Xem – nghe
Đêm nhạc “Tiền duyên” của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến
Nguyễn Vĩnh Tiến hiện là kiến trúc sư trưởng của một tập đoàn. Kể từ năm 2005 sau chiến thắng của ca khúc Bà tôi tại Bài hát Việt, Nguyễn Vĩnh Tiến mới bước vào con đường sáng tác âm nhạc.
Là tay ngang, không mạnh về giai điệu nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến lại rất mạnh về ca từ. Chỉ sau vài năm từ thành công ở Bài hát Việt, sự xuất hiện của những cái tên như Lê Minh Sơn, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An... đã tạo ra khái niệm mới: âm nhạc dân gian đương đại.
Nguồn: duyendangvietnam.net |
Đến nay Nguyễn Vĩnh Tiến có khoảng 300 ca khúc và tuyên bố trong live show Tiền duyên sẽ công bố khoảng 15 đến 18 ca khúc mới.
"Đến tuổi này tôi muốn quy hoạch lại cuộc đời. Đời tôi lúc làm kiến trúc, lúc văn thơ, lúc nghiên cứu khoa học, lúc đi du lịch, lúc tham gia đủ mọi đoàn, hội... Giờ 45 tuổi rồi mẹ vẫn còn phải gọi điện, hai lần lấy vợ chẳng có vợ nào hài lòng. Bức tranh đời tôi loang lổ như vậy, nếu nhìn theo cách của Picasso đời tôi như bức tranh lập thể, loằng ngoằng, đầu dính vào tay, tay dính vào tim" - Nguyễn Vĩnh Tiến tự trào khi được hỏi lý do làm live show.
Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ về đêm nhạc "Tiền duyên" trong buổi ra mắt ngày 22/10. Nguồn: nguoihanoi.com.vn |
Đây là giai đoạn khá nhạy cảm với Nguyễn Vĩnh Tiến khi con thuyền cảm xúc của anh hơi tròng trành. Do đã từng vượt qua giai đoạn trầm cảm năm 2016, nên anh coi 2019 là giai đoạn "chín muồi".
Phần đầu live show giới thiệu những ca khúc nổi bật nhất đã định danh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Phần hai là thời kỳ khủng hoảng, trầm cảm đô thị, khi con người trung du phải bước vào sống giữa đô thị, có những lúc muốn thoát ra khỏi sự giam hãm đó, chỉ còn dành tình yêu duy nhất cho hoa. Phần cuối nhấn mạnh vào thanh xướng kịch, trong đó sẽ có những tác phẩm Nguyễn Vĩnh Tiến viết cho vở múa rối Thân phận nàng Kiều.
Live show có sự tham gia của rất nhiều ca sỹ, nghệ sỹ tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Khánh Linh, Thái Thùy Linh, Ngọc Khuê, Đinh Mạnh Ninh, Đinh Hiền Anh,...
Đêm nhạc hòa nhạc đặc biệt
Đêm nay 2/11, tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ diễn ra buổi hòa nhạc đặc biệt. Buổi hoà nhạc được chỉ huy bởi Nhạc trưởng Christopher Zimmerman, cùng với sự tham gia của hai nghệ sĩ độc tấu Bùi Công Duy và Chương Vũ.
Nghệ sỹ Bùi Công Duy (trái) và nghệ sỹ Chương Vũ (phải) hội ngộ trong đêm nhạc đặc biệt. Nguồn: nguoidothi.net.vn |
Nghệ sĩ Bùi Công Duy được biết đến trên trường quốc tế sau khi đoạt giải Nhất và Huy Chương Vàng tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ trẻ lần thứ 3 năm 1997. Anh còn giành nhiều giải thưởng quốc tế khác bao gồm: Giải Nhất tại cuộc thi Violin quốc tế Zakhar Bron ở Novosibirsk, Nga (1995), Giải Nhất tại Cuộc thi Violin quốc tế Demidov ở Ekaterinburg, Nga (1993),… Nghệ sĩ Bùi Công Duy là thành viên ban giám khảo tại Cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ trẻ mang tên Tchaikovsky lần thứ 8 ở Matxcơva năm 2014, Cuộc thi Violon quốc tế mang tên Demidov ở Ekaterinburg năm 2009. Bùi Công Duy đã phát triển sự nghiệp của mình trở thành một nghệ sĩ độc tấu và nhà sư phạm âm nhạc quốc tế.
Anh từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc trên thế giới: Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản… và các dàn nhạc của Việt Nam. Hiện nay, Tiến sĩ Bùi Công Duy là Trưởng khoa Đàn dây tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh được phong danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú năm 2015.
Nghệ sỹ Chương Vũ là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn violin tại Mỹ. Anh xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Bắc Texas, nơi anh đã được học bổng tiến sĩ toàn phần và giảng dạy với tư cách là trợ giảng. Anh đã lấy bằng cử nhân và thạc sĩ biểu diễn violin tại Đại học Houston, tại đây anh đã được quỹ học bổng Starling Endowment trao tặng học bổng danh giá Lack Starling.
Chương Vũ hiện là Concertmaster của Dàn nhạc giao hưởng San Angelo và VASCAM Ensemble. Anh đã giữ cương vị Concertmaster khách mời của các dàn nhạc giao hưởng Irving, Monroe, Wichita Falls và Vietnam Classical Players.
Anh thường xuyên được mời biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng Dallas, Dàn nhạc Opera Dallas, Dàn nhạc giao hưởng Fort Worth và Dàn nhạc thành phố Oklahoma, cùng nhiều dàn nhạc khác. Là nghệ sĩ thường chơi đàn baroque violin, Chương đã hợp tác với nhiều nhóm nhạc tiền cổ điển như Nhóm Hợp xướng thính phòng Houston, Nhóm Baroque Mercury, Dàn nhạc Tân Tây Ban Nha, Texas Camerata và Nhóm nhạc Baroque Fantasmi.
Đi
Tham quan Triển lãm “Art In The Forest 2019″ tại Flamingo Đại Lải
Chính thức khởi động vào 2015, dự án mang theo tâm nguyện đưa nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng, từ đó biến Đại Lải trở thành vùng đất của nghệ thuật, tình yêu – nơi trí tuệ và tâm hồn tìm thấy những đồng cảm để thăng hoa trong cuộc sống. Art in the Forest là dự án nghệ thuật dài hơi nhất tại Việt Nam, và mốc cuối cùng của chặng đường ấy không chỉ dừng lại ở việc gây dựng nên một không gian nghệ thuật độc đáo của giới mộ điệu, mà còn là kiến tạo nên một bảo tàng nghệ thuật đương đại dành cho hội hoạ, một công viên điêu khắc ngoài trời, đại diện cho một giai đoạn phát triển của xã hội.
“Phân tử 190916” – Thép không gỉ – 300 x 400 x 800cm, NĐK Yongsun Jang trong triển lãm AIF 2019. Nguồn: hanoigrapevine.com |
Giữa không gian ngập tràn nắng và gió của mùa thu Đại Lải, 68 tác phẩm năm nay hòa tấu vào bản giao hưởng chung mang tên Art In The Forest. Thông qua ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc, mỗi năm công chúng lại có thêm những xúc cảm mới, những chiêm nghiệm mới, để khi đến với Flamingo Đại Lải nói chung và không gian nghệ thuật trong rừng nói riêng, họ được làm giàu hơn về tâm hồn, trọn vẹn hơn những cảm quan về cuộc sống.
Sáu mùa triển lãm đã qua, bộ sưu tập tác phẩm cũng ngày một dày hơn, AIF đã kết nối những tâm hồn đồng điệu vị nghệ thuật và gửi gắm đến công chúng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.
Nhạc sĩ Giáng Son: 'Với âm nhạc, tôi không cần phải che giấu con người mình…'
Dịu dàng và luôn tràn ngập nữ tính, với âm nhạc của mình, Giáng Son đã tô lên một màu sắc đầy quyến rũ vào bức tranh âm nhạc đương đại