TikTok tại Úc bị bóc mẽ nói dối

TikTok bị tấn công tại Úc tuần này, được mô tả như “quả bóng chính trị” trong các tranh chấp đang diễn ra giữa Úc với Trung Quốc.

TikTok tuyên bố sẽ không bao giờ chuyển thông tin người dùng Úc cho Chính phủ Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung. Song theo tờ Guardian, báo cáo minh bạch của chính công ty này cho thấy, nhiều dữ liệu người dùng đã được chuyển giao cho các chính phủ.

TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của Công ty ByteDance
TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của Công ty ByteDance

Là ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của Công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), phổ biến với giới trẻ và hiện có khoảng 1 tỉ người trên toàn cầu. TikTok đang bị chính quyền nhiều nước soi xét vì nghi chuyển dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.

Việc TikTok bị tấn công tại Úc tuần này, được mô tả như một “quả bóng chính trị” trong các tranh chấp đang diễn ra giữa Chính phủ Úc với Trung Quốc.

Tổng giám đốc TikTok tại Úc, Lee Hunter nói với tờ Guardian rằng công ty đang cố gắng thực hiện một cuộc đối thoại với các nhà lập pháp Úc.

Dù lên tiếng kêu oan, nhưng Tik Tok Úc vẫn không thể thoát khỏi tầm ngắm của chính phủ Úc
Dù lên tiếng kêu oan, nhưng Tik Tok Úc vẫn không thể thoát khỏi tầm ngắm của chính phủ Úc

Tuy nhiên mới đây, Thủ tướng Úc, Scott Morrison đã nói với đài phát thanh Melbourne 3AW rằng ông rất chú ý đến những rủi ro có thể gây ra bởi TikTok và nó đang được theo dõi chặt chẽ.

“Nếu chúng tôi cho rằng cần phải có hành động tiếp theo so với hiện tại, tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi không ngại ngùng làm điều đó”, ông Scott Morrison nói.

Lee Hunter cho biết dữ liệu người dùng TikTok ở Úc, hiện lưu trong máy chủ tại Singapore và Mỹ, sẽ không được chuyển giao cho Chính phủ Trung Quốc.

“Chưa chính phủ nước ngoài nào yêu cầu dữ liệu của chúng tôi. Ngay cả khi họ yêu cầu, chúng tôi sẽ từ chối đưa cho họ. Nó là một nhiệm vụ toàn cầu rất rõ ràng, chúng tôi không chỉ nói ở Úc mà đang nói trên toàn thế giới. Dữ liệu và thông tin người dùng được lưu trữ một cách bảo mật, không được chia sẻ với bất kỳ công ty hay cơ quan chính phủ nào khác. Ý định của chúng tôi là không làm vậy”, Lee Hunter chia sẻ.

Thế nhưng theo Guardian, trong các báo cáo minh bạch của riêng công ty cho thấy TikTok tuân thủ hàng trăm yêu cầu mỗi năm từ chính phủ nước ngoài về thông tin người dùng, video, tương tác người dùng và dữ liệu nhật ký.

Tại Ấn Độ có tỷ lệ thành công 90% cho hơn 400 yêu cầu tới TikTok trong 6 tháng cuối năm 2019. Mỹ có tỷ lệ thành công 82% từ hơn 100 yêu cầu, trong khi Úc đưa ra hai yêu cầu nhưng đều bị từ chối. Không có yêu cầu nào được liệt kê từ Trung Quốc.

Dẫu không có điều khoản nào ngăn chính phủ nước ngoài đề nghị gửi dữ liệu người dùng TikTok, nhưng nó phải tuân theo khuôn khổ yêu cầu hỗ trợ pháp lý lẫn nhau của nước cần dữ liệu.

Lee Hunter đề cập đến các yêu cầu xóa nội dung riêng biệt (từ chính phủ các nước) và cho biết TikTok đã làm việc với luật pháp hiện hành của các quốc gia mà ứng dụng này hoạt động.

Được biết, ByteDance được thành lập vào năm 2012 và giá trị ước tính của nó hiện tại vào khoảng 100 tỉ USD.

Vân Phong

Xiaoice, 'bạn gái ảo' được nhiều đàn ông Trung Quốc yêu thích

Xiaoice, "bạn gái ảo" được nhiều đàn ông Trung Quốc yêu thích

Với nhiều người Trung Quốc, trợ lý ảo ưa thích của họ không phải Siri hay Xiao AI mà là Xiaoice. Trong tiếng Trung, Xiaoice có nghĩa là "cô gái nhỏ nhắn".