề: Thí sinh cần kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, các em phải báo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề để được xem xét, đổi đề, tránh thiệt thòi.

Trong giờ làm bài, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trận tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến, thí sinh phải giơ tay, sau khi được phép mới đứng lên trình bày công khai.

Phiếu trả lời trắc nghiệm: Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.Thí sinh cần điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đối với số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 phía trước), điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.

Hiệu lệnh trống:  Vào mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, các em sẽ không được dự thi buổi đó.

Khi hết giờ làm bài, các em phải ngừng làm bài ngay, bảo quản nguyên vẹn bài thi của mình, không để người khác lợi dụng. Nếu bị người khác cố ý can thiệp vào bài thi, các em cần báo ngay cho cán bộ coi thi.

Tổng hợp

Đông

Những lần nhóm phụ huynh gây sóng gió: Hết cô gửi nhầm clip chửi bới học sinh đến mẹ 'bóc phốt' vì con phải nhìn các bạn ăn liên hoan

Những lần nhóm phụ huynh gây sóng gió: Hết cô gửi nhầm clip chửi bới học sinh đến mẹ "bóc phốt" vì con phải nhìn các bạn ăn liên hoan

Dưới đây là những mâu thuẫn xảy ra trong nhóm chat chung của phụ huynh và giáo viên khiến netizen rần rần.