Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dần hồi phục

Hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ được khôi phục từ cuối tháng 9/2021 giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBLHH & DTDV) trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước đó.

Theo Bộ Công thương, trong tháng 10, các địa phương từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, các chợ truyền thống được mở cửa lại. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được khôi phục…

TMBLHH & DTDV trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (những địa phương này có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước). Tính chung 10 tháng năm 2021, TMBLHH & DTDV ước tính giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

dv.jpg
Trong tháng 10, các địa phương trên cả nước đều có chính sách phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới

Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.

Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa...

Đ.KHẢI