“Bài tập về nhà Tết” có lẽ là cụm từ không mấy thiện cảm đối với nhiều cô cậu học sinh. Đứng ở góc độ của thầy cô, việc cho bài tập cũng xuất phát từ nỗi lo các em quên kiến thức, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học sau dịp nghỉ lễ. Còn với học sinh, Tết là dịp được nghỉ ngơi sau kỳ thi học kỳ căng thẳng; được ngủ nướng chẳng lo muộn học; lại nhận lì xì từ thầy cô, ông bà cha mẹ... Vì vậy, tất nhiên không mấy em mong chờ phải vùi mình trong đống bài tập Tết.
Song, mới đây một tờ bài tập về nhà của học sinh chẳng giống những bài tập bình thường lại được ai nấy xuýt xoa vì quá hay ho, ý nghĩa. Theo đó, Thầy Lương Hải Đăng (giáo viên môn Ngữ văn, trường TH và THCS Victoria Thăng Long) đã đưa ra loạt yêu cầu cho các học sinh của mình thực hiện trong kỳ nghỉ Tết. Nhưng tất cả đó không phải là bài tập của một môn học Toán, Văn, Anh... nào mà vô cùng ý nghĩa, thiết thực cho trẻ nhỏ: Nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giúp bố mẹ dọn nhà, sắp xếp đồ đạc, trồng cây...
Những yêu cầu này được thầy Đăng gói gọn trong 1 bài thơ dễ đọc dễ nhớ, lời lẽ chân thành, thân thiện. Người thầy cũng không quên dặn dò các em đừng ham mê thiết bị điện tử. Bài về nhà đặc biệt của thầy Đăng được học sinh yêu thích và hưởng ứng. Nhiều em gửi những hình ảnh, video ghi lại hành trình "làm bài tập" của mình.
Thầy Đăng cho biết, như truyền thống mọi năm, thầy đều muốn dành cho học sinh những điều bất ngờ. Năm nay cũng không phải ngoại lệ. Giống như trong việc ăn uống, phải ăn đủ chất thì cơ thể mới khoẻ mạnh được. Các bạn nhỏ cũng vậy, bên cạnh việc học tập, bồi dưỡng tri thức các môn học, việc rèn luyện các kĩ năng mềm, giáo dục nhân cách cho các bạn ấy luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Và "Lần đầu tiên trái thanh long có trong BÀI TẬP TẾT" ra đời là vì thế.
Các bạn làm bài tập với tâm thế hăng say, thích thú. Thầy Đăng cảm nhận được điều đó thông qua những video, những hình ảnh, những trang viết của các con. Tôi may mắn khi không chỉ các bạn nhỏ mà cả các bậc phụ huynh cũng ủng hộ nhiệt tình dự án này. Bố mẹ chia sẻ với thầy những niềm vui khi các con chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa, chăm chỉ vào bếp, hăng hái giúp đỡ bố mẹ, ông bà,…Đối với người thầy, không còn gì vui hơn điều đó.
"Mong muốn của tôi là khi các con đã hoàn thiện bài tập này, các con sẽ có hứng thú để hoàn thành các "các bài tập" tiếp theo tương tự, nối tiếp. Tôi mong muốn sẽ thành thói quen, các con biết yêu thương qua từng hành động, việc làm của mình, hằng ngày. Nấu cho ông bà bố mẹ một bữa cơm thật ngon, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo,… sẽ là những công việc mang tới niềm vui thật sự cho các con và mọi người xung quanh.
Thay vì kết nối với thế giới ảo, nhập vai vào hành trình phiêu lưu tìm kiếm hạnh phúc trên phim ảnh, trong các trò chơi điện tử, các con là chính mình trong cuộc sống đời thường. Hạnh phúc không phải kiếm tìm đâu xa. Nó ở chính ngôi nhà, ở đó có những người thân yêu của mình. Biết chăm sóc bản thân, biết cách yêu thương những người xung quanh là con đường ngắn nhất để các con trở thành một công dân Số Một trong hiện tại và tương lai", thầy Đăng nói.
Thầy Lương Hải Đăng |
Trên thực tế, trong quá trình dạy học, thầy Đăng vẫn luôn sáng tạo ra nhiều hoạt động mới mẻ, không chỉ giúp các em nắm bài học mà còn kết nối tình cảm thầy trò, bạn bè, cha mẹ - con cái. Những tiết học "cộp mác" thầy Đăng không đi vào lối mòn "thầy nói, trò nghe" thụ động. Đó là những giờ học hấp dẫn, hiệu quả với vô vàn dự án, hóa trang, đóng vai, vẽ tranh,... giúp các em yêu thích môn Văn hơn và khơi gợi sự rung động bên trong mỗi con người.
Lời tâm sự chân thật của người mẹ: Tôi đã nuôi dạy con trai mình thành "đồ bỏ đi" nhưng không hề hối hận
Cuối cùng, trẻ sẽ chỉ phát triển thành những gì chúng có thể trở thành chứ không phải những gì cha mẹ mong muốn.