Tạo 'lá chắn' an toàn cho trẻ em trước thềm năm học mới

Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ tại TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 50%, nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp, các chuyên gia lo ngại nguy cơ số ca mắc ở trẻ em sẽ gia tăng thời gian tới, nhất là khi năm học mới đã cận kề.

Còn tâm lý e dè với vaccine

Mặc dù đã nhiều lần được giáo viên chủ nhiệm nhắn tin mời đưa con đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng chị Lê Ngọc Xuân Anh (ngụ Quận 8, TP Hồ Chí Minh) vẫn không đăng ký.

Theo chị Xuân Anh, con gái chị đã từng mắc COVID-19 và triệu chứng chỉ như cảm cúm nên không cần thiết phải tiêm vaccine. Tương tự, anh Đoàn Thành Chân (ngụ thành phố Thủ Đức) cũng quyết định không đăng ký tiêm vaccine phòng cho con gái chuẩn bị lên lớp 5 với lý do lo ngại về ảnh hưởng của vaccine lên sự phát triển của trẻ.

Tạo 'lá chắn' an toàn cho trẻ em trước thềm năm học mới

E dè, lo ngại là tâm lý chung của nhiều phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua tương đối thấp. Thực tế, nhiều lớp học chỉ có khoảng từ 10-15 học sinh đăng ký tiêm vaccine mũi cơ bản. Số học sinh đăng ký tiêm mũi 3 càng ít.

Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đối với 609 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho thấy, có 133/609 trẻ chưa được tiêm vaccine, chiếm 21,8%. Bên cạnh tâm lý lo lắng, không yên tâm của phụ huynh, công tác truyền thông của một số trường chưa tốt khiến phụ huynh không nhận được thông tin tổ chức tiêm chủng cho trẻ.  

“Tại TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây số ca mắc mới và số ca nặng đang có xu hướng tăng, kể cả trẻ em. Trong đó, hầu hết trẻ nhập viện do mắc COVID-19 vẫn chưa được tiêm vaccine”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lo ngại.

Đơn cử như, Khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 những ngày gần đây ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhi mắc COVID-19. Nếu trong tháng 7/2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị cho 22 ca COVID-19, hiện nay mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca mắc, trong đó, có 3-4 ca phải nhập viện.

Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Khoa Điều trị COVID-19 cho biết, đa số trẻ mắc COVID-19 nhập viện có triệu chứng như ho, sốt cao, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa… Do khả năng miễn dịch của trẻ em tốt, việc mắc COVID-19 thường không bị chuyển nặng. Đáng ngại nhất là những trẻ có bệnh lý nền như béo phì, tim, bệnh đường hô hấp…

Cần tạo miễn dịch bảo vệ trẻ em trước thềm năm học mới

Trước những tin đồn về vaccine COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ nhỏ, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, những tin đồn về ảnh hưởng của vaccine như giảm trí nhớ, rụng tóc, teo cơ, vô sinh… hoàn toàn không có căn cứ. Đến nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, vaccine phòng COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, sương mù não, rụng tóc… Trong khi đó, nhiều bằng chứng chỉ ra đây là những biến chứng thường gặp đối với người đã từng mắc COVID-19.

Với riêng trẻ em, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cho rằng, nếu không tiêm vaccine, trẻ nhỏ có khả năng bị lây nhiễm nhiều. Trong đó, những trẻ cơ địa bẩm sinh, bệnh nền, béo phì, suy giảm miễn dịch nguy cơ tiến triển nặng gây suy hô hấp, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết, viêm đa cơ quan… điều trị tốn kém, có thể có nguy cơ tử vong.

“Nếu chúng ta tin vào tin đồn và không tiêm vaccine, con em chúng ta có nguy cơ mắc COVID-19. Trước mắt, trẻ bị gián đoạn việc học, sau đó có thể đối mặt nguy cơ các biến chứng hậu COVID-19 hoặc nguy hiểm hơn là tử vong”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cảnh báo.  

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, phụ trách Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, mặc dù vaccine phòng COVID-19 dạng mRNA mới ra đời chưa đầy 2 năm nhưng công nghệ vaccine dựa trên mRNA đã được nghiên cứu cách đây nhiều thập niên. Đến nay, hoàn toàn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy vaccine theo công nghệ mRNA làm thay đổi cấu trúc DNA hoặc ảnh hưởng lâu dài đến người được tiêm. Bên cạnh đó, nguy cơ bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tiêm sau tiêm vaccine là rất thấp, thấp hơn nhiều so với viêm cơ tim hoặc biến chứng khác do bệnh COVID-19 gây ra.

Theo các bác sĩ, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc 3 lần, giảm nguy cơ biến chứng nặng 5 lần và giảm nguy cơ tử vong lên đến 15 lần so với không tiêm phòng. Như vậy, đến hiện, các dữ liệu khoa học đều cho thấy, việc tiêm vaccine cho trẻ em là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa biến chứng nặng và tử vong liên quan đến COVID-19, trong khi đó, nguy cơ từ vaccine là không đáng kể.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong bối cảnh thế giới thích ứng với đại dịch, việc trẻ đi học, vui chơi, đi du lịch, tham gia hoạt động tập thể là không thể tránh khỏi, do đó nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Chính vì thế, phụ huynh cần tiêm ngay vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.

Nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên đối tượng trẻ em trước thềm năm học mới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông về sự cần thiết của tiêm vaccine phòng đến từng phụ huynh. Cùng với đó là tăng khả năng tiếp cận với vaccine bằng cách tổ chức thêm nhiều điểm tiêm tại trường học, cộng đồng, cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa con em mình đi tiêm chủng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vaccine phòng COVID-19 vì các em còn đang nghỉ hè, có thể nghỉ ngơi vài ngày sau tiêm, không bị gián đoạn việc học tập. Đặc biệt, việc tạo miễn dịch cho trẻ trước khi bước vào năm học mới khi số lượng trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng là rất cần thiết.

Đinh Hằng (TTXVN)