Với dân công sở mà nói, hai tiếng "ting ting" ngày cuối tháng chính là âm thanh thổi bùng lên niềm vui sống lẫn cả động lực làm việc. Dễ hiểu thôi, phần lớn chúng ta đều đang đi làm để kiếm sống, đam mê có mãnh liệt đến mấy mà tiền lương hẩm hiu, thì cũng chẳng khác nào một gáo nước lạnh tạt vào ngọn lửa đang cháy phừng phực.
Ngày hôm nay, vẫn là âm thanh ấy kéo chúng ta thoát khỏi cơn ngái ngủ sau giờ nghỉ trưa, nhưng con số hiện trên màn hình điện thoại lại có gì đó lạ lắm…
Nhận lương tháng 2: Người hụt hẫng, kẻ cười tươi, tất cả chỉ vì hai tiếng "thưởng Tết"
T. Hương (29 tuổi) hiện đang là một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết: "Kỳ lương tháng 2 của mình so với những tháng trước cũng bị giảm một khoản kha khá. Đương nhiên mình cũng có rơi nhẹ vào trầm tư một chút nhưng cũng không có gì bất ngờ. Từ trước Tết, mình đã dự trù được việc này rồi nên cũng chủ động sắm Tết tiết kiệm và hạn chế bớt một số khoản chi như ăn uống, đi cà phê hoặc mua sắm linh tinh để bù vào khoản tiền lương bị trừ của tháng 2".
T. Hương |
Chung cảnh ngộ với T. Hương là Vân Loan (33 tuổi), cũng đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, Vân Loan ngậm ngùi: "Lương tháng 2 của mình bị trừ một khoản cũng hơi "đẫm" so với những tháng trước. Bản thân mình cũng lường trước được việc kỳ lương sau Tết sẽ bị truy thu thuế rồi nhưng vẫn hơi shock, vì con số bị trừ lớn hơn mình dự tính".
Vân Loan và nỗi lòng của cô ấy... |
Cả Thanh Hương và Vân Loan đều đã có hơn 5 năm kinh nghiệm đi làm, đồng nghĩa với việc họ cũng không quá "gà mờ" trong việc lương, thưởng của mình bị tính thuế, nhưng Thu Trang (24 tuổi) thì khác.
"Tết năm nay là cái tết đầu tiên em có thưởng Tết vì em mới đi làm được hơn 1 năm. Thực ra tiền thưởng Tết của em cũng không nhiều nhưng lương tháng 2 của em giảm cũng… khá lắm. Em nhận lương mà em còn phải dụi mắt xem mình có nhìn nhầm không luôn ấy" - Thu Trang chia sẻ.
Ở một diễn biến khác, khi liên hệ với Thành Trung (26 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM để hỏi về tình trạng lương tháng 2 so với những tháng trước, chúng tôi nhận được một câu hỏi ngược lại, đại ý: "Tháng nào cũng thế thôi mà, có gì mới đâu mà hỏi bạn ơi?".
Sở dĩ, kỳ lương sau Tết của Thành Trung không có biến động so với những tháng khác vì cậu bạn không có lương tháng 13 hay thưởng Tết.
"Gọi là không có thì cũng không đúng, nhưng mà không đáng kể vì công ty mình đang làm quy mô nhỏ, có 10 người thôi. Mỗi người được thưởng Tết chưa đến 1 triệu, gọi là tiền lì xì năm mới thì đúng hơn. Khoản lì xì này được sếp trực tiếp đưa cho từng người chứ không cộng gộp vào lương chuyển khoản" - Thành Trung giải thích.
Vì sao thưởng Tết càng to, lương tháng 2 càng nhỏ?
Đáp án gói gọn trong một câu: Truy thuế thu nhập cá nhân!
Nếu bạn chưa biết: Thuế TNCN là thuế trực thu, được tính căn cứ dựa trên thu nhập của người nộp thuế khi đã trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan.
Hiện nay, người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/ năm) mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp người lao động có một người phụ thuộc, mức lương phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Trường hợp có hai người phụ thuộc tương đương mức lương trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Ảnh minh họa |
Theo Luật, tiền thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thế. Người lao động có nghĩa vụ đóng thuế TNCN cho khoản tiền thưởng này theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể như sau:
- Dưới 5.000.000đ: Phải đóng thuế 5%.
- Từ 5.000.000đ - 10.000.000đ: Phải đóng thuế 10%.
- Từ 10.000.000đ - 18.000.000đ: Phải đóng thuế 15%.
- Từ 18.000.000đ - 32.000.000đ: Phải đóng thuế 20%.
- Từ 32.000.000đ - 52.000.000đ: Phải đóng thuế 25%.
- Từ 52.000.000đ - 80.000.000đ: Phải đóng thuế 30%.
- Trên 80.000.000đ: Phải đóng thuế 35%.
Như vậy tính ra, tiền lương tháng 2 mà chúng ta được nhận sẽ bị trừ 2 khoản thuế TNCN: Một khoản dựa theo lương tháng 2, một khoản truy thuế từ khoản tiền thưởng Tết.
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao lương tháng 2 của mình thấp hơn những tháng khác rồi chứ?
Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân. Các khoản thu từ thuế sẽ được sử dụng với mục đích phục vụ nhân dân, các công trình công cộng. Vì vậy, chúng ta cần phải nộp thuế để được hưởng những lợi ích từ ngân sách nhà nước.
“Thay đổi chiến thuật" mua vé máy bay về quê ăn Tết trong tình hình lương thưởng mông lung cuối năm
Không muốn đẩy bản thân vào tình thế gấp gáp, nhiều bạn trẻ, dân văn phòng đã quyết định mua vé máy bay từ trước Tết 2 tháng.