Phụ huynh Hà Nội chia sẻ tiền học hàng tháng của con học lớp 7, nghe con số ai cũng toát mồ hôi: "Bằng lương của tôi rồi"

Mức chi cho con của phụ huynh này khiến nhiều người choáng váng.

Phụ huynh hiện nay ngày càng đầu tư cho việc học của con. Họ không chỉ quan tâm đến việc học ở trường mà còn mạnh tay chi tiền cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, học thêm gia sư, trung tâm hay tham gia các khóa học trực tuyến nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho con. Đương nhiên, chi phí bỏ ra cho sự đầu tư này không hề nhỏ.

Mới đây, trong hội nhóm phụ huynh có hơn 200k người theo dõi, một bà mẹ đã đăng tải chi phí đầu tư cho việc học 1 tháng của con. Theo đó, con của vị này đang học lớp 7 và được bố mẹ cho học thêm rất nhiều môn với tổng thiệt hại lên đến 9,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, các chi phí bao gồm: học ở trường (4 triệu đồng/tháng), học tiếng Anh (2,5 triệu đồng/tháng/8 buổi), học lập trình (2,1 triệu đồng/tháng/8 buổi), học toán (800 nghìn/tháng/4 buổi).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Các mẹ vào chia sẻ để cùng nhau đau đầu đi ạ. Em chủ yếu đầu tư cho con học thêm tiếng Anh và Lập trình. Chồng em làm Công nghệ thông tin bảo phải cho con học IT sớm đi sau này quan trọng như tiếng Anh nên năm ngoái em cho học luôn.

Chả biết sau này thế nào nhưng thấy con cũng thích và tư duy tốt hơn nên em cứ cho học. Con học thêm nhiều mà vẫn vui mẹ tự nhiên đỡ xót tiền. Các phụ huynh chi bao nhiêu tiền học cho con 1 tháng? Chia sẻ thêm kinh nghiệm tối ưu chi phí cho e học hỏi nhé", người mẹ này tâm sự.

Phụ huynh khác nói gì?

Đa phần các phụ khuynh đều cho rằng mức đầu tư cho con phụ thuộc vào thu nhập của gia đình, chứ thật ra không có một con số cụ thể nào. Gia đình nên cân nhắc kỹ, nếu thấy khả năng vẫn có thể đầu tư cho con tốt thì đừng ngần ngại vì đầu tư cho việc học chưa bao giờ là lãng phí cả.

Phụ huynh N.Y bày tỏ: "Tuỳ điều kiện từng nhà và môi trường con học, không ít gia đình sẵn sàng chi 30-50 triệu/ tháng cho con học mầm non cùng là bình thường. Nên cái này mình nghĩ do từng gia đình quyết định, quan trọng là con có tiếp thu được không thôi".

"Mỗi nhà một mức chi tiêu khác nhau bạn ạ. Như nhà bạn với nhiều gia đình là cao, nhưng so với các nhà khác là thấp, chả so sánh được. Nhà mình tiền học và ngoại khoá đàn ca sáo nhị của 1 bạn 5 tuổi và 1 bạn 7 tuổi hơn đã là 30 triệu rồi. Nhưng có nhà bạn mình tiền học của 2 bạn cấp 2, 3 và 1 bạn du học là trên 100 triệu/ tháng cơ. Nói chung liệu cơm gắp mắm, thấy phù hợp là được", người dùng P.T tâm sự.

Ở một diễn biến khác, không ít phụ huynh thấy mức trên là khá cao, thậm chí số tiền mà vị này đầu tư cho con bằng nguyên một tháng lương của nhiều người. Bên cạnh đó, việc cho con nhỏ đi học quá nhiều lớp phụ đạo cũng chưa chắc đã tốt.

"Con nhà mình học cấp 3 trường tỉnh lẻ, học trên trường tháng tầm 300-400 nghìn, thỉnh thoảng lên đến 1 triệu. Con không học thêm bất kỳ môn nào, đợt ôn thi đại học chỉ mua sách về tự ôn. Cuối cùng con thi được IELTS 8.0 ngay lần đầu tiên. Sau đó, con đỗ Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... Thấy các mẹ chia sẻ số tiền đầu tư cho con mà mình toát mồ hôi hột", phụ huynh N.S bày tỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tóm lại, mỗi gia đình có những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau khi đề cập đến vấn đề này. Tùy thuộc vào môi trường học tập, mục tiêu giáo dục và khả năng tài chính phụ huynh chọn cách tiếp cận phù hợp. Môi trường học tập có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chi tiêu cho con cái. Ví dụ, nếu môi trường học tập là công lập với chất lượng giảng dạy đảm bảo và học phí không quá cao, phụ huynh có thể "dễ thở" hơn phần nào so với các con học trường tư, trường quốc tế.

Mục tiêu giáo dục cũng là yếu tố quan trọng. Có phụ huynh xác định mục tiêu là cho con học để có kiến thức tổng quát, trong khi người khác lại hướng con cái đến những mục tiêu cụ thể như học giỏi toán để thi vào trường chuyên, hay phát triển kỹ năng nghệ thuật. Mục tiêu khác nhau đòi hỏi chi phí đầu tư cũng sẽ khác nhau. Việc đầu tư cho con học nhạc, hội họa hay thể thao chuyên nghiệp có thể đắt đỏ hơn so với việc chỉ học các môn học cơ bản.

Khả năng tài chính của gia đình cũng là yếu tố quyết định. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để chi trả cho những khóa học đắt đỏ, và đây là lúc phải xem xét đến việc cân đối giữa mong muốn và khả năng. Đôi khi, việc sử dụng các nguồn lực học tập miễn phí hoặc ít tốn kém, như thư viện, các khóa học trực tuyến miễn phí, hoặc tham gia các câu lạc bộ học thuật ở trường, có thể là giải pháp thông minh.

Cuối cùng, việc chi tiêu cho học tập của con cái đòi hỏi sự cân nhắc và lựa chọn thông thái từ phía phụ huynh. Việc quan trọng là tạo điều kiện để con cái có thể phát triển toàn diện, theo đuổi đam mê và đạt được mục tiêu học tập của mình, trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định tài chính cho gia đình. Phụ huynh cũng không nên gây quá nhiều áp lực cho con.

Đông

TP Hồ Chí Minh: Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập giảm, học sinh lo lắng

TP Hồ Chí Minh: Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập giảm, học sinh lo lắng

Thông tin năm học 2024-2025 Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 72% so với tổng số học sinh đang học lớp 9 được vào lớp 10 công lập khiến nhiều phụ huynh, học sinh học lớp 9 lo lắng.