Thất nghiệp, khó khăn không của riêng ai

Trước cơn khủng hoảng của toàn xã hội, thay vì tạm dừng thì tiếp tục hoạt động, hoặc nỗ lực hơn bình thường sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn.

Thất nghiệp và khủng hoảng hậu Covid đã là một thực tế cần đối mặt. Vậy ta có thể làm gì để rút ngắn thời hạn của “nỗi đau thất nghiệp” và chuẩn bị tinh thần để quay lại mạnh mẽ hơn?

Thất nghiệp ngay trước ngõ

Nhìn lại tình hình thế giới những ngày đầu Covid, dễ thấy hầu như nước nào cũng có cái nhìn rất lạc quan: Covid chỉ như dịch cúm mùa! Covid không đáng sợ bằng MERS, không chết người nhiều bằng dịch cúm Tây Ban Nha! Nhưng đến giờ, sau hơn nửa năm kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, cả thế giới vẫn đang tê liệt.

Mọi người hạn chế ra khỏi nhà, các công sở, các khu dịch vụ đóng cửa, các chuyến đi bị hoãn lại, nhà nhà làm việc online. Một số ít nơi thì còn việc, còn lương, nơi nào có khó khăn thì còn việc, bị cắt giảm lương, nơi nào khủng hoảng thì mất luôn việc, cũng không có cả trợ cấp đuổi việc theo hợp đồng. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Vẫn hiểu là dịch bệnh bùng phát khiến các doanh nghiệp khốn đốn. Nhưng những nhu cầu thiết yếu của công nhân viên chức như ăn ở, sinh hoạt thì vẫn còn đó. Xã hội có thể ấn nút “tạm dừng”, nhưng con người không thể tạm dừng sống được.

Vậy là khủng hoảng thất nghiệp đứng ngay trước ngõ, chẳng mấy chốc sẽ bước vào nhà bạn, dù bạn có mở cửa mời vào, hoặc không.

Đằng sau khủng hoảng thất nghiệp

Các nhà tâm lý học (Eisenberg và Lazarsfeld 1938) và các nhà xã hội học (Jahoda et al. 1933) đã lập luận từ thời Đại khủng hoảng rằng, thất nghiệp làm tổn hại sức khỏe cảm xúc và làm suy yếu kết cấu xã hội. Các nhà tâm lý học rút ra mối liên hệ về mặt khái niệm giữa tình trạng thất nghiệp không tự nguyện và sức khỏe tâm thần theo nhiều cách như: phát triển tâm lý xã hội không hoàn chỉnh (Erikson 1959), cảm giác bất lực do thiếu kiểm soát (Seligman 1975) và không đạt được lợi ích của công việc (Chiến tranh 1987).

Nhà tâm lý học bản ngã Erik Erikson cho rằng, để phát triển tính cách và cảm xúc lành mạnh khi trưởng thành, người ta cần tin rằng họ đang tiến lên trên con đường làm giàu cho bản thân bằng cách đóng góp cho gia đình và cộng đồng của họ. Nếu không, lòng tự trọng bị tổn hại trong quá trình thất nghiệp sẽ dẫn đến sự lo lắng và nghi ngờ bản thân.

Nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman khẳng định, cảm giác bất lực sẽ nảy sinh khi một người tin rằng họ có ít ảnh hưởng đến các sự kiện quan trọng trong cuộc sống, như là đảm bảo có được công việc có ý nghĩa. Theo quan điểm của ông, sự bất lực kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.

Nhà tâm lý học xã hội Marie Jahoda thì cho rằng thất nghiệp là sự hủy hoại về mặt tâm lý, bởi vì nó tước đi cảm nhận về giá trị bản thân của một cá nhân. Dù bạn có chú tâm đến hay không, thì có việc làm đồng nghĩa với việc bạn có những ngày biết mình phải làm gì, có cộng đồng những người cùng chia sẻ những câu chuyện, tình trạng và quan điểm.

Trong tâm lý học, phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng diễn biến tâm lý trước các sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như thất nghiệp, có hình thức tiến triển qua các giai đoạn. Sốc là phản ứng đặc trưng cho giai đoạn đầu, trong đó cá nhân vẫn lạc quan và có vẻ vững chãi. Khi tình trạng không có việc làm duy trì lâu hơn, cá nhân trở nên bi quan, nhưng vẫn đối mặt với sự đau khổ một cách chủ động. Và cuối cùng là trở nên mệt mỏi, thích nghi một cách thụ động với trạng thái mới của mình.

Bởi vậy, những người thất nghiệp được dự báo sẽ có sức khỏe tinh thần kém hơn, do mức độ lo lắng, thất vọng, xa lánh xã hội và trầm cảm tăng cao. Hơn nữa, những cảm giác này dường như rõ rệt hơn khi người đó phải gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn, hoặc có ý thức về giá trị bản thân cao hơn (do được thúc đẩy bởi thành công trước đó trong học tập hay công việc). Vì vậy, những người có trình độ học vấn cao hoặc đang làm cha mẹ là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hậu quả cảm xúc suy nhược của tình trạng thất nghiệp.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Có thể nói đây là một vòng xoáy, khi mà việc thất nghiệp gây ra trầm uất, giảm sức khỏe, và ngược lại, chính sự trầm uất và sức khỏe yếu lại ngăn cản bạn tiếp tục làm việc.

Đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp

Thời điểm để nhìn lại và định hình tương lai

Việc lựa chọn ngành nghề và công việc phù hợp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhưng đi cùng khó khăn thì luôn có cơ hội. Nhân thách thức này, bạn có thể đặt cho mình một loạt câu hỏi để nhìn lại bản thân và định hướng tương lai: “Liệu công việc hiện tại có thật sự ổn định? Năng lực của bạn đang ở mức nào, công việc gần nhất đã cho bạn phát huy hết năng lực chưa? Bạn có đủ cố gắng để vực dậy và sống sót khi mọi thứ trở lại bình thường không?...” Nếu vòng xoáy cơm áo gạo tiền đã từng cuốn bạn đi quá nhanh, thì giờ là lúc để bạn tĩnh tâm và nhìn lại quãng thời gian đi làm của mình. Hiểu bản thân, hiểu bối cảnh xã hội và thị trường lao động sẽ cho bạn câu trả lời về việc lựa chọn những bước đi tiếp theo trong tương lai.

- Thời điểm để tiết kiệm và chuẩn bị phương án dự phòng

Nếu đã từng có lúc vô lo vô nghĩ, tự tin với khả năng kiếm tiền của bản thân nên xả láng tiêu xài, thì giờ đây, chính dịch bệnh sẽ cho bạn “nếm trải” áp lực tài chính và từ đó hiểu hơn về việc nên tiết kiệm và tạo cho riêng mình một “khoản phí dự phòng” hay “quỹ rủi ro”.

- Sắp xếp lại cuộc sống, thay đổi thói quen sinh hoạt

24 tiếng ở nhà mỗi ngày suốt thời gian qua là vô cùng quý báu để chúng ta chiêm nghiệm lại lịch sinh hoạt thường ngày xem có điều gì mình có thể làm tốt hơn để yêu và hoàn thiện bản thân hơn. Có thể là điều chỉnh thời gian sinh hoạt, dành ra vài chục phút tập yoga tại nhà, bớt ăn hàng quán hay tụ tập bạn bè để tiết kiệm nhiều hơn, học thêm vài khóa online khi rảnh rỗi,... dù bé nhưng tất cả những điều đó hoàn toàn có thể góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.

- Chia sẻ với bạn đời, người thân, con cái và bạn bè

Bạn không nên chịu đựng gánh nặng một mình. Sự chịu đựng, hy sinh sẽ không mang lại bất kì lợi ích nào cho bạn. Mặt khác, khép kín với người thân, bạn bè trong thời điểm khó khăn sẽ chỉ kéo giãn khoảng cách giữa hai bên, càng làm trầm trọng thêm những vấn đề tâm lý hậu thất nghiệp. Điều cần nhất lúc này đối với bạn là những người có thể lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu.

Đứng trước cơn khủng hoảng chung của toàn xã hội, ta cũng cần ý thức được đây là thời điểm khó khăn không của riêng ai. Thay vì tạm dừng, rơi vào trầm uất khi cả thế giới đều đang chững lại, thì tiếp tục hoạt động như bình thường, hoặc còn nỗ lực hơn bình thường tuy rất khó, nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn. Điều làm ta khác biệt chính là cách ta chọn thái độ sống, là cách nhìn nhận vấn đề và tìm ra hướng giải quyết trong thời gian tới. Cuối cùng là, hãy bình tâm và tự tin hơn để đối mặt với khó khăn phía trước.

Như Phương

Ai cũng có quyền kiêu hãnh

Ai cũng có quyền kiêu hãnh

Ai cũng mong muốn được “kiêu hãnh”, được người xung quanh tôn trọng bằng phán xét, khen thưởng, bằng những lễ nghi, luật lệ.