“Theo dấu chân Người”: Thêm một nguồn tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Truyện, ký “Theo dấu chân Người” của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú vừa được Hội Nhà văn Việt Nam ra mắt bạn đọc, là nguồn tư liệu quý về Bác Hồ.

Với rất nhiều tâm huyết, sự công phu và bền bỉ trong nhiều năm, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông) đã hoàn thành cuốn sách “Theo dấu chân Người” - viết về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài, do NXB Hội Nhà văn ấn hành và vừa được Hội Nhà văn Việt Nam ra mắt bạn đọc.

Ấn phẩm “Theo dấu chân Người” của GS-TS, nhà văn Trình Quang Phú đã được dày công thực hiện trong 28 năm. Ảnh: L.Q.V 
Ấn phẩm “Theo dấu chân Người” của GS-TS, nhà văn Trình Quang Phú đã được dày công thực hiện trong 28 năm. Ảnh: L.Q.V 

Cuốn sách dày gần 600 trang kể về hành trình 30 năm - từ chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ngày 5/6/1911 bôn ba tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941).

Đây cũng là sản phẩm thực hiện lời hứa của GS.TS Trình Quang Phú với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Tác giả - từng là một sĩ quan tình báo - đã đến những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, để sưu tập, ghi chép và đối chiếu, rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác những năm tháng ở nước ngoài. Theo đó, GS.TS Trình Quang Phú đã phải mất 28 năm để hoàn thành cuốn truyện, ký này.

Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách “Theo dấu chân Người”. Ảnh: L.Q.V 
Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách “Theo dấu chân Người”. Ảnh: L.Q.V 

Ông Trình Quang Phú kể: “Năm 1996, sau khi tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” in lần đầu ở NXB Văn học, tôi mang đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người mà tôi thường gọi một cách thân thương là "chú Tô". Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tôi “Viết về tuổi thơ của Bác ở làng Sen tới lúc Người ra đi tìm đường cứu nước thì cũng rất hay, nhưng cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó. Kho tư liệu đó nếu không tìm kiếm và viết sớm, thì sẽ bị mai một, sau này viết sẽ rất khó…”.

Lâu nay, đã có nhiều ấn phẩm viết về Bác Hồ, và ngay cả tác giả Trình Quang Phú cũng vậy. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết văn học về lịch sử đã khó, viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ càng rất khó. Bên cạnh đó, viết về Bác Hồ cần sự kính trọng bền bỉ và sự can đảm bền bỉ, và nhà văn Trình Quang Phú đã biến sự kính trọng thành hành động.

Thông qua cuốn sách “Theo dấu chân Người”, bạn đọc sẽ có cơ hội hiểu biết thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. GS Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: "Tôi đọc từng trang và có được điều mình mong muốn, có thể là những chi tiết nhỏ, có những chi tiết hư cấu, nhưng rất hợp lý, tạo được sự thích thú cho độc giả".

Vợ, chồng GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú cùng một số người bạn trong buổi lễ ra mắt sách. Ảnh: L.Q.V
Vợ, chồng GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú cùng một số người bạn trong buổi lễ ra mắt sách. Ảnh: L.Q.V

GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú quê ở Phú Yên, năm nay 84 tuổi, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông dành nhiều tình cảm kính trọng đối với Bác Hồ. Đến nay, nhà văn Trình Quang Phú có 6 tác phẩm viết về Bác Hồ, gồm: “Miền Nam trong trái tim Người”, “Người là niềm tin”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước” (tái bản 17 lần), “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” (tái bản 22 lần)  “Theo dấu chân Người”.

Tại buổi ra mắt sách “Theo dấu chân Người” của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, người có nhiều năm công tác cùng nhà văn Trình Quang Phú trong ngành an ninh), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Văn Chinh… đã đánh giá cao tính khoa học, cẩn trọng và tỉ mỉ của GS.TS Trình Quang Phú trong quá trình thực hiện cuốn sách.

Hy vọng rằng, ấn phẩm “Theo dấu chân Người” của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú sẽ là một nguồn thông tin, tư liệu bổ ích cho mọi bạn đọc, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Quang Vinh

Những công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp thế giới

Những công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp thế giới

Theo thống kê, đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm Hồ Chủ tịch đã có mặt tại khoảng hơn 20 nước trên thế giới.