Theo Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT Bộ Công an, Trung tá Vũ Anh Điệp, từ ngày 12/3, 5 tỉnh thành sẽ thí điểm về việc nộp phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ quốc gia (DVCQG) là: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận. Hiện nội dung này được người dân đồng tình và ủng hộ, kỳ vọng sẽ tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, lãnh đạo Bộ Công An về thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng DVCQG liên quan đến người dân và doanh nghiệp, Cục Cảnh sát đã cùng các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ tài chính nâng cấp, tích hợp chức năng thu tiền nộp phạt hành chính trong giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG.
Người dân có thể nộp tiền vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ mà không cần đến kho bạc hay ngân hàng, đồng thời đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ bị thu giữ trước đó sau khi xử phạt xong. Mục đích của phương thức này là phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, cơ quan thẩm quyền trong dịch vụ công. “Hy vọng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin", Trung tá Vũ Anh Điệp cho hay.
Vì đây là một phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin nên cần sự phối hợp giữa người nộp phạt và các cơ quan quản lý nhà nước như Công an, Kho bạc, Ngân hàng, đơn vị chuyển phát, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông… Đây là trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, cá nhân khi triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng người, từng đơn vị.
Hiện Cục cảnh sát giao thông đã tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử phạt hành chính giao thông đường bộ.
Cục cảnh sát giao thông cũng cùng với Kho bạc Nhà nước hoàn thiện các nội dung liên quan đến thủ tục biên lai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Hoàn thiện các bước kết nối việc xử phạt vi phạm hành chính từ Công an các địa phương đến Cục Cảnh sát giao thông và từ Cục Cảnh sát giao thông đến Cổng DVCQG, để thông qua đó người dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết phục vụ việc thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Như vậy, người vi phạm có thể tiết kiệm thời gian đi nộp phạt bằng việc kết nối internet và hoàn thành thủ tục nộp phạt bao gồm: truy cập vào Cổng DVCQG, vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khai báo thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.
Người dân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho cơ quan công an để nhận được thông báo nộp phạt, kiểm tra cẩn thận số tài khoản Ngân hàng và kiểm tra lại chứng từ nộp phạt.
Trước đó, Cục cảnh sát giao thông cũng đã nghiên cứu về rủi ro, khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải khi áp dụng cách nộp phạt này để sớm cải thiện. Đến quý III năm 2020, dịch vụ này sẽ được triển khai trong cả nước.
Từ ngày 12/3, Bộ Công an cũng triển khai cung cấp dịch vụ thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trực tuyến thông qua cổng dịch vụ quốc gia tại Hà Nội và TPHC. Sau thời gian thử nghiệm, Bộ Công an sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đến các tỉnh, thành phố còn lại.
Hai ngày cuối năm, 40 người chết vì tai nạn giao thông
Ngày 29-30 Tết Canh Tý, toàn quốc xảy ra 57 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm 40 người chết, 34 nạn nhân bị thương.