Tôi mời gì khi mời một trà sư

Trà đã ngấu, tôi rót trà thật nhẹ ra những chiếc chén lớn gần bằng chiếc chén tống trong bộ trà Mai Hạc của cụ Nguyễn Du.

... thực sự bối rối khi nhận lời tiếp phái đoàn thuộc Hiệp hội nghiên cứu trà đạo Nhật Bản từ một người chị, người có thời gian sinh sống và tu nghiệp tiến sĩ về trà đạo tại xứ sở hoa anh đào. Bởi phái đoàn đó có những nhân vật đáng kính nhất trong giới trà đạo, có những vị trà sư đại diện cho các trà phái, có ngài chủ tịch hiệp hội.

Sau khi họ thiết đãi nghi lễ trà đạo thì tôi phải tiếp họ bằng gì? Sự thực, nghi lễ trong trà Việt mang đậm màu sắc tư gia, ít mang tính đối ngoại, ví như nghi lễ dâng trà trong các ngày lễ Tết, dâng trà cho người trên, hay nghi lễ thưởng trà cho kẻ dưới, tất cả đều nặng tính nghi lễ nội tộc.

Hay, tôi mời họ bằng một tiệc trà với ấm tử sa, với nhất tống tam quân hoặc nhất tống tứ quân? Không, tất cả những lễ đó đều không thể chối cãi nó có sự ảnh hưởng sâu sắc từ phương pháp thưởng thức trà thời Minh bên Trung Hoa. Tôi cần một cái gì đó Việt hơn!

Tôi mời gì khi mời một trà sư

Tôi suy nghĩ nhiều ngày, tôi đắn đo, dân tộc ta, với nền tảng thô sơ về nghề, với sự tự ti đến cùng cực về văn hóa trà bản địa, rồi có khi lại cũng huyễn tưởng thái quá về “trà đạo Việt”, chúng ta chưa bao giờ bình tĩnh với trà, thì tôi có thể mời họ thức trà gì?

Sự tự ti đó thể hiện ở chỗ, chúng ta luôn có nhu cầu so sánh với Trung Hoa, với Đài Loan, với Nhật Bản, thậm chí với cả phương Tây, nơi mà lịch sử trà chỉ mới tồn tại chừng ba trăm năm. Chúng ta, nơi mà người Anh phải thốt lên: “Hãy giở tấm bản đồ Việt Nam, đặt lên bàn, nhắm mắt lại, và chỉ tay lên tấm bản đồ đó, ngón tay của bạn chỉ ở đâu, nơi đó có trà!”. Vậy ắt hẳn chúng ta phải có gì đó đáng tự hào chứ?!

Tôi suy nghĩ, à, vậy cái đáng tự hào nhất phải đo bằng gì? Nó phải được đo bằng thời gian tồn tại một cách hồn nhiên của chính nó, nó phải tự có tính thuyết phục một cách hồn nhiên, nó là cái gì? LÀ TRÀ TƯƠI!

Có người cho rằng, trà tươi là một thứ thô sơ, là một thứ phi nghi lễ, hay nó là thứ chỉ dành cho đám bình dân, có dùng mỹ từ đi nữa thì cũng chỉ có thể dùng đến từ “bình dị” để chỉ mà thôi. Tôi không phản bác những ý kiến đó, xong, suy tới cùng, thì có gì vĩ đại mà không bắt đầu từ một thứ bình dị, ví như định luật hấp dẫn cũng ra đời từ hiện tượng một trái táo rơi đấy thôi. Tất nhiên, thứ bình dị đó phải được nhận thức khách quan, có thẩm mỹ và đôi chút bản năng. Vậy là tôi đã quyết định thức uống mình sẽ tiếp họ!

Cả phái đoàn trên chục người đã tới Hà Nội, họ mang theo đầy đủ vật dụng và trà quý để phục vụ cho nghi lễ trà đạo mà họ sẽ bày ra tại quán trà khiêm nhường của tôi, một quán trà thu mình trên căn hộ tầng ba của một khu tập thể cũ trên con phố Tông Đản.

Phải thú nhận cho đến khi họ bước vào quán rồi, tôi vẫn không khỏi lo lắng, rằng liệu chúng tôi có thể đáp lễ họ một cách tươm tất với vai trò chủ nhà? Hẳn, việc tôi thiết đãi họ sẽ không chỉ liên quan tới cá nhân tôi, nó sẽ có ảnh hưởng đến cách nhìn của họ về văn hóa trà Việt Nam, về cách người Việt uống trà, và về cách người Việt tiếp khách phương xa bằng trà.

Phái đoàn thuộc Hiệp hội nghiên cứu trà đạo Nhật Bản.
Phái đoàn thuộc Hiệp hội nghiên cứu trà đạo Nhật Bản.

Không lo sao được khi thức trà mà họ mang theo là loại mạt trà được tinh chế công phu, họ thu hái những lá trà với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, mang lên núi tuyết, ủ nhiều tháng trời, rồi mới được đưa về để chế biến thành thức trà hảo hạng. Nó đang nằm ngay kia, trước mắt tôi, trên bàn, trong quán của tôi, thứ bột mịn tinh khôi mang trên mình màu xanh lục bảo.

Còn tôi, tôi chỉ có mấy chiếc lá trà tươi do cô học trò lọc lựa kỹ lưỡng từ mảnh vườn mà chúng tôi canh tác hoàn toàn tự nhiên, phương pháp chúng tôi làm có nhiều điểm tương đồng với phương pháp “vô canh” của cụ Masanobu Fukuoka, cũng là một nhân vật lớn trong nền nông nghiệp thuận tự nhiên của xứ sở hoa anh đào.

Quầy pha trà đón khách của quán hôm nay được dọn dẹp để khách có thể trình diễn trà đạo và mời các bạn chủ nhà Việt Nam, cũng để chủ nhà pha trà mời các quan khách đến từ xứ Phù Tang. Đầy đủ bộ lệ cho một tiệc trà được họ mang theo đã bày biện tề chỉnh trên quầy, cái quầy đó, hàng ngày phục vụ cho việc bán hàng, may thay khi hoán đổi chức năng tôi vẫn nhìn thấy sự hài lòng qua ánh mắt, qua khóe miệng của những vị thượng khách khiến tôi có chút bình tâm hơn.

Từ trong đoàn quan khách, một nữ trà giả bước ra, chậm rãi tiến tới nơi đã được bày biện với đầy đủ niêm luật mà nghi lễ yêu cầu. Nước được đựng trong âu thủy tinh màu ngọc bích, với hàm ý làm dịu bớt cái nóng của Hà Nội vào một ngày tháng bảy, rồi đun trên hỏa lò đúc bằng đồng, trong chiếc nồi Tetsubin truyền thống.

Một nhành hoa nhỏ được cắm trong chiếc bình gốm Chu Đậu đặt cạnh bàn trà, bánh gạo thủ công truyền thống, giấy lót bánh cũng được làm thủ công. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất, được làm với sự kính ngưỡng cao nhất, tất cả những chi tiết bình dị, rất đỗi bình dị, qua đôi bàn tay và tinh thần Nhật đã trở nên nghiêm cẩn và cao khiết.

Tôi đã từng rất thắc mắc, trong một nghi lễ trà đạo, về thao tác thì không có gì quá khó, về vật dụng cũng không có gì gợi lên một cuộc sống xa hoa đến mức tầng lớp trung lưu trong xã hội khó sắm sửa, trà được pha cũng không quá phức tạp, việc thưởng thức cũng không quá cầu kỳ, vậy điều gì đã khiến trà đạo trở thành một nghi lễ cao khiết, có thể nói đứng bực nhất trong tất cả các nghi lễ về trà trên thế giới. Căn nguyên do đâu?

Những món quà từ xứ sở anh đào

Từng thìa trà nhỏ được xúc ra từ hộp đựng trà sơn mài, cho vào chiếc bát gốm chế tác thủ công, với một mặt của chiếc bát được trang trí cầu kỳ hơn hẳn những mặt khác. Mặt đó sẽ là mặt mà ta hướng nó về phía trà chủ vừa mời trà cho ta thưởng thức, hoặc hướng nó về phía trà khách mà ta đang dâng trà cho họ, nhằm thể hiện sự kính trọng của ta với họ. Chiếc tiễn trà được vót từ trúc cũng thủ công hoàn toàn, những chiếc tiễn trà cao cấp được chế tác bằng những đôi tay của các nghệ nhân với tâm và tư thế như tọa thiền.

Tôi mời gì khi mời một trà sư

Trà giả sẽ dùng chiếc tiễn trà đó, nhẹ nhàng khuấy rồi nhanh dần đến khi mạt trà đã tan đều trong nước sôi vừa được múc từ chiếc nồi Tetsubin, một lớp bọt mịn đã hình thành trong bát trà, rồi chiếc bát trà đó sẽ được dâng cho chúng tôi. Trước khi nhận chiếc bát trà được dâng bởi trà giả với tất cả nghi lễ giao tiếp trong trà đạo, chúng tôi đã được thưởng thức những chiếc bánh gạo, đặt trên mảnh giấy như giấy dó của Việt Nam nhưng rõ ràng tờ giấy này tinh mịn đến lạ thường, nó đã được làm với sự cẩn trọng cao nhất và bởi đôi bàn tay điêu luyện.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể mô tả kỹ lưỡng tất cả nghi thức của họ, chỉ có thể nói rằng, chúng tôi đã đón nhận một hơi trà với sự tôn kính cao nhất, tôi được nhận nó ngay trong quán của chính mình, từ những vị trà khách phương xa vừa ghé! Họ đã làm xong việc của họ, tôi còn chộn rộn trong tâm, nhưng việc của mình đã đến, đứng lên thôi!

Đến phần tôi, mấy chiếc lá trà tươi đã được xếp ngay ngắn trong chiếc đĩa đặt trên bàn, tôi có thêm một chiếc ấm đồng để đun nước, một chiếc ấm khác để hãm trà, một chiếc âu lớn để tráng rửa trà cụ và đựng nước thức trà.

Ngay ngắn nhặt từng lá trà đặt gọn ghẽ trên đôi bàn tay thô ráp của chính mình. Tôi vò. Chậm rãi và cẩn trọng. Từng lượt vò xong, lá trà được cho vào ấm đồng ngay bên tay phải. Cho tới khi tôi ước tính lượng trà đã đủ cho một ấm, rồi rót nước lạnh tráng qua một lượt, bỏ hết lượt nước đó đi, lại thêm một lượt tráng trà bằng nước sôi (ở quê hương tôi, các cụ gọi như thế là “làm lông trà”), xong cũng rót hết ra, mới đến lượt nước sôi sẽ được dùng để ủ trà.

Tôi mời gì khi mời một trà sư

Tôi phải đợi trà ngấu trong 5 phút. Thông thường, ở quê, một tích trà được ủ lâu hơn, nhưng với tôi, năm phút là đủ, đủ để trà không quá sống, nhưng chưa mất hoàn toàn vị ngái của lá tươi. Nó vừa có cái thanh mát, tươi mới nhưng cũng có được sự đằm thắm vừa đủ của vị chát dịu từ lá trà đã về già.

Trong 5 phút đó, tôi giới thiệu khái quát cho họ về người Việt với thú uống nước trà lá tươi bình dị, với những ngày hội hè quanh chiếc nồi lớn trà tươi, hay những chiếc ống trà đâm của người Thái khi lên nương rẫy, năm phút cũng chỉ đủ để điểm qua về hiện tượng, về sự việc tồn tại hầu như khắp chốn trên quê hương Việt Nam tôi.

Trà đã ngấu, tôi rót trà thật nhẹ ra những chiếc chén lớn gần bằng chiếc chén tống trong bộ trà Mai Hạc của cụ Nguyễn Du. Để nước trà trong vắt màu lục bảo, hương thơm tươi mới lan tỏa cả căn phòng, có được hương thơm đó cũng nhờ công chăm sóc khu vườn với cả tâm can của cô học trò còm nhom với trà.

Các trà nương của tôi trong tà áo dài ngũ thân, tà áo phục dựng nguyên mẫu từ triều Nguyễn, nhẹ nâng khay trà dâng tới từng trà khách, họ dâng trà như một cung nữ!

Mỗi trà khách nhận chén trà cũng vẫn với cách mà họ nhận bát trà do trà giả dâng cho khi nãy, họ thưởng thức bằng cách thức cũng như họ thưởng thức mạt trà khi nãy. Và, có gì đó khiến họ trở mình, người hơi nghiêng đầu, người hơi rướn cổ, ngài chủ tịch trầm lặng, có vẻ ngài đang thận trọng phán xét chén trà mà chúng tôi dâng. Thưởng thức xong chén trà, các trà khách bàn tán với nhau bằng thứ tiếng mà tôi không hiểu – tiếng Nhật, nhưng có vẻ họ không hề khó chịu. Một vài câu chào hỏi, cảm ơn cho đúng với nghi lễ giao tiếp của người Việt, tôi lui về vị trí của mình.

Tiệc trà của cả chủ và khách đến đó kết thúc, tôi đứng lên, có một vị trong đoàn cũng đứng lên, tiến về phía tôi và nói: “Khi nãy tôi thấy anh dùng 15 chiếc lá để pha, anh có thể cho tôi xin 15 chiếc lá như vậy để tôi pha mời những người bạn của tôi khi trở về Nhật được không?”. Ôi! Đây là câu trả lời chân thật nhất, rằng họ hài lòng, tôi rất đỗi hạnh phúc, và đương nhiên, tôi gói ghém cẩn thận gửi tặng vị ấy một bọc lá tươi và chắc chắn là nhiều hơn 15 lá.

Tôi mời gì khi mời một trà sư

Tiệc tàn, người người chào nhau, để tiễn khách, tôi tặng ngài chủ tịch, cũng là trưởng đoàn, chiếc bát Chu Đậu cổ, đã chừng 500 năm tuổi. Chiếc bát như vậy, khi xưa ở Nhật có tên là Beni Annam, là biểu tượng danh giá trong trà đạo Nhật Bản. Ngày nay, nhiều chiếc bát như vậy trở thành bảo vật truyền đời trong các gia tộc lớn. Để đáp lễ, ngài ấy tặng tôi chiếc quạt của chính mình, chiếc quạt ấy là biểu tượng của các trà nhân. Thông thường, họ sẽ mang theo quạt để tặng chứ hiếm khi họ tặng chiếc quạt bên mình, bây giờ họ tặng, tôi hiểu tôi đã chạm được đến sự tôn trọng của họ!

Ồ! Ra là vậy, hóa ra sự tôn kính mà họ dành cho chúng ta nó không phụ thuộc vào không gian sang trọng đến đâu, hay đồ ăn thức uống ta mời họ sẽ đắt giá đến nhường nào, mà nó phụ thuộc vào chính tinh thần của chúng ta đối với từng chất dẫn mà ta dùng để thiết đãi họ. Khi tự ta có nghi lễ, thì dù là thứ mạt trà quý giá mà họ đã mang sang, hay một vài lá trà tươi bản xứ, dù là trà đạo, hay một tích nước trà xanh đều có thể truyền tải sự tôn nghiêm và kính ngưỡng của mình tới bất cứ ai. Trong trường hợp này, từ dung dị vẫn đúng để miêu tả tích nước trà tươi, nhưng nó hàm chứa chút gì đó cao khiết hơn ý nghĩa dung dị thông thường, dung dị đôi khi cũng có nghĩa là “Zen”!

Lê Ngọc Linh

Theo dấu trà - Tà Xùa (Kỳ 1)

Theo dấu trà - Tà Xùa (Kỳ 1)

Trên vùng núi cao mây phủ-sương mờ, nơi phân chia trời-đất, có những cây trà chứng kiến bao kiếp người tộc Mông, nơi ấy có tên gọi Tà Xùa.