Thanh long phải bán tháo vì Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu

Trong sáng nay 31/12, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa.

Sau khi có thông tin từ phía Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ ngày 29/12, nhiều doanh nghiệp (DN), chủ hàng đã yêu cầu tài xế quay đầu, đưa hàng về tiêu thụ nội địa.

Việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long trong gần một tháng khiến các DN xuất khẩu bị động. Theo các chủ DN, hộ đã phải đầu tư và hợp tác với nông dân để phát triển vùng trồng có mã số, cơ sở đóng gói cũng phải được phía Trung Quốc cấp phép chứ không phải cứ đưa hàng lên biên giới là bán được. 

Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Vinafruit cho biết, thông tin từ các đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc cho biết sau 4 tuần tạm ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, ngày 26/1/2022 là 25 tháng chạp nên có thể phía bạn cũng nghỉ Tết Nguyên đán luôn  Phải 2 tuần sau khi nghỉ Tết, phía Trung Quốc mới mở cửa trở lại nhưng việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này dự báo tiếp tục gặp khó trong quý 1-2022. 

Cửa khẩu tại Lạng Sơn đóng cửa
Cửa khẩu tại Lạng Sơn đóng cửa

Theo ông, Việt Nam nên chọn ra các sản phẩm chủ lực, có nguồn cung cấp quanh năm để tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm đưa các loại trái cây này vào sâu trong thị trường Trung Quốc qua các hợp đồng và xuất khẩu bằng đường biển.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An - cho biết địa phương này có gần 300 container thanh long ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, sản lượng thanh long từ nay đến Tết dự kiến còn khoảng 20.000 tấn. 

Trong khi đó, việc một số nhà kho, đơn vị thu mua đóng cửa, "hủy kèo" đang là tình trạng chung trước thông tin cửa khẩu Hữu Nghị không cho phép thông quan mặt hàng thanh long vì quy trình kiểm tra COVID-19. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho biết việc tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thanh long trong tình hình xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay đang là một bài toán nan giải của địa phương này. 

"Ngoài việc tiếp tục mở rộng, kêu gọi tiêu thụ nội địa ở nhiều khu vực như khu, cụm công nghiệp, mở rộng thêm nhiều đầu mối bán thanh long trong nước, chúng tôi cũng đang thăm dò tình hình vận chuyển xuất khẩu bằng đường thủy. 

Chúng tôi đã nhờ cảng quốc tế Long An hỗ trợ tìm những đơn vị có container lạnh, có thể hỗ trợ thêm giá vận chuyển để chia sẻ thêm cùng vùng thanh long Châu Thành" - ông Thanh nói.

Địa phương này cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế xem xét hướng dẫn quy trình kiểm soát dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế và đóng gói nông sản để có thể hướng dẫn cũng như chủ động quản lý từ trong nước, tránh ảnh hưởng đến công việc chung. Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ 50% chi phí sản xuất cho nông dân bị thiệt hại do không tiêu thụ được để có nguồn vốn tái sản xuất.

Thanh Mai