TP.HCM sẽ giảm dần một số cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến

Khi bệnh nhân giảm cũng cần gom các bệnh viện dã chiến lại nhằm tận dụng tối đa hiệu quả, tiết kiệm các chi phí vận hành.

Ngành y tế TP.HCM đang tính toán giảm dần một số cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và bệnh viện dã chiến khi TP dần "mở cửa", một số bệnh viện dã chiến. 

Các trường học, ký túc xá, chung cư, nhà văn hóa, một phần các bệnh viện... sẽ được trở về chức năng ban đầu trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 (F0) tại TP đang được chăm sóc điều trị tại nhà ngày một lớn (ước tính trên 40% tổng ca đang điều trị) và tỉ lệ số ca khỏi bệnh xuất viện ngày một tăng (169.201 người).

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - giám đốc điều hành Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) - cho biết lúc trước khi cao điểm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 170 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng nay chỉ còn khoảng 100 ca. Việc tiếp nhận bệnh nhân chuyển vào cũng đang dần "hạ nhiệt", chỉ còn khoảng 10 ca/ngày (trước đây 20 - 25 ca/ngày).

TP.HCM sẽ giảm dần một số cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến

Theo ông Phong, một số bệnh viện dã chiến trưng dụng từ trung tâm văn hóa, trường học, ký túc xá... tùy vào tình hình dịch bệnh mà có lộ trình để bàn giao về chức năng vốn có, chỉ nơi nào đặc biệt, có cơ sở vật chất đáp ứng sử dụng ổn định mới nên giữ lại.

Khi bệnh nhân giảm cũng cần gom các bệnh viện dã chiến lại nhằm tận dụng tối đa hiệu quả, tiết kiệm các chi phí vận hành.

Bệnh viện dã chiến số 1 với công suất khoảng 4.500 giường bệnh được trưng dụng từ ký túc xá Trường ĐH Giáo dục quốc phòng và an ninh (TP Thủ Đức) đã đón hơn 19.000 ca nhập viện (bệnh nền, có triệu chứng hoặc không đủ tiêu chuẩn cách ly tại nhà) và bệnh viện này cũng đang giữ kỷ lục về số ca xuất viện với 16.000 ca.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, thời điểm hiện tại chỉ còn tiếp nhận khoảng 200 - 300 ca/ngày, bằng một nửa so với lúc cao điểm.

Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thị Thu Vân - phó giám đốc Bệnh viện quận 11, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 9 (huyện Hóc Môn) - cho biết bệnh viện này trưng dụng từ Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học. Hiện số lượng bệnh chuyển đến cũng đang giảm đáng kể, chỉ còn 300 - 400 bệnh nhân/ngày (trước đây 600 bệnh nhân/ngày).

Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có 93 cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 (từ tầng 1 đến tầng 3), trong ods có khoảng 30 bệnh viện dã chiến với số giường bệnh khoảng 42.000 giường, lớn nhất trong hệ thống điều trị.

Các chuyên gia cho răng khi TP mở cửa hoạt động được trở lại bình thường, việc tính toán "gom" hoặc trả lại các cơ sở này là điều cần thiết.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) - đánh giá khi số lượng bệnh nhân tiếp nhận trên 60% vẫn nên duy trì hoạt động, khi còn khoảng 40% thì nên tính toán giảm một số bệnh viện dã chiến và gom lại.  Các bệnh viện dã chiến cần tính phương án chuyển đổi công năng nhằm tập trung điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 như tập vật lý trị liệu, cải thiện hô hấp, dinh dưỡng...

Theo tính toán sơ bộ của ngành y tế TP, khi cơ bản kiểm soát được dịch (TP phấn đấu đến 30-9), sẽ tính toán hoàn trả dần các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến của quận, huyện đặt tại các trường học nhằm khôi phục việc học tập cho học sinh.

Các bệnh viện dã chiến sẽ được sắp xếp theo hướng "2 trong 1", tức đủ 2 tầng điều trị trong 1 bệnh viện (tầng 2 và tầng 3).

Ngoài ra cơ sở hạ tầng của các trung tâm hồi sức quốc gia (Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế) vẫn sẽ được giữ lại nguyên trạng để sẵn sàng hoạt động lại khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - khẳng định thời gian tới chắc chắn TP.HCM phải cơ cấu lại hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó đặc biệt là các bệnh viện dã chiến.  Với lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, ngành y tế TP cho biết hiện nay toàn TP đã có trên 500 trạm y tế lưu động, với nòng cốt là các bác sĩ quân y. 

Sở Y tế cho hay mô hình trạm y tế lưu động sẽ tiếp tục được duy trì với nhân lực tăng cường và luân phiên từ các bệnh viện của TP và các quận, huyện. Các "tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng" cũng sẽ đi vào hoạt động với chức năng theo dõi, hỗ trợ điều trị; xét nghiệm test nhanh và hỗ trợ tiêm vắc xin. 

Ngoài ra sẽ huy động nhiều thành phần, trong đó đề xuất các cơ chế để hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, tại các cơ sở cách ly tập trung.

Thanh Mai

Việt Nam mua 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Cuba

Việt Nam mua 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Cuba

Chính phủ vừa ra nghị quyết đồng ý mua 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.