"Phượng Hoàng": Cánh chim đầu đàn của Rock Việt và giấc mơ hiện sinh không lối thoát

Với 3 gương mặt trụ cột là Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và Elvis Phương, Phượng Hoàng đã thổi một làn gió mới, mở ra một kỉ nguyên âm nhạc đầy năng lượng với ngôn ngữ hiện đại, góp phần định hình phong cách mới cho âm nhạc miền Nam sau 1975.

Những bản nhạc trẻ đầu tiên được viết bằng tiếng Việt

Thập niên 60, trước sự rút lui của Pháp và sự xâm nhập của quân viễn chinh Mỹ, văn hóa miền Nam chuyển dần từ màu sắc ảnh hưởng của văn hóa Pháp, sang màu sắc hiện đại và sôi động hơn của Mỹ, âm nhạc tất nhiên cũng không ngoại lệ.

Thời điểm này bắt đầu đánh dấu những giai đoạn đầu tiên của nhạc Rock len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận thanh niên Sài Gòn. Thời điểm 1967 – 1968, một loạt ban nhạc trẻ đúng phong vị Mỹ ra đời như The Enterprise, CBC, The Soul, The Blue Jets, The Magic Stones, The Dreamers... Tuy nhiên vào thời điểm này, các ban nhạc thường chơi lại những bài đang ăn khách được phát hành rộng khắp trên thế giới chứ chưa có sáng tác riêng. 

Các ban nhạc Sài Gòn những năm 60 thường chơi lại những bài đang ăn khách được phát hành rộng khắp trên thế giới chứ chưa có sáng tác riêng. 
Các ban nhạc Sài Gòn những năm 60 thường chơi lại những bài đang ăn khách được phát hành rộng khắp trên thế giới chứ chưa có sáng tác riêng. 

Đầu thập niên 70, những nhóm cựu trào như Les Pénitents tan rã, một số ban mới thành lập mang hơi hướng nhạc soul và nhạc blues nhiều hơn: như The Hammers, The Apples Three, Crazy Dog... phần lớn các nghệ sỹ Việt lúc này đều phảng phất phong cách của những nhóm nhạc đình đám của Mỹ như The Temptations, James Brown, The Supremes... Nhạc trẻ, cho tới thời điểm này cũng chỉ dừng lại ở những ca khúc ngoại quốc được các ca sĩ Việt Nam hát bằng ngôn ngữ gốc hay thêm lời Việt.

Giai đoạn này, nhạc Việt miền Nam chịu ảnh hưởng đậm nét hơn của âm nhạc Mỹ, với các thể loại chính là Soul, R&B, Psychedelic, hoặc Folk. Các nghệ sỹ nổi bật ở thời kì này có The Apple's Three, The Black Caps, Lê Uyên Phương, Thanh Lan, Thanh Mai, Quốc Dũng, Nhạc sĩ Nguyễn ánh 9 với ca khúc Không...

Giữa bối cảnh thị trường âm nhạc đầy sôi động, trẻ trung, phóng khoáng nhưng chưa rõ ràng bản sắc ấy, nhóm Phượng Hoàng đã xuất hiện, thổi một làn gió mới, mở ra một kỉ nguyên âm nhạc mới mẻ đầy sức trẻ và sáng tạo, với ngôn ngữ hiện sinh vô cùng văn minh cho âm nhạc miền Nam thời bấy giờ.

Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu được thành lập năm 1963 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Có thể thấy, giữa một loạt các nhóm nhạc lấy tên ngoại quốc, ban nhạc của Lê Hựu Hà luôn chọn những cái tên thuần Việt, như để thể hiện quan điểm nhất quán "nhạc Việt dùng ngôn ngữ Việt" trong âm nhạc của mình. 

Với tư duy mới mẻ và tâm huyết, Lê Hựu Hà và ban nhạc của mình "một mình một cõi" chọn đường hướng viết nhạc và chơi nhạc Việt Nam tại các tụ điểm với những ca khúc nhạc trẻ lời Việt đầu tiên của Sài Gòn. Lúc ấy, Lê Hựu Hà đã có những sáng tác theo âm hưởng Pop Rock rất độc đáo và mới mẻ như Mai Hương, Nhớ thương em hoài, Chiều...  Đây có thể coi là những nhạc phẩm tình ca trẻ được viết bằng tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên vào thời điểm đó, giới nghe nhạc vẫn say sưa với nhạc ngoại quốc nên âm nhạc của Hải Âu chưa được công nhận một cách đích đáng.

Năm 1970, Lê Hựu Hà đã gặp một "nhân tài" mới là Nguyễn Trung Cang, một nhạc sĩ trẻ của ban nhạc Rolling Sound. Hai người nhạc sỹ trẻ cảm thấy đồng điệu về tư duy âm nhạc nên ngay lập tức đã có những sự hết hợp trong âm nhạc. Cho tới năm 1971, Lê Hựu Hà cùng Nguyễn Trung Cang quyết định thành lập ban Phượng Hoàng. Phượng Hoàng chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại Đêm Màu Hồng gồm các thành viên là Lê Hựu Hà (solo, vocal), Nguyễn Trung Cang (organ, bass, vocal), Nguyễn Trung Vinh (trống), Như Khiêm (bass), hai ca sĩ là Hoài Khanh và Mai Hoa. 

Phượng Hoàng những năm 70
Phượng Hoàng những năm 70

Sau đó, vì một vài lý do, khi giọng ca Hoài Khanh không thể tiếp tục kết hợp cùng Phượng Hoàng, thì một giọng ca mới đã xuất hiện, đó là Elvis Phương. Elvis Phương đã thay thế Hoài Khanh trở thành giọng ca chính của Phượng Hoàng. Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, ông có một giọng hát khỏe, vang và sang trọng, rất phù hợp với các ca khúc mang màu sắc Âu Mỹ. Ông đặc biệt chịu ảnh hưởng của các ca sĩ nhạc Rock của Mỹ, đặc biệt là Elvis Presley (nên mới có nghệ danh Elvis Phương)

Trước khi gia nhập ban Phượng Hoàng, Elvis Phương từng cộng tác với các ban nhạc trẻ danh tiếng như The Rebels, The Rockin’ Stars, The Vampires, The Shotgun và band Không Tên. Khi trình diễn những ca khúc của band Phượng Hoàng, Elvis Phương trình bày một cách xuất sắc. Ông hát tự nhiên như bài nhạc đã viết cho riêng mình. Sự góp mặt của Elvis Phương dường như đã chắp cánh cho Phượng Hoàng bay cao, bay xa hơn trên bầu trời âm nhạc Sài Gòn. Cho đến tận bây giờ, những ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp của Elvis Phương vẫn là những ca khúc gắn với Phượng Hoàng như Phiên khúc mùa đông, Cười lên đi em ơi, Tôi muốn, Yêu người yêu đời, Bâng khuâng chiều nội trú, Đêm đã sáng

Những người tiên phong cho dòng nhạc Pop Rock của Việt Nam

Phượng Hoàng được coi như những người tiên phong cho dòng nhạc Pop Rock của Việt Nam, với sự táo bạo và sáng tạo không ngừng, Phượng Hoàng đã làm thay đổi lối chơi của âm nhạc Sài Gòn thời bấy giờ.

Ở thời kì đỉnh cao, Phượng Hoàng được mệnh danh như niềm kiêu hãnh của cả nền nhạc trẻ miền Nam, trong khi một số các band như ABC, Crazy Dog thời ấy chỉ chuyên hát lại các bản nhạc của nước ngoài đang nổi tiếng hoặc chơi lại sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... theo phong cách du ca, trữ tình. Thì Phượng Hoàng "một mình một cõi" chơi dòng nhạc cho chính mình khai phá, vượt qua mọi quy chuẩn, rào cản và thói quen nghe nhạc thông thường của đám đông công chúng.

Elvis Phương cùng ban nhạc Phượng Hoàng
Elvis Phương cùng ban nhạc Phượng Hoàng

Ở mặt ngôn ngữ và ca từ, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang lựa chọn cho mình phong cách ngôn ngữ "hiện sinh" gần gũi với con người, dù vẫn lãng mạn, say sưa, nhưng không xa rời thực tế mà phản ảnh chân thực những cung bậc cảm xúc rất "đời" và rất "người". Như trong ca khúc Tôi muốn, Lê Hựu Hà có những lời ca rất giản dị nhưng đầy nhân văn: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau/ Không oán ghét không gây hận sầu/ Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau/ Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...", hay nhiều ca khúc khác của ông cũng thể hiện rõ nét sự tươi vui, nhiệt huyết và đầy xúc cảm như Vào hạHãy ngước mặt nhìn đời, Yêu emBài ca tuổi trẻHuyền thoại người con gáiPhiền khúc mùa đôngYêu người yêu đờiHãy yêu như chưa yêu lần nàoCuộc đờiĐừng trách người ơiVị ngọt đôi môi... 

Lê Hựu Hà cũng nổi tiếng trong việc chuyển soạn lời Việt cho nhiều ca khúc quốc tế, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như Đồng xanhNhững lời dối gianNgày hôm quaKhông có em...

Không đậm nét tươi vui như Lê Hựu Hà, nhưng Nguyễn Trung Cang lại có cái nhìn sâu sắc và chiêm nghiệm hơn với cuộc đời và tình yêu, với những ca từ đậm màu suy tưởng của nhân tình thế thái. Như trong Thương nhau ngày mưa, Nguyễn Trung Cang viết: "Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm/ Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu/ Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh/ Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau...", những lời lẽ hết sức bay bổng với một sự trân quý với tình đời, tình người, nhưng sâu trong đó vẫn ẩn hiện những dự cảm lo âu, những ám ảnh về sự phôi phai và buồn đau không thể tránh khỏi.

Ở giai đoạn sau này, dù các sáng tác của Phượng Hoàng có phần "tăm tối", bi quan và nhiều ẩn ức hơn, nhưng dù thế nào, các sáng tác của Phượng Hoàng vẫn lấp lánh sự mới mẻ, táo bạo, sự nồng nhiệt với đời, sống hết mình và chấp nhận, không xa rời bản ngã, là cái khí phách và ngang tàng của những người nghệ sỹ chân chính.

 Elvis Phương và Nguyễn Trung Cang
 Elvis Phương và Nguyễn Trung Cang

Trong âm nhạc, Phượng Hoàng đưa ra những lối hòa thanh đơn giản, dễ hiểu mà hiệu quả. Phượng Hoàng gần như đã bứt phá hẳn ra khỏi một trường âm nhạc dài hàng thế kỉ của Ngũ cung, của Cổ nhạc dân tộc đầy âm tính, mà vươn mình ra thế giới với việc kế thừa (dù ban đầu có thể là bắt chước) âm nhạc Âu Mỹ, kết hợp với ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam, tạo nên một màu sắc giai điệu đậm màu "dương tính" với những ca khúc mang giai điệu trưởng (khác với các bản nhạc tình của Việt Nam trước đây đều dùng giai điệu thứ) vô cùng hiện đại, tươi mới, phóng khoáng và đầy năng lượng.

Cho đến những năm 70, Phượng Hoàng dần bứt phá ra khỏi sự "bắt chước" nhạc Mỹ, mà có cho mình những ca khúc mang dấu ấn một band nhạc Pop Rock Việt, trở thành những người tiên phong, viết nên ngôn ngữ Pop Rock của riêng Việt nam như Phiên khúc mùa đôngThương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Mặt trời đen...

Điểm nổi bật của Phượng Hoàng là kỹ thuật hòa âm. Gần như lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt, khán giả được thưởng thức những ca khúc với sự đầu tư về hòa âm thực thụ, thay vì chỉ sáng tác và hoàn toàn dựa vào band nhạc và nhạc công như trước đây. Phượng Hoàng đã đưa công việc hòa âm cho ca khúc thành một công việc sáng tạo nghệ thuật thực thụ, đưa các ca khúc lên một tầm cao mới, hiệu quả về mặt trình diễn hơn rất nhiều.

Không chỉ dừng lại ở những cách tân đơn giản, Phượng Hoàng còn tiến xa hơn nữa khi đưa những điệu nhạc còn khá lạ khi đưa ngôn ngữ lục thanh của tiếng Việt kết hợp với những giai điệu của Slow Rock, Swing Rock... với tiếng trống, Guitar bass với những tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, nên các sáng tác của Phượng Hoàng thường vượt xa các sáng tác thông thường của nhạc tình Việt Nam và nhất là nhạc trẻ thời bấy giờ.

Ban nhạc Phượng Hoàng chụp chung với một số bạn hữu
Ban nhạc Phượng Hoàng chụp chung với một số bạn hữu

Về phong cách thể hiện, Phượng Hoàng cũng thể hiện sự hiện đại và thức thời, Lê Hựu Hà đã khéo léo kết hợp việc đưa ra các tác phẩm mới do anh sáng tác xen kẽ với các tác phẩm đã thành danh được công chúng mến mộ như nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay Lê Uyên Phương... Lê Hựu Hà cũng dành nhiều tâm huyết để làm mới lại các ca khúc này theo cách hòa âm mới khiến cho khán giả rất thích thú.

Các giọng ca chính của Phượng Hoàng cũng có nhiều thay đổi. Thời gian đầu tiên Lê Hựu Hà kiêm nhiệm phần vocal chính, tuy nhiên sau đó nhận ra giọng hát của mình không thực sự thuyết phục, anh muốn có một giọng ca miền Bắc thể hiện các tác phẩm của mình nên Phượng Hoàng đã quyết định mời Nguyễn Ngọc Hải (tay lead guitar của ban nhạc Les Faucons Noirs) đến thử nghiệm hát bài Tôi muốn ở phòng trà Chiều tím. Phần trình diễn thành công bất ngờ và từ lúc này, khán giả mới bắt đầu quen dần với nhạc của Lê Hựu Hà và dần dần trở nên yêu thích cái tên Phượng Hoàng.

Thời kì đỉnh cao nhất của Phượng Hoàng phải kể đến những năm 70, khi có sự tham gia của Elvis Phương, Phượng Hoàng mới thực sự bước vào giai đoạn lừng lẫy nhất trong sự nghiệp âm nhạc. Qua tiếng hát của Elvis Phương, những sáng tác của Phượng Hoàng được truyền đạt xuất sắc đến tâm can người nghe một cách văn minh và đầy cảm xúc. Giọng ca của anh trầm bổng với những tần số vượt qua mức xác định của âm vực bài hát, không cầu kỳ nhưng hùng hồn, rõ ràng và dồi dào âm sắc.

Các sáng tác của Phượng Hoàng lúc này lên như diều gặp gió, được công chúng đón nhận và hướng ứng nhiệt liệt. Mặt Trời Đen của nhạc sĩ Lê Hựu Hà cho đến giờ vẫn được coi như một kiểu mẫu của Rock Việt và được nhiều ban nhạc Rock Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại trình bày lại, trong khi Thương nhau ngày mưaYêu em trở thành những điển hình về tình ca trong âm nhạc. Ca sĩ Elvis Phương hiện tại vẫn còn là một giọng hát được ưa chượng qua nhiều thế hệ. 

Phượng Hoàng trở thành một niềm kiêu hãnh, cánh chim đầu đàn cho Pop Rock Việt Nam, những người tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho một dòng nhạc mới mẻ, xóa tan đi những hoang mang và mặc cảm về một giai đoạn âm nhạc đã bị coi như vong bản, bắt chước, không còn bản sắc. Những bài nhạc trẻ thuần Việt của Phượng Hoàng luôn được coi như những viên ngọc quý của tân nhạc Việt Nam.

Giấc mơ hiện sinh không lối thoát

Dù sự nghiệp thăng hoa nhưng cái chết của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang vẫn là hai nốt trầm buồn mà ít người muốn nhắc đến.

Trái với những sáng tác nổi tiếng lẫy lừng được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, cái chết của Nguyễn Trung Cang đến nay vẫn còn là ẩn số đối với nhiều bạn bè và giới mộ đạo. Theo tin đồn, ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật tại khi mới chưa đầy 40 tuổi ở một vùng rừng núi hẻo lánh, để lại một người vợ và hai người con gái.

Cũng có những ý kiến đáng tin cậy hơn cho biết nhạc sỹ của Thương nhau ngày mưa đã chết tại nhà trên giường trong cư xá cạnh chùa Xá Lợi vì thiếu dinh dưỡng, cơ thể quá yếu, không có inhaler (ống xịt hen) trong lúc bị bệnh xuyễn nên qua đời.

Nhưng dù thế nào, cái chết của Nguyễn Trung Cang gợi ra những xót xa thương cảm về một thế hệ nghệ sỹ dám sống, dám yêu, dám đam mê đến sức tàn lực kiệt. Như những lời cuối cùng trong bản Còn mãi yêu em mà ông đã viết: "Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng, ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời. Riêng ta nơi núi rừng, về đêm càng nghe hồn băng giá, câu ca hay khúc nhạc, càng thêm sầu cho tình tan nát..."

Nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang (áo kẻ)
Nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang (áo kẻ)

Không ra đi khi còn quá trẻ như Nguyễn Trung Cang, nhưng Lê Hựu Hà cũng trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trong trong cô độc, nghèo khó và buồn tủi. Nhà thơ Du Tử Lê cho biết, dù cho ngoài việc viết ca khúc, ông cũng làm nhiều công việc khác và đều thành công, như đặt lời Việt cho hàng trăm ca khúc ngoại quốc (trong số đó, có khá nhiều bài nổi tiếng) hoặc, làm nhạc quảng cáo cho những công ty ngoại quốc, đặt hàng ông. Nhưng thực tế phũ phàng là các bầu show đã lần lượt quay lưng lại với họ Lê. Và cái chết ở tuổi 57 vì tai biến mạch máu não tại nhà riêng, mới thực sự là đỉnh ngọn u ám, bi kịch của tài hoa này.

Trong một bài viết trên báo NLÐ, số đề ngày 12 tháng 5, 2003 cho biết, xác của nhạc sỹ Lê Hựu Hà được phát hiện vào khoảng 8 giờ sáng ngày 11 tháng 5, tại căn nhà 89 đường Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1, TPHCM. Công an phát hiện nhạc sỹ nằm chết trong phòng, xác đã bắt đầu phân hủy. Trong nhà đèn vẫn sáng, tivi vẫn mở, quạt máy vẫn hoạt động, ngoài sân có chiếc xe Honda.

Nhạc sỹ Lê Hựu Hà
Nhạc sỹ Lê Hựu Hà

Cái chết của Lê Hựu Hà khi đó khiến công chúng dồn mọi sự chú ý vào vợ cũ của ông là ca sỹ Nhã Phương, người đa có với ông 23 năm hôn nhân gắn bó. Nữ danh ca tâm sự:" Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau,... Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: 'Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà. Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát.

Cuộc sống nghèo khổ dẫn đến những xích mích, ghen tuông, áp lực của cuộc sống thường nhật đã ghì chặt hai vợ chồng nghệ sỹ tài hoa. Để rồi đến bên kia sườn dốc của sự nghiệp, họ chia tay nhau trong bế tắc và tuyệt vọng.

Chỉ tồn tại trên dưới 20 năm, nhưng những cánh chim  Phượng hoàng dũng mãnh ấy luôn mang trong mình những giấc mơ hiện sinh cháy bỏng, để đến gần con người hơn, với những buồn vui trong tâm tư, họ mong muốn có thể sống với âm nhạc để sẻ chia , để thấu hiểu, và để đồng cảm. Nhưng rồi cũng chính những giấc mơ hiện sinh ấy, khi thời cuộc thay đổi, đã khiến họ trượt dài trong chính giấc mơ mình, lạc lõng với thực tại, cô độc và tuyệt vọng, và ra đi mãi mãi trong tiếc nuối, không lối thoát.

Nhưng dù thế nào, âm nhạc của Phượng Hoàng mãi mãi là niềm kiêu hãnh cho cả một nền tân nhạc Việt Nam cho đến tận bây giờ, mang đến cho âm nhạc nước nhà những tác phẩm tràn đầy say mê, tin yêu và nồng nhiệt với cuộc đời.

Lan Anh

Nhạc sĩ Giáng Son: 'Với âm nhạc, tôi không cần phải che giấu con người mình…'

Nhạc sĩ Giáng Son: 'Với âm nhạc, tôi không cần phải che giấu con người mình…'

Dịu dàng và luôn tràn ngập nữ tính, với âm nhạc của mình, Giáng Son đã tô lên một màu sắc đầy quyến rũ vào bức tranh âm nhạc đương đại