TP.HCM hỗ trợ cho hàng chục ngàn người gặp khó khăn do dịch COVID-19

Nhằm giúp đỡ nhiều đối tượng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện đồng loạt nhiều chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Sáng 7/4, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM cho biết, tại buổi họp báo do Trung tâm báo chí TP.HCM tổ chức, trong tháng 4 này TP.HCM sẽ triển khai thực hiện đồng loạt nhiều chính sách an sinh xã hội đối với hàng trăm nghìn đối tượng bị tác động của dịch COVID-19.

Các đối tượng được TP.HCM hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bao gồm: người có công và cán bộ hưu trí, người bán vé số dạo, các hộ nghèo và cận nghèo , người lao động thất nghiệp .

Cụ thể, từ nay đến trước ngày 10/4, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cùng với UBND phường, xã, thị trấn, thành phố thực hiện hỗ trợ số tiền 750 nghìn đồng/người bán vé số (diện thường trú và tạm trú) do ảnh hưởng quy định của Thủ tướng Chính phủ ngưng phát hành vé số kiến thiết trên toàn quốc kể từ ngày 1/4. Theo thống kê từ 322 phường, xã, quận, huyện của thành phố, hiện có khoảng 12.000 người đi bán vé số dạo. Trong đó,  người bán vé số có hộ khẩu thường trú là 7.000 người, hộ khẩu tạm trú là 5.000 người.

“Những người bán vé số là đối tượng yếu thế nhất, khó khăn nhất trong lúc này nên việc thành phố quyết định hỗ trợ là kịp thời. Ngoài ra sự chung tay của người dân thành phố đối với những người bán vé số dạo luôn thể hiện tấm lòng yêu thương, chăm lo nghĩa tình và nhân ái”, ông Tấn nhận định.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.

Một đối tượng cũng được thành phố xem xét hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là các hộ nghèo và cận nghèo. Hiện, thành phố có khoảng 32.000 hộ cận nghèo và hộ nghèo, trong đó số hộ cận nghèo khoảng 22.000 hộ, số hộ nghèo khoảng 10.000 hộ. Qua điều tra thống kê, trong số đó có khoảng 9.000 hộ nghèo và cận nghèo đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Do đó, cán bộ phường, xã tiếp tục thống kê, xem xét và rà soát các trường hợ cần được hỗ trợ. Trước mắt, các đối tượng được hỗ trợ sẽ là 1 triệu đồng/người/3 tháng (từ tháng 3-5). 

Bên cạnh đó, qua khảo sát thành phố có khoảng 43.000 trường hợp. Trong đó, có trên 120.000 cán bộ hưu trí, trên 140.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Có 15/43 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên thành phố sẽ thực hiện hỗ trợ 500 nghìn đồng/đối tượng. Thời gian thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ, BHXH cho các đối tượng này từ ngày 6-24/4, thay vì từ ngày 1-10 hàng tháng trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đang triển khai gói hỗ trợ cho khoảng 600 nghìn người lao động (NLĐ) bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Đối với các đối tượng nằm trong diện hỗ trợ là NLÐ bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Theo Sở LÐ-TB-XH TP.HCM, có sáu nhóm đối tượng chính thuộc diện hỗ trợ là giáo viên mầm non và NLÐ làm việc các ngành, nghề: giao thông vận tải; khách sạn - lưu trú; cơ khí; dệt may; da giày. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/3 tháng/người, áp dụng trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh, tất cả những chương trình hỗ trợ này sẽ được Sở cùng các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện chi trả kịp thời cho các đối tượng được hưởng ngay trong tháng 4 này.

"Nhằm giám sát chặt chẽ các đối tượng nhận hỗ trợ không bị trùng lắp và tránh trục lợi, Sở đã yêu cầu UBND các quận, huyện, ban quản lý các KCN, KCX, KCNC rà soát và xác định những lao động bị ngừng việc và mất việc. Với các đối tượng bán vé số dạo, UBND các quận, huyện có trách nhiệm báo cáo cho phòng LĐTB&XH theo danh sách thường trú, tạm trú.

Đối với giáo viên, phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện cũng chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên trường tư thục trên địa bàn gửi về Sở. Sở sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM làm việc với Sở Tài chính, dùng kinh phí thành phố chuyển về quận, huyện để hỗ trợ người lao động, người bán vé số, người có công và giáo viên kịp thời”, ông Tấn cho biết thêm.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương