Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan: Có đủ cơ sở pháp lý vụ công ty con Asanzo giả mạo xuất xứ

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết có đủ cơ sở pháp lý xử vụ Asanzo và sẽ đưa ra kết luận trong 2 tuần nữa.

Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Đề cập đến tình trạng gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhằm trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn các lực lượng, ông Cẩn cho biết, đây là hành vi nổi lên trong thời gian gần đây.

“Hiện nay đang nóng đối với vụ ASANZO chúng tôi đã khởi tố vụ án chuyển cho công an về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác”, ông Cẩn cho biết.

Về việc một số thông tin cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi vi phạm, ông Cẩn khẳng định “sẽ làm sâu và có đủ cơ sở”. “Nếu làm như thế này mà như giải thích một số bộ thì như một con lợn nhập khẩu từ Trung Quốc vào sẻ làm đôi, nếu mang xuất khẩu thì mang xuất xứ Trung Quốc, nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì mang xuất xứ của Việt Nam thì vô lý mà không có nước nào làm như vậy”, ông Cẩn nói.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan khẳng định, trong 2 tuần nữa sẽ sớm đưa ra kết luận để hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm.

  Ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định đủ cơ sở pháp lý với vụ việc Asanzo - Ảnh: VVT.

Ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định đủ cơ sở pháp lý với vụ việc Asanzo - Ảnh: VVT.

Trước đó, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cũng cho rằng tình trạng vi phạm nhãn mác và giả mạo xuất xứ là hành vi gian lận mới nổi lên, mặc dù được tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt là tình trạng hàng thực phẩm vượt ngưỡng hoá chất cho phép, hàng hoá nước ngoài được thẩm lậu vào thị trường nhưng bao bị nhãn mác ghi Made in Việt Nam.

"Do người tiêu dùng có ý thức lựa chọn hàng hoá Việt Nam, ghi địa chỉ xuất xứ rõ ràng nên đối tượng càng có thủ đoạn tinh vi, gây lừa dối người tiêu dùng. Lợi dụng Việt Nam tham gia FTA với mức thuế thấp nên nảy sinh hành vi gian dối xuất xứ, đưa tiêu thụ ở Việt Nam một phần và đưa đi xuất khẩu" - ông Linh cho hay.

Theo đó, các lĩnh vực giả mạo xuất xứ chủ yếu là thực phẩm, rau củ quả, dệt may, quần áo, đồ chơi trẻ em, điện tử, thiết bị gia dụng…

Phương thức thủ đoạn tập trung là nhập khẩu toàn bộ rồi thay đổi xuất xứ, thay nhãn, hoặc nhập nguyên liệu lắp ráp sơ sài rồi thay đổi xuất xứ, sang nhãn.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã tập trung chuyên đề với các điểm nóng tại Hà Nội, TPHCM, biên giới, tập trung vào các ngành hàng thực phẩm, hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ cao như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện gia dụng…

Tuy nhiên, công tác phòng chống còn khó khăn như truy xuất nguồn gốc khó xác định, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và căn cứ để kiểm tra.

Đơn cử như mặt hàng nông sản khi đưa vào tiêu thụ nội địa không quy định phải ghi nhãn mác nên không kiểm tra được về nguồn gốc xuất xứ.

MINH TUẤN (t/h)

theo Tin 24h