Tập đoàn dược phẩm Vimedimex dưới thời bà Nguyễn Thị Loan

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của VMD, bà Loan đã rất nhạy bén dùng VMD làm đòn bẩy để từ đó phát triển Tập đoàn dược phẩm Vimedimex.

Trước khi bà Nguyễn Thị Loan bị khởi tố, bắt tạm giam, tập đoàn dược phẩm Vimedimex có hàng loạt dự án bất động sản đình đám, đi kèm đó là giá trị cổ phiếu tăng chóng mặt.

Khoảng 2010 - 2013, thị trường bất động sản dần ấm lên, thương hiệu Vimefulland được thị trường đón nhận là đơn vị phát triển bất động sản mới nổi, có tập đoàn dược phẩm Vimedimex là công ty mẹ chống lưng. Năm 2014, Vimefulland đã khiến nhiều người phải kiêng dè. 

Dự án đầu tay của bà Nguyễn Thị Loan trong kinh doanh bất động sản với thương hiệu Vimefulland là dự án shophouse Belleville Hà Nội, ra mắt thị trường vào năm 2016. Đây là dự án khu nhà phố thương mại được xây dựng trên lô đất B4, KĐT Nam Trung Yên, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Dự án có quy mô 66 lô, chia làm 1 khu liền kề và 3 khu nhà shophouse với diện tích khoảng khoảng 120 - 270 m2/căn.

Bà Nguyễn Thị Loan khi làm Chủ tịch Vimedimex.
Bà Nguyễn Thị Loan khi làm Chủ tịch Vimedimex.

Dự án lớn thứ 2 giữa trung tâm Hà Nội do Vimefulland phát triển là The Eden Rose ở H.Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 4/2016, UBND TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt chi tiết dự án The Eden Rose tỉ lệ 1/500, thể hiện các căn biệt thự, liền kề cao 3 tầng.

Ngoài ra, còn một số dự án khác như: Dự án chung cư Bel Air Hà Nội tại Q.Nam Từ Liêm với diện tích 2,5 ha, chào bán ra thị trường vào giữa năm 2017 với 5 toà chung cư cao từ 25 - 29 tầng; Dự án Annecy Garden Q.Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích hơn 1,6 ha ra mắt thị trường từ 2018 gồm 1 toà nhà cao 30 tầng; Dự án The Grand Sevilla tại Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội với diện tích 54 ha gồm có chung cư, liền kề, biệt thư và shophouse cùng với hạ tầng có hồ nước, trường học;...

Sự phát triển rầm rộ với hàng chục dự án bất động sản ở Hà Nội của thương hiệu Vimefulland dưới tay Nguyễn Thị Loan khiến nhiều người trầm trồ. Đến nay, ngay cả khi bà Loan đã bị bắt nhiều người vẫn chưa thể hiểu được lý do đơn vị này lớn mạnh như vậy.

Vimedimex được thành lập từ năm 1984, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp này được cổ phần hoá năm 2006. Cổ đông lớn của công ty hiện là Công ty CP Dược phẩm Vimedimex 2 năm 45,34%; Trần Đình Huynh nắm 7 triệu cổ phiếu tương ứng 45,34%; Lê Xuân Tùng (con của bà Nguyễn Thị Loan) nắm 7,39% vốn của doanh nghiệp.

Từ tháng 4/2009 đến nay, bà Loan lần lượt giữ ghế Phó chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT VMD (2012). Trước khi bị bắt, bà Loan đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT VMD nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Bà Loan cũng là Chủ tịch của Vimedimex 2 - cổ đông đang sở hữu hơn 45% cổ phần tại VMD. Vimedimex 2 có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, bà còn là đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH - Trung tâm Phân phối dược phẩm Vimedimex; Công ty CP Quản lý Quỹ Quốc tế, Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình…

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của VMD, bà Loan dùng VMD làm đòn bẩy để từ đó phát triển Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) với hệ sinh thái bao gồm: tài chính, y dược và bất động sản. 

Gần đây, nữ đại gia kín tiếng nổi lên trong lĩnh vực y dược sau khi được cấp phép 30 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Vimedimex cho thấy, mặc dù lợi nhuận tăng liên tục trong các năm qua nhưng mức lãi trước thuế chỉ khoảng hơn 50 tỷ đồng/năm là rất thấp so với quy mô doanh thu hơn 18.000 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của Vimedimex giảm mạnh từ 12.800 tỷ xuống còn 9.800 tỷ đồng - chỉ bằng ½ so với kế hoạch năm. Tuy vậy, lãi trước thuế chỉ giảm nhẹ từ 40 tỷ xuống 38 tỷ đồng.

Cuối tháng 9, Vimedimex đã ký hợp đồng vay vốn với tổng hạn mức tín dụng là 98,25 triệu USD để thanh toán các chi phí nhập khẩu vaccine Hayat-Vax và Spunik-V phòng Covid-19. Dư nợ tại thời điểm 30/9 là 360 tỷ đồng.

Ngày 11/11, giá cổ phiếu của Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (mã VMD) tiếp tục giảm sàn, sau thông tin bà Nguyễn Thị Loan bị bắt do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Cổ phiếu này hiện đang có mức giá hơn 40.000 đồng/cổ phiếu, sau khi tụt từ gần 50.000 đồng/cổ phiếu.

Thanh Mai