Nhàn hương

Sáng mùng một Tết, xin phép tiên tổ để chăm lại mấy cụm thủy tiên đã được bày trên những chiếc ang sứ, thân rễ trắng muốt được chải chuốt kỹ càng.

Khi tuần chạp chưa gõ cửa, cha tôi đã bắt đầu mài những con dao cho sắc lẹm, con dao ông đang mài nhìn cũng kỳ quặc, một đầu như lưỡi rìu sáng quắc, hơi vát tạo ra một mũi nhọn chua chát nơi đầu lưỡi, đầu còn lại trông như móng tay út mọc dài, cũng sắc lẹm dao cau, tựa hồ một sợi tóc bay ngang có thể đứt được, ông đang chuẩn bị cho những nét dao vẽ lên da thịt những bắp thủy tiên, hơn một trăm, chọn đôi chục, còn lại ông cho “ngồi” hết vào những ang gốm đựng đầy sỏi đen mà ông nhặt về từ bãi sông đã mấy hôm, ông bảo: “để làm trà dâng tiên tổ, mới cả mời các cụ ngày mùng hai cúng họ”.

Dăm ngày trôi qua, kể từ khi ông “an vị” cho mấy củ thủy tiên trên những chiếc “ngai sỏi” được sắp xếp kỹ lưỡng. Ngày nào cũng vậy, sáng tinh mơ, ông thức giấc khi những mũi gió còn sắc lẹm lướt qua da thịt, đôi tay ông điềm tĩnh đỡ từng ang thủy tiên nơi ban công lại sân giếng, nơi ông vẫn múc những gàu nước vào buổi sớm mai, chúng sẽ hầu ông một tuần trà sáng.

Nhàn hương

Nhẹ nhàng dội từng gáo nước lên củ, lên sỏi, nước tràn qua miệng ang lênh láng một khoảng sân, cứ như vậy, lặp đi lặp lại, những động tác như nhau và vẫn với vẻ điềm tĩnh lạ thường. Hết ngai nọ, ông lại phục dịch ngai kia, cho đến hết, trời cũng vừa rạng dáng tung, dáng hoành của mấy cây tùng cây bách cũng được ông dạy dỗ kỹ lưỡng nơi bờ sân.

Hôm nay, khác mấy hôm trước, ông vẫn với những động tác cũ, vẫn trước buổi bình minh khi ánh sáng chưa đủ để tỏ dáng mấy cây tùng bách, nhưng, ông làm với vẻ vội vàng cộng thêm vài nét lo âu vẽ lên khuôn mặt nơi khóe mắt của người đàn ông ngoại lục tuần. Phục dịch xong cho mấy ngai thủy tiên, lại với vẻ điềm tĩnh mỗi sớm mai, ông múc vài gàu nước, đổ vào chiếc ấm đồng, nhóm than, đun nước, pha trà nơi tràng kỷ.

Nâng chén trà nhấp một ngụm nhỏ, nhẹ nhàng đưa chiếc chén rời khóe miệng, chiếc chén vẫn tĩnh lặng trên tay, ông nhìn trời với vẻ lo âu, rồi buông câu cảm thán: “Trời đất coi không thuận, liệu mấy giò thủy tiên có được an lành”.

Tuần chạp đã gõ cửa: “Năm nay không rét mướt như lẽ thường, nghe phải tận mùng bảy mới tiện khai đao”. Sau khi chăm chút xong cho mấy ang thủy tiên, tiếp đến một tuần trà, xong ba lượt nước, vài lượt minh mục, thu xếp lại tràng kỷ, trời cũng vừa rõ mặt.

Đến bên tủ chè, ông lấy bọc gấm, chậm rãi lật từng lớp, cầm trên tay cây dao mà ông đã trau chuốt kỹ lưỡng từ bảy ngày trước, ngắm lại lưỡi, bào nhẹ lên móng tay, ông đang kiểm thử độ bén, rồi với cử chỉ ân cần ông vuốt nhẹ lưỡi dao sáng bạc, chậm rãi tiến tới góc sân, nơi chiếc chõng tre đợi sẵn dưới tán lộc vừng chỉ còn lại một vài chiếc lá với những mảng màu vàng đỏ xen nhau tựa tranh, đặt ngay ngắn lên chiếc chõng, bên cạnh mấy củ thủy tiên đã được ông hong sương từ đêm trước.

Ngắm một lượt, chọn một củ trông có vẻ ngoài kém sắc hơn những củ còn lại, ông nói: “Từ mùa trước đến giờ, cũng đã một năm, tay chân cũng đôi phần mất cữ, thế nên cần gọt một củ xâu xấu cho nhuận lại tay, lỡ có nét dao nào không được toại ý, cũng không uổng phí mất một bát hoa”.

Sau một hồi lâu ngắm nghía, đặt thủy tiên gọn gàng trên bàn tay mở rộng, vẽ một nét hoành gần đáy củ, tiếp đến lại một nét tung, một nét tung nữa, lách nhẹ mũi dao, một lớp vỏ đã nằm trên mặt chõng, lộ ra lớp áo trắng ngần, ngừng lại, ngắm nghía hồi lâu, rồi tiếp, một hoành hai tung, một hoành hai tung, từng lớp từng lớp, lớp sau cẩn trọng hơn lớp trước, cứ như vậy cho tới khi ngọc hoa lộ rõ, còn một lớp áo cuối cùng, trở mũi dao, ông dùng mũi gù, bào một nét mỏng và mượt suốt từ trên đầu lá xuống tận ngọc hoa, gạt mũi dao một cách dứt khoát, sau dăm lượt, bao hoa đã lộ, ánh mắt dán chặt nơi cuống hoa, ông dùng mũi gù khẽ khàng gãi lên cuống hoa, khóe mắt giãn ra, khóe miệng cũng tươi lên trông thấy: “Xem ra đôi tay hẵng còn nhuận” - ông nói một mình.

Nhàn hương

Hơn một giờ bất động thân mình, chỉ có đôi tay vẽ từng nét mảnh mai lên bắp hoa, ba củ thủy tiên lộ rõ từng giò hoa đã nằm ngay ngắn cạnh mình trên chõng, ông thu dọn lại tàn tích của buổi bình minh, lại nhẹ nhàng nhấc từng bắp đã được gọt tỉa gọn gàng, mang lại giếng khoan từng gàu nước đổ vào chiếc thau đồng cũng đã được kỳ cọ kỹ lưỡng, thật nhẹ, ông thả đàn con bơi lội trong chiếc thau đồng đã được đặt trên đất dưới gốc hoàng lan. Lúc lúc, ông lại nâng từng củ lên, vuốt nhẹ vào vết gọt, tựa hồ sợ làm đau chúng, rồi dùng chiếc bút lông đã gác trên miệng thau quét nhẹ lên từng vết cắt, một ngày trôi qua, bốn bận chăm sóc.

Chiều xuống, ra nơi góc vườn, mang vào những chiếc bát thủy dưỡng đã không được dùng từ năm ngoái, cọ rửa kỹ lưỡng, lau sạch nước, hong nơi bờ sân. Sau bữa cơm chiều, lại thu mình nơi tràng kỷ, lại đun nước pha trà, lại vẫn câu chuyện về mấy giò thủy tiên, ông chậm rãi: “Cái giống thủy tiên rõ thật đa cảm đa sầu, hơi bẩn là ốm, hơi nặng là đau, mảy may sơ sảy là gãy lá rách giò, người gọt thủy tiên phải như bậc chân tu tọa thiền, đầu không tạp niệm, thế mới mong có được giò hoa toại ý”.

Kể từ buổi khai đao, mỗi sáng, ngoài việc chăm sóc cho mấy ang đã xanh lá, lại thêm mấy giò hoa lên dưỡng, chăm ang đã muôn phần kỹ càng, nay chăm giò lên dưỡng còn gấp bội phần. “Ở tuổi này, lá hẵng còn bướng, hễ quẹt tay vào ắt sẽ gãy, thành ra cứ phải vừa làm vừa ‘nghe’, ít bữa nữa, lá ngoan hơn, nghe thấy chịu thì mới uốn được”. Trong cái rét cắt da, người trong chăn hẵng còn co rúm, thế mà đôi tay ông cứ ngâm trong làn nước lạnh mỗi sáng sớm mấy tiếng đồng hồ, trông đến nhợt da, mà tưởng như không biết lạnh.

Mươi ngày trôi qua, cuối cùng thì lá cũng đã ngoan lắm, đã tới thì uốn lá. Chăm sóc xong từng ang, từng bát dưỡng, ông lấy ra một chiếc đũa bằng đồng, mảnh như tăm tre, dùng đũa ấy, gạt nhẹ từng lá, gài vào móng rồng, thật nhẹ, thật nhẹ cho tới khi từng chiếc lá được gài xếp gọn gàng để lộ rõ những ngồng hoa khỏe khoắn, căng mọng bao hoa. Mấy chiếc lá đã được xếp kỹ lưỡng, xem lại ang hoa, những giò hoa trên ang đã bắt đầu khô bẹ, ông dự rằng, chỉ dăm ba hôm nữa đến cữ dệt hương vào trà.

Sau bữa cơm chiều, thăm lại bầy thủy tiên, ông khẽ gật đầu: “Cũng đến buổi canh hoa, thôi thì chừng đêm chăm cho mấy bát thủy tiên, chứ nhỡ sớm ra cập rập lại hỏng mẻ dệt hương”.

Xong tuần trà tối, lật giở những lớp giấy dó đậy trên chiếc chum đã an vị từ lâu trong góc nhà, nhón một nhúm nhỏ, thả vào lòng bàn tay, hít một hơi thật nhẹ thật dài: “Hẳn là ngậm hương tốt đây”, thả lại nhúm trà, phủ lại miệng chum, rảo bước vào buồng, trở ra, hai tay nâng thố bát hoa, nhẹ đặt trên sập, với mảnh vải xô, kỹ lưỡng lau hết trong lại ngoài, lớp men giờ đã trở nên sáng trong như nước, đặt ngay ngắn trên sập, vắt lại khăn xô: “Chăm bầy thủy tiên xong còn ngả lưng cho sớm” -  ông nhẩm một mình khi nắm tay đang đấm nhẹ thắt lưng. “Xem tỉnh hương chưa nào”, tiếng ông ân cần ngoài ban công bên mấy ang thủy tiên mơn mởn lá, “Vẫn kịp thưởng tuần trà cho tỉnh thức”.

Trà đã pha, vừa thưởng thức chén trà nóng, vừa nhẹ nhàng xoa mấy tờ giấy dó cho mềm tựa tơ, đến bên sập gụ, nhấc thố bát hoa về lại tràng kỷ, lau một lượt trong ngoài, đặt ngay ngắn trên mặt bàn đã sậm màu thời gian, bước về phía ban công, giơ đôi tay quờ quạng vào khoảng không như muốn dò đường trong bóng đêm: “hanh hao thế này, coi ra thuận”.

Trời vừa tỏ rạng, lứa hoa đầu tiên đã lỏng cánh, hương hoa đã tỉnh, đôi tay nâng nhẹ từng bông, khẽ khàng cúi đầu, ghé sát mũi, hưởng thử hương trước khi cắt từng bông đặt lên chiếc đĩa sứ men ngọc, một thoảng  gió nhẹ mang theo làn hương thanh nhàn như chúng thuộc về cõi xa xăm nào đấy lan tỏa tới chốn trần ai, chiếc đĩa men ngọc đã đầy ắp những bông thủy tiên xinh đẹp, trên cánh trắng tinh khôi như được phủ một lớp mạt ngọc óng ánh là lớp cánh vàng tôn quý mà các cụ vẫn thường ví như “dầm bạc chén vàng” của các bậc vương tôn vẫn dùng thưởng trà, nay, thứ hoa kiều diễm ấy sẽ truốt hơi thở mang theo làn hương thanh khiết của nó dệt vào từng cánh trà xoắn xuyết đã được ông rã cánh và ủ kỹ lưỡng bốn năm qua, hứa hẹn những chén trà hàm hương tiên cảnh.

Lót một lớp giấy dó đã được xoa cho mềm xốp vào trong chiếc thố bát hoa, ông rải một lớp trà mỏng, nhặt từng bông hoa xếp cạnh nhau trên lớp trà, như một tấm vải hoa phủ trên chiếc chiếu trà, rồi lại một lớp trà phủ lấy hoa, cứ thế, hoa phủ lấy trà rồi trà phủ lấy hoa, chúng ôm lấy nhau gọn gàng trong chiếc thố, hẳn chiếc thố ấy phải được chế tác từ một tay tuyệt nghệ, sau khi lớp trà cuối cùng đã được trải đều, xếp lại từng mép giấy dó cho gọn gàng, cẩn thận đắp thêm cho chúng một lớp chăn bằng giấy dó cũng đã xoa tới mềm như lụa, đậy lại nắp thố, bê ngang ngực, đi về phía tủ chè, an vị vào ngăn tủ và đóng cửa, ông thực hiện xong nghi lễ cho buổi bình minh.

Bốn ngày trôi qua, ba lần lặp lại nghi lễ lúc bình minh, cũng là khi hồi hộp nhất, lượt rã hoa cuối cùng: “Cái thứ hương gì mà mong manh đến thế, không khéo là công cốc như chơi” - ông buông lời khi chén trà sáng hẵng còn bốc hơi trên bàn tay cằn cỗi.

Nhàn hương

Xong tuần trà, ông lục đục mang chiếc mâm đồng lại hiên nhà, mấy con chim vẫn ồn ào đầu cổng trên những ngọn xoan đào, chúng vẫn thế vào mỗi sớm mai, ánh nắng chênh chếch đã kịp vẽ trên nền sân những vệt, những mảng óng ả, nắng đông đẹp lạ thường. Lau thật kỹ chiếc mâm đồng, nhóm lò than hoa, tới khi từng hòn than rực hồng không còn thở ra mảy may chút khói, quây kín bếp than bằng vật gì trông như chiếc trống đã bị bóc mặt da hai đầu, chậm rãi đặt mâm đồng lên trên bếp than hồng đã được vây kín tứ bề, xoa nhẹ đôi tay trên mặt mâm: “Hẵng còn non lửa”, đợi hồi lâu, lại xoa đôi tay gân guốc lên mặt mâm đồng, gật gật đầu, nhẹ quay bước.

Ông quay lại với chiếc thố bát hoa đầy trà đã mang trong mình làn hương thanh nhàn, xác hoa đã được nhặt không sót dù là chút nhụy, vắt trên vai mấy tấm khăn xô trắng muốt, đặt thố bát hoa lên chiếc đôn gụ, trải một lớp khăn xô lên mặt mâm, nhón từng nhón nhỏ trà trong thố nhẹ rải từng lớp mỏng lên mặt mâm đồng đã phủ khăn xô, gấp lại nếp khăn, phủ thêm ba lớp khăn lên trên gối trà, ngó ngó mấy hòn than, xoa tay dăm ba lượt kiểm xem nóng lạnh ra sao, mọi sự thật kỹ càng trước khi quay gót về phía chõng tre, nơi những bát thủy tiên đang đợi ông gãi hoa, nắn lá.

Ba mươi Tết, ba giò thủy tiên mới chỉ hơi hé nụ, cha tôi lo lắm, “Kẻo rồi chẳng kịp cúng ông ba mươi mất”, thế nên từ sáng ông đã nhắc mẹ tôi: “Nhớ mua nến để tôi thúc hoa, còn kịp cúng các cụ”, khi bà ra tới ngõ, ông vẫn còn với theo khẩn khoản “nhớ mua nến nghe bà”.

Vậy là từ trưa, ông chỉ chú vào ba bắp thủy tiên. Dùng cót quây kín nơi góc nhà, đặt ba bát thủy tiên vào giữa rồi thắp nến chung quanh cho ấm, cứ chừng một giờ đồng hồ lại mang từ bát thủy tiên ra sân giếng vảy nước hong nắng, rồi lại bê vào đặt giữa những ngọn nến, trông từ xa có thể nghĩ ông đang thực hiện nghi lễ cúng thần linh.

Đêm ba mươi, tâm sức ông được đền đáp, tôi đã trông thấy những bông thủy tiên hàm tiếu, và trên khuôn mặt ông, cũng một nụ hàm tiếu như hoa.

Sáng mùng một Tết, xin phép tiên tổ để chăm lại cho mấy cụm thủy tiên đã được bày trên những chiếc ang sứ, thân rễ trắng muốt được chải chuốt kỹ càng, trễ nải trải trên mặt nước vắt qua mấy hòn sỏi đen bóng càng tôn vẻ ngọc ngà đang thở ra làn hương kỳ ảo. Trước khi dâng lại ban thờ, ông dùng chiếc tăm đồng, xếp lại từng cánh hoa kiều diễm.

Pha một ấm trà hàm hương, cúi đầu, hai tay dâng lên ban thờ cùng vẻ mãn nguyện lạ thường!

Việt Bắc

Trà hoa với người Hà Nội

Trà hoa với người Hà Nội

Bên hiên nhà ngói cổ đón làn gió xuân thơ thới thổi, nhấp ngụm chè nụ hoa sói thơm hương như bỗng nguôi quên bao vất vả mưu sinh giữa đời thường.