Lặng im nghe trà thở

Khoảnh khắc ta mong chờ nhất! Ấy là khi hương thơm của trà bay lên theo làn khói nước mờ ảo.

Bạn biết không? Khi pha trà, yên ổn nhất ấy chính là im lặng lắng nghe “hơi thở” của trà. Đó là khi, bạn không chờ nổi ấm nước mới sôi mà nhanh tay nhấc bổng lên khi đoán nhiệt độ đang tầm “chín mấy độ xê”. Nghe dòng nước chảy vào ấm trà, tiếng nước từ trên cao xuống thấp. Đóng ngay nắp ấm rồi rót nước “thức trà” ra tống. Đây rồi!

Khoảnh khắc ta mong chờ nhất! Ấy là khi hương thơm của trà bay lên theo làn khói nước mờ ảo. Là khi bạn nhận ra hương cốm non của Bạch Hạc, nhận ra hương Sen, hương Nhài hay Quế Hoa trong từng lá trà, nhận ra mùi chua dịu của Hồng Trà hay cái mùi khói ám lên tóc chồng mình suốt 2 tháng sau vụ xuân mà chẳng mất của Trà Tà Xùa. Gọi đó, là hơi thở của trà. 

Lặng im nghe trà thở

Đồn rằng, nghệ thuật dùng mùi hương cũng được coi là một liệu pháp trị liệu tinh thần. Nếu thế, hẳn, mọi người pha trà trên Trái đất này đều là nghệ sĩ. Bởi bàn tay họ, cho trà vào ấm. Bàn tay họ, rót nước vào ấm, tạo tác ra một dòng nước có màu óng ánh. Và rồi, trà trả lại cho họ mùi hương, khiến bạn chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ đi thật nhiều thứ. 

Ở trên quán, khu bàn mình thích ngồi nhất không phải trong Sàn Gian trang nghiêm (mà nay đã trở thành tư thất). Cũng không phải góc Tràng Kỷ hay bên ngoài ban công đầy nắng gió. Mà đó, là ở bàn đầu tiên, ngay sát quầy pha trà. 

Những ngày đông, trời lạnh khô khiến bàn tay nứt nẻ run lên vì lạnh. Ở đó, mình được nhìn thấy các em Trà nương thong thả đun ấm nước, tranh thủ hơi ấm mà hơ tay trên bếp lửa.  Bàn tay bớt cứng và lạnh giá, em pha lấy một ấm trà nóng. Mùi thơm của trà bay lên, chen thêm một ít gừng hay quế. Đột nhiên, người mình cũng ấm áp lạ lùng.

Hay có những hôm trời se se lạnh, mùi cốm non vương trên khói, thoảng nhẹ theo gió tràn ngập cánh mũi. Ấy là biết trà được pha đúng độ nhưng hơi nhiều. Hay những khi trời mới vào đông, thèm một hơi khói mỏng bay là là, một ấm Lạc Sơn được bàn tay Trà nương thoăn thoắt pha chế, mình lặng nghe trà thở làm ấm lên một chút trong lòng vốn đã lạnh. 

Lặng im nghe trà thở

Nghĩ lại, pha trà đơn giản, chỉ cần lắng nghe được tiếng trà thở là đã đạt. Muốn biết trà còn dùng được hay không thì ghé mũi, mở nắp ấm, ngửi xem trà hương còn đậm hay nhạt để chế thêm nước. Nếu hết hương lại lẳng lặng pha thêm một ấm trà đượm vị. Muốn biết trà có pha đúng ở nhiệt độ hay không, chỉ cần hít vào hương thơm bay lên từ nước thức trà là biết. Mọi chuyện chỉ giản đơn như thế không hề phức tạp.

Rồi có khi nào nhận ra, sống trên thế gian, quan trọng nhất là cầu một chữ “Giản”: một làn hương ngọt ngào, một tiếng lòng dịu dàng, một chút chân tình ấm áp, một giấc mộng tươi đẹp vừa đủ để không khiến người quá si mê hay thưởng ngoạn trầm luân. Thế gian náo nhiệt chỉ là hiện tượng bề ngoài, hết thảy đều sẽ đi vào tĩnh lặng và hư không.  

Bởi vậy, khi uống trà, đừng nghĩ mình sẽ uống trà gì, đọc sách gì hay nghe nhạc gì, chỉ cần bình thản đối đãi với chén trà, lặng nhìn hết thảy phồn hoa thu lại trong ánh nước, đối diện với cõi hồng trần huyên náo trải đầy gió sương, thấu suốt mọi việc mới có thể để tâm hồn tự do đón nhận mọi sự mà không có định kiến, có thể hưởng thụ cuộc sống trong bất kỳ phương thức sống nào.

Thử một lần, nhắm mắt lại, và lắng nghe hơi trà “thở”.

Ngọc Linh

Mùa hoa nở giữa nhân gian

Mùa hoa nở giữa nhân gian

Hành trình đến với chén trà của mình, qua 6 năm, có lúc chán nản, có lúc yêu thương, có lúc biết ơn, có lúc lại thấy an tĩnh diệu kỳ.