Thị trường nông sản không có nhiều đột phá trong phiên cuối tuần

Thị trường nông sản hôm nay 9/12 ghi nhận giá cà phê và cao su thế giới biến động trái chiều trong khi giá tiêu Indonesia giảm mạnh.

Thị trường cà phê thế giới biến động trái chiều

Giá cà phê trong nước hôm nay 9/12 dao động trong khoảng từ 40.000 – 40.900 đồng/kg. 

Cụ thể, tại Lâm Đồng giá mặt hàng này được thu mua trong khoãng 40.000 – 40.100 đồng/kg, Gia Lai: 40.700, Kon Tum, tỉnh Đắk Lắk: 40.800 đồng/kg, Đắk Nông: 40.900 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên hai sàn chính biến động trái chiều. Trong phiên phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London tăng nhẹ nhưng giá cà phê Arabica trên sàn New York quay đầu giảm.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn giao ngay tháng 01/2023 tăng 9 USD, lên mức 1.927 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 03/2023 tăng thêm 9 USD, giao dịch ở mức 1.877 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 03/2023 giảm 0,80 US cent, giao dịch ở mức 159,40 US cent/lb và kỳ hạn giao tháng 05/2023 giảm 0,70 US cent, xuống 160,20 US cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Thị trường nông sản 9/12: Giá cà phê, hồ tiêu giảm, cao su tăng giảm trái chiều - Ảnh 1.

Cà phê dự kiến sẽ giao dịch ở mức 155,38 USd/Lbs vào cuối quý này.

Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá. 

Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.425 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 7,2% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.309 USD/tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, với việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cà phê Việt Nam đã xuất khẩu sang EU với mức tăng trưởng cao, tăng trưởng 75,2%.

Để thúc đẩy xuất khẩu tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. 

Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Giá tiêu xuất khẩu của Indonesia giảm mạnh

Giá tiêu trong nước hôm nay 9/12 dao động quanh mốc 59.500 – 62.000 đồng/kg. 

Cụ thể, tại Gia Lai ở mức 59.500 đồng/kg, Bà Rịa Vũng Tàu: 62.000 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 60.500 đồng/kg, Đồng Nai, Bình Phước: 61.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 10 USD/tấn, xuống còn 3.805 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng giảm 10 USD/tấn, xuống còn 5.994 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia vẫn giữ ở mức 5.100 USD/tấn; hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này đang ở mức 7.300 USD/tấn.

Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 duy trì ổn định ở mức 2.625 USD/tấn.

Còn tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l duy trì ở mức 3.150 và 3.250 USD/tấn. Còn giá tiêu trắng nước ta vẫn neo ở mức 4.600 USD/tấn.

Thị trường nông sản 9/12: Giá cà phê, hồ tiêu giảm, cao su tăng giảm trái chiều - Ảnh 2.

Thách thức trong tháng cuối năm 2022 với hồ tiêu còn rất nhiều. Ở trong nước, vốn vay khó khăn khiến giới đầu cơ thoát hàng, dòng vốn đổ về cà phê. Một lượng lớn vốn vẫn bị kẹt vào bất động sản, khi thời gian trước có thời điểm đầu cơ đua nhau bán hồ tiêu để ôm đất.

Ngoài ra, nỗi lo xung quanh tình hình lạm phát cùng viễn cảnh kinh tế 2023 không mấy tươi sáng khiến ngành hàng hồ tiêu không có nhiều hy vọng khởi sắc tích cực.

Trong báo cáo tháng mới đây, Simexco Daklak dẫn lời các nhà kinh tế nhận định, trong thời gian gần nền kinh tế toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn. Lạm phát cao gây áp lực lớn về ngành gia vị toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phân bố của các doanh nghiệp và thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Dự kiến nhu cầu sẽ giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm 2023 với mùa đông khó khăn ở châu Âu, do cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra.

Giá cao su giảm trên sàn Nhật Bản, tăng trên sản Thượng Hải

Giá cao su hôm nay 9/12 tăng giảm trái chiều trên thị trường châu Á.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 219,56 JPY/kg, giảm 0,9 JPY/kg. Kỳ hạn cao su tháng 1/2023; tháng 3/2023 tăng gần 1% trong khi kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 0,18%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 giao dịch ở mức 13.090 CNY/tấn, tăng 65 CNY/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay vẫn giữ đà tăng ở các kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023, tháng 6/2023 và mức tăng gần 1%.

Thị trường nông sản 9/12: Giá cà phê, hồ tiêu giảm, cao su tăng giảm trái chiều - Ảnh 3.

Cao su dự kiến sẽ được giao dịch ở mức 132,49 US Cents/kg vào cuối quý này.

Trong tháng 11/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động nhẹ. Cuối tháng 11/2022, tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 262-272 đồng/TSC, giảm 8 đồng/TSC so với cuối tháng 10/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 271-275 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 10/2022. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 10/2022.

Theo ước tính, tháng 11/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 240 nghìn tấn, trị giá 328 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 4,6% về trị giá so với tháng 10/2022; So với tháng 11/2021 tăng 13,6% về lượng, nhưng giảm 8,4% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.366 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng 10/2022 và giảm 19,3% so với tháng 11/2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,86 triệu tấn, trị giá 2,93 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 tháng năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 3L, SVR 10, SVR CV60, RSS3… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 940,28 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,78% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, đạt 938,2 nghìn tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 tháng năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, Latex, SVR20, Skim block, SVR10, cao su tái sinh, SVR5...

Về giá xuất khẩu: Trong 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp giảm 1,8%; Latex giảm 5%; SVR 3L giảm 5,4%; SVR CV60 giảm 7,5%; RSS3 giảm 6,7%; RSS1 giảm 12,1%; Cao su tái sinh giảm 12,9%...

HÀ MY