Tôi nhớ những bộ phim truyền hình Việt Nam cách đây khoảng 2 thập kỷ thỉnh thoảng hay có cảnh nữ nhân viên văn phòng bị sếp trêu ghẹo, buông lời tán tỉnh tục tĩu rồi cũng chỉ biết cười trừ cho qua. Kể cả những bộ phim gần đây cũng không khá hơn là bao nhiêu. Tôi từng thấy một đoạn trích phim Việt mà khi người con gái kể chuyện bị cưỡng bức, người cha nói “thì mày nhịn đi một tí đã làm sao?”.
Những chi tiết câu chuyện như vậy không chỉ từ trong phim bước ra ngoài đời thật mà ngược lại, nó diễn ra rất nhiều ngoài đời thật để đạo diễn đưa vào trong phim.
Có một thực tế rằng, trong các vụ việc quấy rối tình dục, rất ít khi kẻ quấy rối lên tiếng nhận mình quấy rối. Thường sẽ có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp một, kẻ quấy rối im lặng để vụ việc cho qua nếu không có kiện tụng hay can thiệp của cơ quan chức năng. Trường hợp hai, kẻ quấy rối lên tiếng về vụ việc dưới sức ép của dư luận nhưng sẽ luôn đưa ra những câu từ hết sức chung chung như “thể hiện sự quan tâm, quý mến", “hành động thân thiện giữa đồng nghiệp với nhau"...
Tuyệt nhiên sẽ không bao giờ có những câu như, “tôi là một kẻ quấy rối tình dục". Tôi hiểu rằng để thú nhận bản thân là một kẻ quấy rối tình dục không phải đơn giản khi 4 chữ “quấy rối tình dục" nó thực sự rất nặng nề. Nam giới có thể chấp nhận nếu người khác gọi họ là kẻ thích tán tỉnh, bông đùa với phụ nữ, trăng hoa vì trong mắt nhiều người, đó là những “điểm mạnh", những đặc điểm rất đặc trưng có thể thấy ở các bầy đàn động vật khi con đực đầu đàn cần duy trì nòi giống và khẳng định vị thế quyền lực. Song, dù có chấp nhận bao nhiêu đặc điểm trên, họ cũng sẽ không bao giờ coi bản thân là một kẻ “quấy rối tình dục", và tìm mọi cách để cố gắng lấp liếm từ đầu đến cuối. Với tất cả chúng ta, sức nặng của 4 từ “quấy rối tình dục” là đại diện của một thứ bản năng xấu xa không được kìm hãm.
Chừng nào nhiều kẻ quấy rối - chủ yếu là nam giới, không dám chấp nhận hành vi của bản thân, chừng đó nhiều nạn nhân - chủ yếu là nữ giới, còn im lặng.
Nội tâm hoá những định kiến xã hội là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ không lên tiếng khi các vụ xâm hại tình dục diễn ra. Nhiều phụ nữ cho rằng, chính bởi vì họ “mặc váy quá ngắn", “trang điểm quá nhiều" hay “không lên tiếng khi vụ việc diễn ra" dẫn đến quấy rối tình dục. Vì đâu có nguyên nhân này? Một phần bởi những định kiến quá nặng nề từ xã hội về vai trò của phụ nữ, một phần vì cơ chế tâm lý sau các vụ sang chấn vì quấy rối tình dục. Nhận một phần trách nhiệm về mình đồng nghĩa với việc các nạn nhân thấy mình kiểm soát được tình huống - đơn giản họ không thể thay đổi những kẻ tấn công nên nếu tự nhắc bản thân, “à tôi sẽ không mặc váy ngắn nữa", nạn nhân sẽ cảm thấy thế giới xung quanh còn hy vọng và còn tốt đẹp. Tâm lý đó ở nhiều nạn nhân cùng với những câu xin lỗi theo kiểu “thể hiện sự quan tâm quá mức" khiến nạn nhân củng cố thêm niềm tin rằng, “có thể là lỗi tại mình thật? có phải mình đang làm quá vấn đề lên không? phải chăng anh ta chỉ thân thiện và quan tâm thôi?”.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ im lặng sau khi bị quấy rối tình dục. Công chúng luôn mong muốn nạn nhân lên tiếng một cách rõ ràng, dứt khoát nhưng những áp lực đa chiều cùng với thái độ chối bỏ trách nhiệm của kẻ xâm hại khiến nạn nhân sợ phải trải qua sang chấn tâm lý lần hai, không chỉ từ trải nghiệm bị quấy rối bởi một cá nhân mà bởi sự nghi ngờ, đánh giá của cả một tập thể.
Chúng ta có cách hiểu khác nhau về “quý mến, quan tâm" nhưng tôi tin rằng sẽ luôn có một ranh giới nhất định giữa sự quan tâm giữa đồng nghiệp với nhau, giữa sếp-nhân viên và quấy rối tình dục. Vượt qua những giới hạn đó đồng nghĩa với việc câu chuyện đã chuyển sang một sắc thái khác.
Điểm mấu chốt trong việc thiết lập lằn ranh giữa sự quan tâm và hành vi quấy rối tình dục là sự đồng thuận. Hành vi được cho là mang tính quấy rối tình dục là những hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần (cả hành động và lời nói, đặc biệt những hành vi đụng chạm thân thể, gắn với những bộ phận riêng tư trên cơ thể) gây khó chịu cho người tiếp nhận và thường không có sự đồng thuận.
Ôm một người đồng nghiệp nữ là hành vi được chấp nhận nếu họ cho phép. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng bạn được ôm trong một khoảng thời gian quá lâu.
Thân thiện là một thái độ được chấp nhận, miễn là bạn không đi quá những giới hạn của thân thiện, ví dụ như đụng chạm cơ thể người đối phương.
Đưa ra những lời khen được chấp nhận, miễn là bạn hạn chế tán tỉnh hay đưa những lời khen về ngoại hình hay ngầm ý ám chỉ tới vấn đề tình dục.
Ranh giới giữa quấy rối tình dục và thân thiện mong manh đôi khi vì chúng ta cố gắng bẻ cong những khái niệm, cố tình lờ đi con sói giữa bầy cừu bằng những câu hỏi, “ôm bao lâu là lâu?”, “động chạm vào phần nào trên cơ thể là quấy rối”. Chúng ta sẽ rất khó để định lượng cho những câu hỏi trên một cách máy móc nhưng một điều quan trọng nên được nhấn mạnh: Ranh giới của sự thân thiện và quấy rối tình dục không nằm ở định nghĩa trong đầu kẻ quấy rối mà nằm ở thái độ và sự đồng thuận của nạn nhân. Nếu nạn nhân không thoải mái với những hành động đó và không đưa ra sự đồng thuận, bạn hãy dừng lại trước khi mọi việc đi quá xa, dù bạn có biện minh rằng “ôm 10s đâu có lâu". Nếu đã được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục thực hiện ở những lần sau, bạn hoàn toàn đã có một ý niệm rõ ràng về quấy rối tình dục nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Một điều khó hơn trong ranh giới giữa sự thân thiện và quấy rối tình dục nằm ở việc mất cân bằng quyền lực giữa kẻ quấy rối và nạn nhân. Trong nhiều vụ việc, kẻ quấy rối là quản lý, là sếp trực tiếp. Công khai hay tố cáo kẻ quấy rối không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần, cảm xúc mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống vật chất của nạn nhân. Chênh lệnh về mặt quyền lực này đôi khi xoá mờ phần nào ý nghĩa của việc “đồng thuận". Trong những trường hợp như vậy, đồng thuận sẽ không được coi là hợp lý khi nạn nhân chịu những áp lực, cưỡng chế, đe doạ dưới nhiều hình thức (vô hình hay hữu hình) và kể cả kẻ xâm hại có nói rằng “cô ấy không phản ứng khi tôi làm vậy", lý giải trên cũng không được chấp nhận.
Có một câu nói của tác giả Amanda Montell khi nói về việc những hành vi nào nam giới không nên làm với phụ nữ. Cô nói rằng: “Tưởng tượng bạn ở trong tù và một tù nhân nam khác làm điều tương tự với bạn. Nếu bạn thấy sợ hay không thoải mái với những điều đó, phụ nữ cũng thấy tương tự".
Anh Nguyễn Nhật Anh trong vụ việc Nhã Nam khi xin lỗi lần đầu tiên vẫn khẳng định, các hành động của mình “không vượt quá giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể". Tuy nhiên cũng tương tự như lằn ranh của sự thân thiện, anh Nhật Anh không thể tự quyết như nào là “giới hạn đạo đức giữa con người với con người" một cách chủ quan. Tôi cũng tự hỏi bối cảnh nào là bối cảnh hợp lý cho việc “thân thiện quá mức"? Ngay cả các cặp vợ chồng trong một mối quan hệ chính thức, trong một không gian thân mật cũng không thể bỏ qua sự đồng thuận. Đã có không ít trường hợp vợ kiện chồng vì quấy rối tình dục khi người vợ không đồng ý quan hệ.
Ở một bối cảnh cụ thể như quan hệ vợ chồng vẫn xảy ra vấn đề quấy rối tình dục. Nói vậy để thấy, môi trường công sở làm gì có vùng xám hay bối cảnh cụ thể nào cho việc thiếu đồng thuận?
Một câu bông đùa có thể vô nghĩa nhưng một lời cáo buộc quấy rối tình dục sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho cả nạn nhân lẫn người bị tố cáo. Dù cố tình vượt qua lằn ranh hay vô ý, đó cũng là lỗi của kẻ quấy rối. Hoặc là thiếu đạo đức, hoặc là thiếu hiểu biết. Xã hội không dung thứ cho cả hai điều trên.
Quấy rối tình dục nơi công sở và chuyện "chỉ trêu vui thôi mà!": Có ai nghĩ cho nạn nhân không?
Có bao nhiêu nữ nhân viên, sinh viên thực tập... dám đứng lên tố cáo hành vi quấy rối tình dục nơi công sở?