Sau bão Noru gây mưa rất lớn, nhiều nơi đối phó lũ quét, sạt lở đất

Sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Từ trưa và chiều 28/9, bãi Noru không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.

Đêm 27 và sáng 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.

Dự báo hôm nay, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 80 mm. Từ ngày mai, mưa giảm ở các tỉnh tâm bão đi qua.

Tuy nhiên, do tác động của hoàn lưu bão Noru, sau đó là các điều kiện gây mưa khác như không khí lạnh, nhiễu động gió Đông trên cao, dải hội tụ nhiệt đới nên hôm nay mưa mở rộng ra Bắc Trung Bộ và ven biển, đồng bằng Bắc Bộ. 

Dự báo, trong hai ngày (28-29/9), khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Sau bão Noru gây mưa rất lớn, nhiều nơi đối phó lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1.

Nước sông dâng nhanh sau bão Noru, TP Hội An chìm trong biển nước. Ảnh: Zing

Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình hôm nay và ngày mai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm. Hà Nội trong hai ngày 28-29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.

Riêng các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam bộ, ngày và đêm nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 70 mm, thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối, theo TPO.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, từ nay (28/9) đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5 m, hạ lưu từ 2-3 m.

Dự báo đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức BĐ1-BĐ2. Các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1, hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum.

Dự báo từ nay đến hết năm 2022: Trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 2 đến 4 cơn. Do ảnh hưởng của La Nina nên năm nay nguy cơ xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Có khả năng tháng 1/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

(Tổng hợp)

AN LY