Trong Hội nghị trực tuyến giữa ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra chiều 31-7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ có mặt trong các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT dự kiến chia thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 4 nhóm gồm F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Thí sinh F0 được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Trung Chinh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã đưa ra kiến nghị xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với thí sinh tại TP Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với thí sinh. Ông Chinh cho biết đây là điều rất khó khăn đối với lãnh đạo thành phố nhưng vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của thí sinh nên phải đưa ra đề xuất này.
Như vậy tính cho đến hiện tại thì Bộ GD-ĐT vẫn quyết định sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Liên quan đến vấn đề này, trong những ngày qua đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, thầy cô giáo, học sinh...
Trao đổi với Tuổi trẻ, GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, dịch bệnh đang hết sức phức tạp, điều quan trọng nhất lúc này là an toàn sức khỏe của các em học sinh, các cán bộ coi thi, phụ huynh... Đặc biệt là vì lo lắng có thể nhiều gia đình sẽ không cho học sinh đi thi. Hơn nữa, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho kỳ thi với thực tế dịch bệnh này rất khó chu toàn.
Ông Quân đánh giá việc chia nhóm học sinh theo F0, F1, F2 là không khả thi, không chỉ kéo theo cả một bộ máy cồng kềnh mà còn ảnh hưởng đến việc chung và việc riêng, nhất là trong bối cảnh chưa tìm được nguồn lây, số ca nhiễm tăng dần, có cả ca nhiễm không nằm trong vùng dịch.
"Cho dù phân nhóm thí sinh nhưng ngay cả từng nhóm thí sinh như vậy cũng rất nhiều người chứ không ít, mật độ người tập trung cao trong phạm vi nhỏ. Việc thực hiện giãn cách bố trí thí sinh trong phòng thi kiểu nào các em vẫn phải ngồi gần nhau. Việc bố trí cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi cũng cực kỳ khó khăn chứ không đơn giản", ông Quân nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Văn Nam, nguyên giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, đề xuất của UBND TP Đà Nẵng dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT là đúng và cần thiết lúc này. Nếu phân chia ra các nhóm F1, F2, F3… để thi sẽ rất nguy hiểm. Bản thân các em cũng bị ảnh hưởng tâm lý, ngay cả người phục vụ công tác thi cũng sẽ hoang mang.
ảnh minh hoạ (Thanh Niên) |
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Thủ Đức (TPHCM) cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện tại nên ưu tiên việc xét tốt nghiệp. Thời điểm này, nếu huy động cả ngành giáo dục vào một kỳ thi sẽ gây ra những nguy cơ lớn.
"Nếu không, giao các trường THPT xét công nhận hoàn thành chương trình học lớp 12. Các trường CĐ, ĐH tùy điều kiện của mình để đưa ra cách thức tổ chức xét hồ sơ thí sinh. Giảm gánh nặng của toàn xã hội, gánh nặng cả về sức người, sức của", vị hiệu trưởng cho biết.
TS Nguyễn Hoàng Chương (hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng) nhận định: "Tổ chức thi lúc này được thì ít, mất mát nhiều quá". Bởi có lẽ cả nước đang tập trung cao độ phòng chống dịch, mọi nguồn lực đều ưu tiên cho các công tác điều trị, khoanh vùng, cách ly... Làn sóng thứ nhất cách đây vài tháng đã là một khó khăn, sự trở lại của làn sóng thứ 2 lại khiến "khó khăn chồng khó khăn".
Tác giả Đỗ Duy Ngọc đã bày tỏ quan điểm không nên tổ chức thi tốt nghiệp vào thời điểm này, khi mà cả nước đang dồn lực vào chống dịch cũng như thực hiện giãn cách. Với số lượng học sinh 900.000 tham dự kỳ thi là một rủi ro lớn, chúng ta sẽ có biện pháp gì để phòng chống dịch và bảo vệ cho các em? Không chỉ vậy còn có hàng triệu giáo viên gác thi, chấm thi, bộ phận hậu cần, bảo vệ... được huy động cho đợt thi này có thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Có thể cấp cho học sinh một giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình phổ thông tạm thời để tiếp tục chuẩn bị vào đại học, các bước tiếp theo sẽ thực hiện sau. Cũng có thể căn cứ vào điểm trong năm học lớp 12 để cấp bằng. Hay là Bộ Giáo dục cũng không tin vào điểm số trong học bạ lớp 12 của học sinh?", ông Ngọc đưa ra kiến nghị.
Một thí sinh của Đà Nẵng đã gửi thư đến Báo Thanh Niên trong đó bày tỏ sự lo lắng vì chỉ còn 1 tuần nữa là bước vào kỳ thi. Đa phần các bạn học sinh khác cũng đều tập trung vào tình hình dịch bệnh, trong khi đó đề thi sử dụng chung cho cả nước, tất cả các vùng dịch, chưa có dịch hay vùng bị ảnh hưởng. Vì vậy, em học sinh bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT hãy suy nghĩ đến phương án có thể đặc cách xét tốt nghiệp hoặc là xét học bạ để xét tuyển ĐH.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (Mỹ), cho rằng với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cao như những năm qua, việc bỏ thi tốt nghiệp không ảnh hưởng nhiều. Dù tổ chức thi với các biện pháp phòng dịch không phức tạp nhưng sẽ tốn kém hơn.
Giá vàng trong nước và thế giới tăng giảm trái chiều
Giá vàng trong nước sáng 1/8 quay đầu giảm nhẹ từ 50.000-300.000 đồng/lượng, trong khi đó giá vàng thế giới tiếp tục tăng 10 USD, nâng mức giao dịch lên 1.977 USD/ounce.