Sạt lở nhấn chìm xã Trà Leng, nhiều đứa trẻ bỗng chốc thành mồ côi

Núi lở nhấn chìm làng mạc và cha mẹ bị vùi lấp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều em trở thành mồ côi.

Những đứa trẻ trở thành mồ côi sau vụ sạt lở ở Trà Leng

Sau 5 ngày xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vùi lập 11 căn nhà, cho đến nay trời vẫn đổ mưa nặng hạt. Cũng kể từ thời khắc đó, nhiều học trò M’Nông trên rẻo cao Ngọc Linh này lâm vào tình cảnh mồ côi.

Hồ Văn Trí, Hồ Văn Trung, Hồ Thị Điệp và Hồ Văn Đệ đều nằm trong độ tuổi đến trường, trong đó Hồ Văn trí đang học năm cuối đại học. Cả bốn anh em đã mất cha mẹ trong vụ sạt lở, bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi.

  Ba mẹ mất, bốn anh em Trí mang phận mồ côi.

Ba mẹ mất, bốn anh em Trí mang phận mồ côi.

Theo lời kể của Trí, sáng 29/10, khi đọc tin trên báo, cậu bàng hoàng khi biết hung tin cả làng mình bị đất đá vùi lấp. “Từ ngoài Huế, em chạy xe máy một mạch về quê. Tới đầu đường dẫn vô xã, xe không thể lưu thông do sạt lở nên em chạy bộ suốt một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chứng kiến nhà cửa của gia đình mình và bà con trong nóc chìm dưới đất đá, em như chết lặng”, Trí sụt sùi.

“Tuần trước về quê, em có nói với ba mẹ rằng chỉ còn vài tháng nữa thôi là em tốt nghiệp đại học. Ra trường, em sẽ cố gắng tìm công việc ổn định để kiếm tiền phụng dưỡng ba mẹ và lo cho 3 đứa em ăn học. Nào ngờ, chưa kịp báo ơn sinh thành, ba mẹ đã bỏ mấy anh em đi mãi”, Trí bộc bạch.

May mắn là người em của Trí đã nhanh chân tháo chạy lên đồi cao nên thoát chết. Hiện ngoài đứa em út đang học lớp 5, thì còn cậu em trai đang học cao đẳng nghề, cô em gái học lơp 11. "Chúng em sẽ nương tựa nhau mà sống dù biết rằng chặng đường sắp tới sẽ lắm gian nan”, Trí chia sẻ.

Hồ Văn Hải (lớp 10, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) dõi theo từng giây từng phút quá trình tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Hải có người thân bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở Trà Leng. “Trưa 30/10, sau khi di chuyển bằng xe máy đến đầu xã, em chạy bộ hơn 10 cây số để vào nóc. Đến nơi, em bủn rủn chân tay khi 11 ngôi nhà trong làng đã đổ sập. Em kêu gào trong tuyệt vọng vì người thân của mình không còn nữa”, Hải khóc nấc.

Cha mẹ, hai đứa em nhỏ, anh rể cùng 3 người chú, bác của Hải chết và mất tích. Một nỗi đau quá đỗi khủng khiếp đối với cậu học trò năm nay mới 16 tuổi.

Lê Thanh Tú - học sinh lớp 11, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My và là con trai ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - may mắn thoát chết trong vụ sạt lở. Tú còn nhớ rõ, sáng 28/10, ông Việt gọi điện dặn con trai ở yên trong trường nhưng sau cuộc điện thoại đó, trận sạt lở kinh hoàng đã kéo ông Việt mất tích.

Trong những ngày qua, Tú không đứng nổi một mình, liên tục dựa đầu vào thầy giáo. Nghe ai nhắc về ông Việt, Tú ôm chặt lấy thầy để nén nỗi đau. Thi thể của ông Hồ Văn Ton đã được người dân tìm thấy sau vụ sạt lở một ngày và được bà con chôn. Hải không được nhìn thấy cha nữa sau lần gặp ngày 25/10. Đó là cuối tuần, Hải về thăm nhà. Trước khi đi, ông Ton dặn Hải lo học hành, đừng ham chơi, mẹ Hải còn kịp gói cho con trai thêm bộ đồ ấm để mặc lúc chuyển mùa. 

Lê Thanh Tú gục đầu vào vai thầy Hồ Văn Việt khi nghe nhắc về cha - Ảnh: Đình Dũng
Lê Thanh Tú gục đầu vào vai thầy Hồ Văn Việt khi nghe nhắc về cha - Ảnh: Đình Dũng

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - cho hay trước mắt, ban giám hiệu và các giáo viên sẽ sát cánh, động viên những học sinh có cha mẹ, người thân mất trong trận sạt lở ở Trà Leng. Về tương lai, sở sẽ cùng địa phương tính toán để các em được nuôi dưỡng, chăm sóc, học hành chu đáo nhất. 

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết nóc Ông Đề là khu dân cư lâu đời nhất ở thôn 1, xã Trà Leng, được ông Hồ Văn Đề - 85 tuổi, cha vợ của Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - cắm mốc và dựng nhà từ hơn 40 năm trước. 

Trường học tan hoang, giáo viên đi vận động học sinh đến trường sau bão lũ

Đại đa số học sinh tại các xã Hướng Lập, Hướng Việt tỉnh Quảng Trị là người dân tộc thiểu số. Hiện nay vì bão lũ nên trường lớp tan hoang, các em nghỉ học dài ngày nên gia đình, thầy cô giáo, bộ đội biên phòng phải đến từng nhà vận động đi học. 

Thầy cô hiện sinh sống ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa phải chạy xe quay ngược về huyện Cam Lộ rồi theo đường Hồ Chí Minh ra địa phận tỉnh Quảng Bình, sau đó vượt qua nhiều đường đồi núi, bùn đất để vào. 

Bùn non ngập ngụa ở một điểm trường của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Thuận Hóa
Bùn non ngập ngụa ở một điểm trường của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa - cho biết: “Mưa từ thượng nguồn đổ về cộng với lũ quét khiến nhiều xã vẫn đang bị cô lập do đường bị chia cắt, nhiều trường bị bùn đất sạt lở vùi lấp lớp học”.

“Trong điều kiện bị cô lập, để chia sẻ khó khăn với giáo viên đang công tác tại xã Hướng Việt, Hướng Lập, nhiều hộ đồng bào thiểu số đã tự nguyện tiếp tế bắp, lúa rẫy, gạo cho các thầy cô giáo. Tất cả đều mong sớm đón học sinh trở lại trường” - ông Đức thông tin.  

Thanh Mai

Siêu bão Goni đổ bộ lần 3 vào Philippines, tiến vào Biển Đông trong đêm nay

Siêu bão Goni đổ bộ lần 3 vào Philippines, tiến vào Biển Đông trong đêm nay

Cơ quan khí tượng Philippines dự đoán bão Goni, cơn bão mạnh nhất trong năm nay, sẽ rời khỏi vùng đất liền Luzon và xuất hiện ở Biển Đông vào đêm nay.