Thủ tướng báo cáo Quốc hội: Đánh giá kinh tế 2024 và kế hoạch đầu năm 2025.

Sáng 5/5, tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu năm 2025.
 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trên cơ sở các Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Kết luận của UBTVQH, Ủy ban Kinh tế và Tài chính xin thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu sau đây:

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Tình hình thế giới chứng kiến sự pha trộn giữa những tín hiệu có phần tích cực về tăng trưởng kinh tế ở một số khu vực và những thách thức lớn từ chiến tranh thương mại toàn cầu, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự kéo dài; xu hướng bảo hộ thương mại, điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế đang phục hồi tích cực nhưng còn tiềm ẩn nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Ảnh: QH
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Ảnh: QH

Trong bối cảnh đó, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực. Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Đặc biệt, Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, đó là:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên (bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%). Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực (doanh thu bán lẻ hàng hóa nếu loại trừ yếu tố giá ước chỉ tăng khoảng 5,6% trong quý I/2025); khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thứ hai, tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024). Xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn, mức độ tập trung thương mại của Việt Nam gia tăng (đến hết Quý I/2025, 03 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao gấp đôi mức 24% của năm 2015). Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh, đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp; giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện; áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh.

Thứ ba, công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra; một số quy định hiện hành vẫn gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Thứ tư, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2024

Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với nhận định về kết quả đạt được tại Tờ trình, đồng thời nhận thấy, với kết quả thu NSNN tăng cao so với dự toán thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, đề nghị lưu ý một số vấn đề sau:

Về thực hiện thu NSNN năm 2024: (i) công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn; (ii) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tình hình hoàn thuế GTGT năm 2024, bảo đảm tính chính xác về số liệu, tính kịp thời trong công tác hoàn thuế; (iii) tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tăng thu từ khoản thu này.

Về thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2024: Đề nghị báo cáo rõ hơn: (i) Nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục về việc giải ngân nguồn vốn ngoài nước; (ii) Việc thực hiện yêu cầu cắt giảm nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai năm 2024, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; (iii) Nguyên nhân giảm số chi trả nợ gốc so với dự toán, đề nghị việc bố trí chi trả nợ gốc cần bảo đảm đầy đủ, đúng hạn.

Về cân đối NSNN năm 2024: Việc giảm bội chi NSNN có nguyên nhân do hủy dự toán vốn vay ngoài nước, cắt giảm kế hoạch vốn, các nhiệm vụ chi không thực hiện, không được chuyển nguồn sang năm sau. Điều này cho thấy, việc giảm bội chi NSTW, bội chi NSNN chưa mang tính hiệu quả cao; mặt khác, việc cắt giảm từ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển không giải ngân được sẽ giảm động lực tăng trưởng kinh tế.

Về triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2025

Về cơ bản tình hình hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN đã bảo đảm thời gian quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về số kinh phí thường xuyên chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương, đồng thời, quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành đôn đốc, khẩn trương phân bổ, giao số dự toán còn lại. Đối với các địa phương, về thu nội địa, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán trung ương giao cho thấy công tác lập dự toán còn chưa sát, vẫn còn dư địa để tăng thu NSNN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có giải pháp khắc phục.

Các khoản dự toán NSTW năm 2025 chưa phân bổ: Số kinh phí còn lại chưa phân bổ là khá lớn chiếm khoảng 77,4% số kinh phí chưa phân bổ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương xây dựng phương án phân bổ, trình Chính phủ theo đúng quy định, tránh gây áp lực giải ngân vào cuối năm, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Tình hình thực hiện thu, chi NSNN những tháng đầu năm 2025

Về thu NSNN: Theo Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, nợ thuế hiện vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30/4/2025 ước khoảng 222,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so thời điểm 31/12/2024. Đề nghị cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế, góp phần bảo đảm thu NSNN.

Về chi và cân đối NSNN: (1) Đề nghị Chính phủ sớm có phương án phân bổ đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi ĐTPT. (2) Về chi cho các CTMTQG: đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về: (i) Tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2025 đã được Quốc hội cho phép ; (ii) Tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan.

Một số giải pháp

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số). Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.

Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.

Thứ tư, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.

Thứ năm, chủ động ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, điều chỉnh thuế quan; xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có chính sách thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế số; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quy định mới ban hành, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, đất đai, quy hoạch để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân. Tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư… để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Thứ tám, điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Thứ chín, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Thứ mười, chủ động nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chủ động, toàn diện công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán, có tính dẫn dắt để định hướng kỳ vọng thị trường, tạo sự đồng thuận trong xã hội và khích lệ tinh thần vượt khó phục hồi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 10 giải pháp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 10 giải pháp

Về các đề xuất của Chính phủ

Về nội dung đề xuất về việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc: về mặt chủ trương Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, trên cơ sở ý kiến cấp có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành NSNN năm 2025

Về việc bổ sung dự toán NSTW năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy: Đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44 nghìn tỷ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của NSTW trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44 nghìn tỷ đồng: Căn cứ khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 8 Luật NSNN, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này. Trường hợp giữa hai kỳ họp, kiến nghị Quốc hội giao UBTVQH xem xét, quyết định. Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định Luật NSNN.

Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên NSTW năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy: nhất trí phương án Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ: (i) bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; (ii) trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng NSTW và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về việc cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: nhất trí về chủ trương bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như Tờ trình của Chính phủ. Trường hợp cần bố trí kinh phí từ nguồn điều chỉnh dự toán NSTW năm 2025 đã bố trí cho các nhiệm vụ nhưng chưa phân bổ từ đầu năm, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, trong nhiều năm qua việc sử dụng, giải ngân nguồn NSNN cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.

PV

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc

Ngày 10/3/2025, nhân dịp tham dự Khóa họp 69 Uỷ ban Địa vị phụ nữ của Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.