Những sự bất ngờ, những chuyến phiêu lưu dường như luôn mang lại cho cuộc sống những cung bậc cảm xúc thăng hoa đầy hấp dẫn. Nhưng sẽ thế nào nếu cuộc sống chỉ luôn đầy những gam màu nóng và những sự cuồng nhiệt thú vị?
Thực tế không phải lúc nào cũng thế! Có rất nhiều khi chúng ta buộc phải đối diện với sự buồn chán, những điều tẻ nhạt lặp đi lặp lại.
Và những điều tẻ nhạt ấy có thực sự đáng sợ không? Điều gì diễn ra trong đầu ta khi ta “không nghĩ gì”?
Bài viết này sẽ nói một chút về những điều tẻ nhạt như thế!
Sự buồn chán của chạy bộ
“Anh nghiện cảm giác đầu óc trống rỗng khi chạy bộ”
Tôi nói với bạn gái mình như vậy khi cô thắc mắc tại sao tôi có thể làm công việc đó hàng ngày một cách cần mẫn như vậy, bất chấp thời tiết, bất chấp cảm xúc, (đôi khi) bất chấp cả trạng thái cơ thể.
Tôi chạy bộ mỗi ngày. Đôi khi tôi cảm thấy rằng, chạy bộ là bộ môn buồn chán nhất thế giới. Chúng ta sẽ lặp đi lặp lại việc bước chân trái lên trước, rồi đến chân phải. Tay vung ngược chân, hít bằng mũi, thở bằng miệng. Vỏn vẹn có vậy, lặp đi lặp lại, hàng giờ đồng hồ.
Ảnh minh họa: internet. |
Chạy bộ không khó, điều khó là ta “dọn dẹp” được “ngại ngùng” ban đầu để đến với nó, để vượt qua sự nhàm chán vốn có của bộ môn thể thao này.
Thú thật rằng, ngay từ đầu, ngồi trong nhà, nghĩ đến xách giày ra đường chạy đã thấy chán nản rồi. Chạy được 15, 20 phút, sự buồn chán bắt đầu nhen nhóm. Đầu tôi bắt đầu nghĩ ra đủ thứ tôi có thể làm, trừ chạy bộ.
Điều buồn cười là, sau kilomet thứ 5, mọi thứ vẫn vậy nhưng sự nhàm chán lại biến mất. Không còn những suy nghĩ vẩn vơ, tôi chỉ nhận thức được hai thứ: hơi thở của mình, và đường chạy phía trước.
Một nghiên cứu của Đại học Y John Hopkins (Mỹ) đã chỉ ra rằng. Khi bắt đầu chạy, cơ thể trải qua một sự thay đổi. Ban đầu, hơi thở nặng nhọc, nhịp tim tăng cao. Nhưng sau khi quen với việc đó, cơ thể sẽ tiết ra hooc-môn endorphin. Endorphin tiết ra làm giảm đau cơ bắp, khiến cơ thể dễ chịu hơn, thăng hoa. Endorphin được mệnh danh là “hooc-môn hạnh phúc”.
Kỳ lạ thay, hooc-môn hạnh phúc lại chỉ sinh ra nhờ sự nhàm chán!
Sau 5 năm chính thức tham gia bộ môn chạy, tôi khẳng định, chạy bộ quả thực gây nghiện!
Những quán café quen
Tôi luôn ngồi ở Oriberry, 8h sáng mỗi ngày, luôn gọi Americano đá bất kể mùa đông hay mùa hè. Đều đặn mỗi ngày, dù nắng hay mưa, tôi vẫn luôn ngồi đó. Làm việc, đọc sách, trò chuyện, nghỉ ngơi, số ngày tôi không ở đó đếm trên đầu ngón tay.
Thói quen này đã kéo dài 4 năm. Nhiều người có thể cho rằng việc đó quá sức nhàm chán. Nhưng nhàm chán thì sao?
Ảnh minh họa: internet. |
Không biết đó có phải một đặc tính về giới hay không, nhưng tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, có nhiều người đàn ông luôn có vô cùng ít những lựa chọn cho điểm đến café mỗi ngày của mình. Họ sẽ lặp đi lặp lại một vài địa chỉ quen thuộc, những thứ đồ uống mà phục vụ chỉ cần nhìn thấy bạn sẽ biết cần chuẩn bị gì. Với chúng tôi, việc lựa chọn thực sự quá ư phiền phức.
Chúng tôi ổn với những điều nhàm chán đó. Sự “lười biếng” trong việc thử nghiệm một chốn café mới lạ nào đó khác trong thành phố có lẽ cho tôi (hay chúng tôi?) những khoái cảm kì lạ. Một chút tiết kiệm thời gian, một chút quen thuộc, một chút yên tâm đôi khi là một góc nhìn khác của sự nhàm chán, bạn cứ thử mà xem!
Trống rỗng - nhu cầu cần thiết?
Trong bộ phim "Forrest Gump", chàng trai với chỉ số IQ “đâu quãng 70” ấy, bằng sự đơn giản và trống rỗng, đã làm nên những kì tích kì diệu. Vượt qua bạo lực học đường, trở thành siêu sao bóng bầu dục, trở nên giàu có, nổi tiếng, chạy bộ vòng quanh thế giới chỉ với một câu nói: “Tôi thích thì tôi chạy thôi”. Tất cả những thành tựu đó đều đạt được khi đầu óc của Forrest hoàn - toàn - trống - rỗng.
Tôi không khuyên bạn sống một cách ngu ngốc và vô cảm, nhưng tôi khuyên bạn hãy trống rỗng một cách có chủ đích.
Tôi có một cuốn sổ tay. Thật ra là tới tận 3 cuốn. Mỗi khi nghĩ ra điều gì đó thú vị, tôi bèn ghi vào sổ rồi ném qua một bên. Tôi không có nhu cầu xử lý thông tin đó ngay lập tức. Tôi tạm quên những điều bắt gặp và tập trung cho những điều trước mắt. Tôi tiếp tục hoàn thành buổi chạy của mình. Tôi tiếp tục thưởng thức ly cà phê ngon. Tôi tiếp tục làm việc 45 phút rồi lại nghỉ giải lao 10 phút.
Poster bộ phim "Forrest Gump" (Ảnh: internet). |
Trong cuốn sách "Out of My Skull: The Psychology of Boredom" (tạm dịch: "Tâm lý về sự nhàm chán") của hai tác giả (đồng thời là giáo sư tâm lý học) James Danckert và John D. Eastwood đã chỉ ra rằng: Thường khi chúng ta thấy nhàm chán, chúng ta ở trạng thái bị động, chúng ta có xu hướng tìm đến sự kích thích từ môi trường xung quanh. Chúng ta lướt mạng xã hội, xem tivi hoặc làm những việc chúng ta biết là không tốt nhưng không thể bỏ được. Chúng ta làm mọi thứ chỉ để xua đi sự nhàm chán và khiến cơ thể tiết ra chút adrenalin, khiến chúng ta thấy phấn khích. Đây chính là khởi nguồn cho nhiều hành vi tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của nhiều người.
Nhưng những nỗ lực đó hầu hết đều chỉ khiến nỗi buồn chán tăng lên, chứ không mất đi. Giải pháp, kỳ lạ thay, lại là đi sâu hơn vào sự nhàm chán, chứ không phải cố gắng thoát ra.
Sandi Mann, giảng viên tâm lý học và là tác giả của cuốn sách "The Upside of Downtime: Why Boredom is Good" (tạm dịch: "Mặt tích cực của sự rảnh rỗi: Tại sao nhàm chán lại tốt?") thì cho rằng: Để thực sự đi sâu vào sự nhàm chán, chúng ta nên lựa chọn một hoạt động mà không cần suy nghĩ quá nhiều và để đầu óc được trống rỗng - như đi bộ, bơi, chạy bộ, hoặc thậm chí ngồi nghỉ ngơi và nhắm mắt lại.
Sau khi để đầu óc được trống rỗng, chính là lúc não bộ tìm kiếm các hoạt động thực sự sáng tạo, có ý nghĩa và vô cùng năng suất.
Chính sự nhàm chán là nhiên liệu để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cứ như thế mãi. Tập trung vào những điều quan trọng trước mắt, giảm bớt suy diễn và phức tạp hóa vấn đề.
Cuộc sống sẽ luôn lộn xộn và mãi phức tạp. Lựa chọn tập trung thưởng thức những điều nhàm chán của mình, biết đâu đấy lại là liều thuốc cần thiết cho mỗi chúng ta?!
Thương!
Thương không có chỗ cho giận hờn và trách móc, hay những toan tính so đo, chỉ còn sự yêu thích chở che, được nhìn thấy người mình thương hạnh phúc.