Nhắc tới chuyện khởi nghiệp, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới combo "3 có": Có tiền, có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng lãnh đạo. Đương nhiên, đó là những yếu tố không thể thiếu, nhưng liệu như vậy đã là đủ để khởi nghiệp thành công hay chưa?
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Nguyễn Thế Thành - CEO Slide Factory (Công ty cung cấp dịch vụ đào tạo, thiết kế) để tìm lời giải đáp cho thắc mắc này.
Cách đây 10 năm, ở độ tuổi 23, Thế Thành bắt đầu gây dựng Slide Factory với dịch vụ đầu tiên là các lớp học đào tạo kỹ năng thiết kế slide bằng Power Point. Trải qua nhiều biến cố từ nhỏ tới lớn, cũng lắm khi cảm thấy hoang mang, bế tắc, sau một thập kỷ trầy da tróc vảy, ở thời điểm hiện tại, Thế Thành mới có đủ tự tin để khẳng định: Tết năm nay mình được thảnh thơi.
Khởi nghiệp được 10 năm thì có tới 9 năm, Thế Thành luôn đau đáu trong đầu câu hỏi: Nếu bây giờ kinh tế khủng hoảng, khách hàng thay đổi nhu cầu, công ty phải tái cấu trúc và tệ nhất là chỉ còn một mình mình, liệu mình có đủ khả năng và tự tin để tìm cách cân bằng, tiếp tục phát triển công ty hay không?
Bản thân Thế Thành luôn nghĩ tới viễn cảnh những khó khăn, thách thức lớn nhất đều cùng lúc ập tới cùng lúc. CEO sinh năm 1991 này không coi đây là suy nghĩ tiêu cực, mà chính là việc nhìn xa, nghĩ sâu để có thể chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi đối mặt với thử thách. Cũng dễ hiểu thôi, hành trình khởi nghiệp có mấy khi trơn tru, không "ổ gà", nếu cứ suy nghĩ quá màu hồng, người ta dễ bị "đánh úp" một cách bất thình lình, mà điều này thì đương nhiên chẳng ai mong muốn.
"Khi biến động kinh tế ập đến, mình nhận ra chuyển đổi mô hình hoạt động từ tập trung sang phân tán là cách vận hành tối ưu nhất, giảm tối đa được chi phí và tăng tối đa doanh thu, đồng thời tạo ra nhiều dòng doanh thu mới ngoài dịch vụ thiết kế và đào tạo, đưa công ty sống tốt qua khủng hoảng kinh tế" - Thế Thành chia sẻ.
Hiện tại, doanh nghiệp của Thế Thành không có văn phòng, tất cả nhân sự đều làm việc từ xa. Mọi kết nối, tương tác đều được thực hiện dưới hình thức online. Sự thay đổi này giúp Thành cắt giảm được chi phí duy trì hoạt động doanh nghiệp. Sự an tâm về nguồn vốn, một phần xuất phát từ đây, một phần đến từ lượng khách hàng quay trở lại lần thứ 2, thứ 3,... với doanh nghiệp của ông chủ Thế Thành.
"Trước đây, lượng khách hàng quay trở lại với công ty mình cũng có, nhưng không nhiều và điều này khiến mình không thể không băn khoăn. Sản phẩm chúng mình thiết kế có đẹp và chuyên nghiệp không? Mình tự tin là có. Vậy thì vấn đề duy nhất chỉ có thể là dịch vụ, hay nói cách khác chính là trải nghiệm của khách hàng với dịch vụ mình cung cấp chưa đủ tốt đến mức khiến họ không nảy sinh suy nghĩ đi tìm một bên khác" - Thế Thành giải thích.
Cần phải nhắc lại rằng ngoài các khóa học đào tạo thiết kế slide bằng Power Point, doanh nghiệp của Thế Thành còn cung cấp dịch vụ thiết kế slide cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác - Chính là đối tượng khách hàng mà Thế Thành muốn họ quay trở lại nhiều hơn.
"So với năm trước, lượng khách hàng là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục sử dụng dịch vụ thiết kế của bên mình đã tăng khoảng 200%".
Để đạt được cột mốc này, Thế Thành đã tập trung nâng cấp trải nghiệm khách hàng bằng cách trực tiếp tham gia vào quá trình tiếp nhận brief, tư vấn, sát sao quá trình thực hiện và gần như luôn phản hồi mọi thắc mắc, yêu cầu của khách hàng trong 30 giây.
Nói cách khác, để biết khách hàng thực sự cần và muốn điều gì, Thế Thành vừa là CEO, vừa là Account, vừa là Sale, vừa là một Designer.
Thế Thành quan niệm rằng để tìm ra được một quy trình làm việc nội bộ bài bản, đồng thời đáp ứng tối đa mong muốn của khách hàng, không có cách nào khác ngoài việc người làm chủ phải trực tiếp tham gia, xử lý từng vấn đề nhỏ nhất. Có như vậy mới biết được "nút thắt" đang nằm ở đâu và phải gỡ nó như thế nào.
Đương nhiên việc này không nên duy trì lâu dài nhưng trong giai đoạn mới thay đổi mô hình hoạt động, nó là điều cần thiết.
"Mình trực tiếp xử lý từng vấn đề nhỏ nhất và rồi mình nhận ra rằng, chỉ cần đảm bảo được cho khách hàng 2 yêu cầu tiên quyết: Bảo mật thông tin và tốc độ xử lý công việc, là họ quay trở lại với mình, hoàn toàn không có nhu cầu tìm một bên khác để xem liệu thứ họ nhận được có tốt hơn hay không" - Thế Thành khẳng định và còn đùa bản thân làm việc với toàn tập đoàn lớn ở cả Việt Nam và nước ngoài, nhưng không thể dùng đó làm công cụ marketing vì cam kết bảo mật thông tin.
Thế Thành mất tới 9 năm để tìm ra hướng đi bền vững cho doanh nghiệp của mình. Đây là một thành tựu, nhưng không thể phủ nhận 9 năm là một khoảng thời gian có phần hơi dài, đặc biệt là với một doanh nghiệp 10 năm "tuổi đời".
Chúng tôi đặt ra thắc mắc tại sao Thế Thành lại tốn chừng đó thời gian và liệu trong suốt 9 năm ấy, tinh thần khởi nghiệp của Thành có từng bị lung lay hay không.
"Mình đi được tới ngày hôm nay vì mình cố chấp. Cố chấp với niềm tin đây là sự nghiệp cả đời của mình, cố chấp với những câu hỏi và cả những kịch bản tệ nhất - như mình đã nói ở trên. Những lúc lung lay hoặc nhụt chí, đương nhiên là có nhưng suy nghĩ từ bỏ thì chưa bao giờ. Thị trường vẫn còn đường cho mình sống, mình nhìn được điều này. Thế nên mình tin việc của mình là tìm cách, chứ không phải từ bỏ. Và cách của mình chính là học".
Trong suốt 9 năm qua, Thế Thành không ngừng học hỏi. Thành học về kiến thức quản trị nhân sự, học cách kinh doanh, học để cập nhật những xu hướng thiết kế mới nhất và đôi khi là học để có đủ khả năng đảm nhận vai trò sale, account,...
"Có một người thầy đã nói với mình rằng để trở thành một ông chủ giỏi thì trước tiên phải là một nhân viên xuất sắc.
Mình luôn ghi nhớ lời răn dạy này và đó cũng chính là lý do mình không ngừng học, để nếu không may những thay đổi về nhân sự, khách hàng, thị trường,... đột ngột xảy đến, mình hoàn toàn có đủ bản lĩnh và khả năng để xử lý ngay lập tức trong lúc tìm nhân sự mới, khách hàng mới, hoặc tìm dòng sản phẩm mới để tăng doanh thu, không bị yếu tố nào cản trở".
Thế Thành quan niệm rằng với người làm chủ, có bao nhiêu tiền cũng là không đủ nếu bản thân không có khả năng cân đối dòng tiền. Còn nhân sự, dù họ có giỏi đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể và không nên kỳ vọng họ sẽ đi cùng mình cả đời. Đến cuối cùng, câu chuyện của người khởi nghiệp hoặc người làm chủ vẫn là bạn có đủ sức, đủ lực để đi một mình hay không.
"Mình không có ý coi thường hay không trân trọng sự hợp tác, cống hiến của nhân sự. Việc đủ lực để đi một mình ở đây nghĩa là chuẩn bị tâm thế chủ động để đón nhận, xử lý mọi thay đổi trong tất cả các khía cạnh có thể tác động tới hoạt động của doanh nghiệp" - Thành giải thích.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Liệu có tiền, có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng lãnh đạo đã đủ để khởi nghiệp thành công hay chưa?
Từ những chia sẻ của Thế Thành trên hành trình 10 năm khởi nghiệp, có thể thấy câu trả lời có lẽ là chưa. Để khởi nghiệp thành công, câu chuyện không đơn giản là bạn có sẵn trong tay những gì, mà là bạn sẵn sàng cố chấp và học hỏi đến mức nào, để tôi rèn cho bản thân đủ kỹ năng lẫn ý chí "đạp" lên mọi khó khăn.
Giống như Thành đã không ngừng tin đây là sự nghiệp cả đời của mình, không ngừng học để vừa có thể là CEO, vừa có thể thế chỗ Account, Sale, Designer trong khi tìm được những cộng sự mới nếu chẳng may nhân sự chủ chốt nộp đơn xin nghỉ.
Cảm ơn Thế Thành vì những chia sẻ chân thành và hữu ích. Chúc cho Thành và tất cả những bạn trẻ đang quyết tâm khởi nghiệp đều có tinh thần vững vàng trên một hành trình chưa bao giờ là dễ dàng!
Bỏ việc lương cao khởi nghiệp bị nói là “dại", sau hơn 1 năm cô gái thu 30 tỷ đồng: Có đáy sâu cũng sẽ có đỉnh cao rực rỡ!
Khởi nghiệp thành công hay không đôi khi chỉ hơn nhau một chữ “dám”.