Sáng 21/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về Phòng chống tác hại thuốc lá.
Hội nghị nhằm trang bị cho các phóng viên, biên tập viên các thông tin, kiến thức cần thiết để tuyên truyền hiệu quả về tác hại của thuốc lá, góp phần giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Ông cho biết, báo chí với ưu thế thông tin nhanh chóng, phổ biến rộng rãi, nội dung phong phú, hấp dẫn, có sức lan tỏa lớn, đã trở thành lực lượng chủ lực trong việc tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tuy nhiên, ông Hải cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tỷ lệ người sử dụng thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng trong 2 năm gần đây, đặc biệt là sự gia tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới ở thế hệ trẻ. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân.
"Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá ngày hôm nay" – ông Hồ Hồng Hải phát biểu.
Tăng thuế thuốc lá - giải pháp hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ tiêu thụ thuốc lá
Tại hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình sử dụng thuốc lá trong nước và quốc tế, đồng thời phân tích vai trò của công cụ thuế trong việc hạn chế sử dụng thuốc lá. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đánh giá chính sách giá và thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá.
ThS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế chia sẻ về giải pháp tăng thuế thuốc lá. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực. WHO ước tính giá một bao thuốc lá phổ biến ở Việt Nam chỉ khoảng 0.9 USD, gần thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Thậm chí, có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao. Điều này khiến thuốc lá dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, bao gồm cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Mặc dù Việt Nam đã có những điều chỉnh về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng tác động đến giá cả và tỉ lệ sử dụng là không đáng kể. Nguyên nhân là do mức tăng thuế suất thấp, cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế còn dài.
Khuyến nghị về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam
ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ về "Thuế thuốc lá ở Việt Nam: sự cần thiết tăng thuế, đánh giá các phương án thuế, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của WHO". Ảnh: Hoàng Toàn |
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, các chuyên gia bày tỏ sự đồng tình cao với khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế: cần áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, kết hợp thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối, đồng thời tăng thuế thuốc lá theo lộ trình đều đặn. Cụ thể, Bộ Y tế và WHO đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Các chuyên gia nhận định, phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ mang lại hiệu quả kép: vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa gia tăng nguồn thu ngân sách. Cụ thể, phương án này giúp giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ xuống dưới 36% và 1,0% vào năm 2030, đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, doanh thu thuế từ thuốc lá cũng sẽ tăng đáng kể, ước tính thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nguồn thu từ thuế TTĐB áp dụng cho ngành công nghiệp thuốc lá có thể sử dụng cho các chương trình phát triển bền vững: vì người nghèo, vì thế hệ trẻ, bình đẳng giới, môi trường...
Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải nhắc lại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ông kêu gọi sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc đẩy lùi tác hại của thuốc lá, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và tạo điều kiện tái đầu tư cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo, vì mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh và hạnh phúc.
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam:
- Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
- Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.
- Nghiên cứu mới đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Các chi phí bao gồm 16,4 nghìn tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra cũng phải kể đến 49 nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hàng năm.
Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
Đây là chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động.