Tổng quan về bệnh rối loạn tiền đình
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên và có vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp khác của cơ thể. Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: dây thần kinh số VIII hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương, tổn thương ở khu vực tai trong, não …. Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng.
Biểu hiện điển hình của cơ thể khi mắc rối loạn tiền đình gồm: loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn… Những biểu hiện này xuất hiện đột ngột và lặp đi lặp lại nhiều lần gây khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh. Trước đây, rối loạn tiền đình được xem là bệnh lý thường gặp ở những người trên 40 tuổi, người càng cao tuổi càng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên gần đây, bệnh đang có xu hướng trẻ hoá, càng nhiều người trẻ mắc bệnh với tần suất tái phát nhiều lần trong năm.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở người trẻ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc tỷ lệ rối loạn tiền đình có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Trong đó, lối sống không lành mạnh và chế độ sinh hoạt chưa khoa học được xem là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiền đình ở giới trẻ.
Do tính chất công việc, áp lực cuộc sống,... mà nhiều bạn trẻ có lịch làm việc dày đặc, phải làm việc liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi. Công việc quá áp lực và thường xuyên, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, không vận động, thiếu ngủ… dẫn đến các stress, căng thẳng. Khi đó, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn hormone cortisol tác động tiêu cực đến quá trình truyền thông tin từ hệ thống tiền đình đến não, làm hệ thống tiền đình nhận thông tin không chính xác và dẫn đến rối loạn.
Tỷ lệ rối loạn tiền đình ngày càng gia tăng ở người trẻ, nhất là lao động trí óc |
Thực tế, rối loạn tiền đình nhẹ nếu được phát hiện sớm thường không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, nhất là những người trẻ có sức khỏe tốt và khả năng hồi phục nhanh. Nhưng không ít người trẻ lại có tâm lý chủ quan, không cho rằng bản thân mắc căn bệnh này dẫn đến phát hiện bệnh và điều trị chậm trễ.
Điều trị rối loạn tiền đình có khó không?
Rối loạn tiền đình xảy ra ngày càng phổ biến, việc điều trị bệnh thường không quá phức tạp nhưng nếu điều trị không đúng sẽ gây lãng phí, dẫn đến nhiều biến chứng và bệnh ngày càng nặng hơn. Một số phương pháp điều trị rối loạn tiền đình hiện nay gồm:
- Điều trị giảm triệu chứng: người bệnh mắc rối loạn tiền đình sẽ có cảm giác như bị chao đảo, quay cuồng, khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống, thậm chí có người không thể đứng lên được vì vậy điều trị giảm triệu chứng chóng mặt là vô cùng quan trọng.
Một số thuốc được sử dụng điều trị chóng mặt (như betahistine, flunarizine, cinnarizine, acetyl leucine,...), điều trị buồn nôn (như metoclopramide, domperidone, dimenhydrinate,...) hay thuốc an thần, thuốc hỗ trợ suy giảm chức năng tiền đình cũng thường được sử dụng trên thực hành lâm sàng.
- Nghiệm pháp tái định vị sỏi tai: được các bác sĩ chuyên môn thực hiện, các bác sĩ sẽ thao tác di chuyển đầu của người bệnh vào các tư thế nhất định nhằm “tái định vị” các tinh thể bị lạc chỗ trong tai, giúp giảm nhanh các triệu chứng trong đợt cấp của bệnh.
- Điều trị phẫu thuật: Khi điều trị thuốc và các phương pháp khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà các bác sĩ sẽ chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhằm phục hồi chức năng của tai trong.
Thời gian điều trị bệnh tuỳ thuộc vào mức độ bệnh, khả năng đáp ứng của người bệnh với các biện pháp điều trị. Người bệnh có thể phục hồi chỉ trong một hai ngày hoặc kéo dài vài tháng. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu rối loạn tiền đình, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân bệnh và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa bệnh hiệu quả
Rối loạn tiền đình là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến và tỉ lệ người mắc có xu hướng gia tăng. Bệnh gây nhiều khó chịu và giảm chất lượng, ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Bên cạnh việc nhận biết và điều trị sớm thì phòng ngừa bệnh từ sớm cũng là phương pháp hiệu quả giúp người bệnh bảo vệ sức khoẻ. Một số phương pháp ngừa rối loạn tiền đình hiệu quả bạn có thể áp dụng như:
- Hạn chế ngồi nhiều trong phòng lạnh, tránh ngồi lâu trước máy vi tính… Nếu bắt buộc phải làm việc trong điều kiện trên, bạn nên thư giãn khi phải ngồi lâu làm việc trong văn phòng bằng các bài tập cho vùng đầu, cổ gáy.
- Uống đủ nước thường xuyên (khoảng 2 lít nước mỗi ngày), tránh sử dụng chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá…
- Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp tăng cường lưu thông máu cho cơ thể đặc biệt là lượng máu đưa lên não, từ đó hạn chế rối loạn tiền đình
Thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học giúp cải thiện và phòng ngừa rối loạn tiền đình hiệu quả cho nhiều bạn trẻ |
- Cần chủ động giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô dễ bị chóng mặt. Lưu ý, với những người hay mắc rối loạn tiền đình, không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc khi đang bị choáng váng trong đợt cấp của bệnh.
Khi có những biểu hiện nghi ngờ rối loạn tiền đình như: chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững,... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt.
Một người giặt đồ, cả nhà ung thư? Bác sĩ cảnh báo 3 thói quen tai hại khi giặt đồ đầu độc sức khỏe
Giặt đồ không đúng cách cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, đầu độc cả gia đình.