Trong nội dung này, chúng ta sẽ chỉ bàn đến những gì đã và còn diễn ra, dù đã tan biến đi nhiều phần, xong vẫn còn có thể hỏi người già để biết trong vòng một trăm năm trở lại, nó có tồn tại và đã tồn tại ra sao. Tất nhiên, mong rằng sẽ có những công trình khảo cứu thư tịch Hán Nôm, xem cha ông đã ghi chép ra sao thì sẽ tuyệt hơn rất nhiều, cho tới khi điều đó xảy ra, ta cứ vun đắp và làm phong phú cuộc sống trong gia đình hiện tại của mình.
Ai cũng hay rằng, một đời người Việt sẽ trải qua rất nhiều nghi lễ, có những nghi lễ diễn ra một lần trong đời, như đầy tháng, thôi nôi, mừng thọ, tang ma… lại có những nghi lễ thường niên như các dịp lễ tết. Trong những nghi lễ ấy, ta thường phải sắm sanh lễ vật dâng cúng tiền nhân hoặc thần thánh tứ phương, hay cỗ bàn thuốc nước nhằm thiết đãi quan khách xôm tụ chia vui, sẻ buồn. Lớn bé tùy lễ, tùy nhà, xong có những lễ vật gần như mặc định phải có, như trầu cau, rượu và trà.
Thuở bé, khi còn trong gia đình cùng cha mẹ, tôi nhớ cha tôi thường rất kỹ lưỡng mỗi khi gia đình có lễ. Ngày giỗ, việc chợ búa sửa soạn cỗ bàn, thường do mẹ chuẩn bị, riêng ban thờ là khu vực cha tôi sẽ chăm lo. Ông luôn sửa soạn cau trầu, rượu, hoa, sắp xếp cỗ, hương nhang, và, khi ban thờ đã tươm tất để chuẩn bị cho việc lên hương, thì ông sẽ pha một ấm trà, ông thường làm việc này kỹ lưỡng hơn pha trà cho chính mình, ông sẽ dâng lên ban thờ tiên tổ, rồi sẽ dâng hương ngay sau đó.
Ông không phải người tin vào việc “phù hộ độ trì”, ông cũng chẳng bao giờ xin tiên tổ cho con cháu thứ gì cả, đơn giản trong lời khấn vái là sự kính cẩn tột cùng để mời tổ tiên về nhà cùng con cháu mà thôi. Ngày lễ nào cũng vậy, ông luôn nhớ pha một tuần trà. Ông sắm riêng bộ trà cho việc này, dù không cao sang đắt đỏ gì, cũng chỉ một bộ sứ Hải Dương hay một bộ do đoàn thể nào đó tặng, nhưng nó được cất riêng để chỉ làm một việc là pha trà dâng lên hương án.
Thời thơ trẻ, tôi cũng như bao đứa trẻ khác cùng làng, nghịch ngợm và ham chơi, thường trốn đi chơi khi cha mẹ vắng nhà hay chợp mắt buổi trưa. Mỗi khi tôi gây ra một lỗi nào đó, việc cha tôi làm sẽ là gọi tôi lại bàn trà. Ông vẫn điềm tĩnh pha một bình trà, khi tôi còn bé thì ông chỉ uống một mình, và ông bắt đầu nói chuyện với cậu con trai út ham chơi (trong nhà, tôi ham chơi nhất, và học hành dốt nhất, đến độ thầy cô ngạc nhiên khi biết tôi là em của anh chị tôi), thường thì khi ông đã cạn tuần trà với ba nước pha, ông cũng kết thúc câu chuyện, nếu lỗi lầm quá lớn, tôi sẽ phải ngồi đó nghe ông nói hết tuần trà thứ hai, và, tôi vẫn chưa được uống trà.
Khi tôi đã lớn hơn, vẫn với cách như vậy, nhưng ông sẽ ban cho tôi một chén để uống cùng ông khi ông nói chuyện. Tôi lớn lên, thành thanh niên, vẫn chơi bời nghịch ngợm, vẫn đầy những điều khiến cha tôi muộn phiền, và ông vẫn vậy, vẫn gọi tôi lại bàn trà, vẫn điềm tĩnh pha trà rồi nói chuyện.
Và giờ, tôi đã có gia đình riêng, cha tôi đã có cháu nội cháu ngoại đủ đầy, mái tóc ông đã bạc, da ông không còn sáng và rắn rỏi như vị chiến binh ngày xưa, nhưng ông vẫn vậy, đôi khi chuyện nọ chuyện kia với gia đình nhỏ của riêng tôi, ông vẫn pha trà nói chuyện, nhưng, nay thêm việc nữa, sau mỗi bữa cơm tôi sẽ được uống trà cùng ông, hay khi chuẩn bị cho một ngày lễ, tôi sẽ được thay ông pha trà để ông dâng lên tiên tổ.
Khi bé, với tôi, trà là một hình phạt, bởi tôi luôn phải ngồi nghe cha mình răn dạy ít nhất bằng thời gian một tuần trà, hoặc nhiều tuần trà khi phạm lỗi nặng, mà cha tôi uống trà thường không nhanh như mọi người. Sau này, khi được uống cùng ông thì đỡ hơn, và để tiếp đó trà trở thành một phần thưởng, có lẽ với riêng tôi là vậy, và giờ đây mỗi khi ông gọi uống trà, với tôi đấy là một phần thưởng!
Một ngày nọ, gia đình bạn tôi làm lễ thượng thọ cho ông nội của bạn, thêm một lần tôi chứng kiến sự ngay chỉnh của trà. Ông nội bạn tôi mặc bộ the, vấn khăn xếp, cụ ngồi trước ban thờ gia đình, bên cạnh là bàn trà bé, con trai cả (là cha của bạn tôi) của cụ sẽ đứng pha trà ở chiếc bàn ấy, pha xong rót ra chén mời cha, rồi lui về vị trí của mình, con cháu thay nhau nói lời chúc tụng, sau khi con cháu chúc tụng xong, cụ rót trà ra mấy chiếc chén còn rỗng trên bàn trà, ban cho mấy người con trai và dặn dò, như lời dặn cho một chuyến đi xa sắp diễn ra vậy.
Ngày anh trai tôi cưới vợ, tôi đã lớn, tất nhiên tôi sẽ phải lo việc gia đình cùng mọi người trong nhà. Phần việc tôi được giao là đón và hướng dẫn khách, rồi sắp xếp cỗ bàn nước nôi. Tuy chẳng ai chỉ dạy nhưng tôi biết một tiệc cưới thì sẽ cần những gì, bởi cả làng tôi, hay những gia đình bạn học của tôi đều làm như vậy, sẽ có một bàn trà để cha tôi tiếp chuyện quan khách.
Ở bàn này, ông là người pha và mời trà, bọn trẻ không được chơi tại khu vực này. Ngoài ra, ở sân lớn, các cô các dì cũng nấu sẵn một nồi trà tươi rất lớn, đặt ngay gần lối ra vào của quan khách, để ai muốn uống thì uống, với nồi lớn nước trà này thì không phân biệt lớn bé, nam nữ, quan khách hay người nhà, chỉ cần khát thì có thể uống.
Không một gia đình nào trong làng tôi hay những nơi tôi đã ghé trong tiệc cưới lại không có cấu trúc như vậy, bàn trà chính để đại diện gia đình tiếp đón khách, và nồi trà lớn để mọi người có thể uống tùy ý. Rồi đến ngày chị tôi cưới chồng cũng vậy, tuy lễ không linh đình như lễ của anh trai nhưng cấu trúc thì không có gì thay đổi.
Những ngày lễ khác trong gia đình, như mừng cháu ra đời, khóc cha thương mẹ khuất núi, mỗi dịp có cỗ bàn thiết đãi quan khách, vẫn luôn là cấu trúc ấy, một bàn trà ngay ngắn và một nồi trà lớn. Tôi còn thấy chuyện như vậy ở quy mô lớn hơn, đấy là mỗi khi có hội làng, hay đơn giản là một dịp liên hoan của làng cũng vậy. Sau này tôi cũng nhiễm cha tôi, anh trai tôi cũng vậy, chúng tôi luôn có một bàn trà, và những câu chuyện gia đình, khi vui, lúc buồn, khi chuyện phiếm, lúc răn con, đều diễn ra nơi bàn trà.
Câu chuyện về cách Ấn Độ trở thành một quốc gia uống trà
Trong khi masala chai đã trở thành một thức uống thay thế thời thượng, thì ở Ấn Độ, phong cách uống trà vẫn bình dị, cung cấp năng lượng cho cuộc sống.