"Trạm cảm xúc" - Nơi nghệ thuật chạm đến tâm hồn và chữa lành những tổn thương

Triển lãm trưng bày 41 tác phẩm của người thực hành trị liệu nghệ thuật và học viên, trong đó có những học viên là trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ...

Sáng 27/12, Triển lãm nghệ thuật "Trạm cảm xúc" đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Không chỉ là một không gian trưng bày nghệ thuật đơn thuần, "Trạm cảm xúc" còn là nơi chia sẻ những câu chuyện đầy cảm động về hành trình vượt qua những thử thách tâm lý của những người trẻ đặc biệt, để lại nhiều dư âm sâu sắc trong lòng người xem.

Triểm lãm
Triểm lãm "Trạm cảm xúc" thu hút được sự quan tâm, tham quan của công chúng

Triển lãm do Không gian tâm lý trị liệu nghệ thuật Bảo Sang tổ chức, trưng bày 41 tác phẩm tranh của người thực hành trị liệu nghệ thuật và học viên, trong đó có những học viên là trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ...  Mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng, một tiếng lòng thầm kín được thể hiện qua những nét vẽ, màu sắc đầy biểu cảm.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về quá trình và kết quả trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật cho công chúng
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về quá trình và kết quả trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật cho công chúng

Chia sẻ tại triển lãm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Thảo, cho biết: "Trong quá trình trị liệu, tôi nhận thấy nhiều người, cả người lớn và trẻ em, không thừa nhận bản thân hoặc con em mình có vấn đề về tâm lý. Vì vậy, chúng tôi đã đưa nghệ thuật vào trị liệu. Thông qua việc sáng tạo nghệ thuật, người tham gia có thể thể hiện những cung bậc cảm xúc, những sắc màu tâm lý, từ đó giúp nhà tham vấn đánh giá và đưa ra phương pháp điều chỉnh phù hợp."

Chị Phương Thảo cũng cho biết thêm, chị mất tới 7 năm nghiên cứu chất liệu phù hợp cho người gặp vấn đề tâm lý.

“Tất cả các chất liệu của họa phẩm đều có thể trị liệu được, nhưng chúng tôi đã chọn việc kết hợp giữa bột giấy truyền thống với màu sắc hiện đại để tạo thành vật liệu mới cho các học viên làm tranh bột giấy. Nếu màu nước rất dễ loang, đối với các bạn khuyết tật trí tuệ thì sẽ không làm được. Màu Acrylic quá trơn, trượt thì các bạn chậm phát triển cũng không làm được. Sơn dầu là chất liệu cao cấp, với những bạn phải trị liệu tâm lý trong thời gian dài có thể trở thành gánh nặng về tài chính. Bột giấy có độ đặc và độ kết dính nhất định, chi phí không quá cao, rất phù hợp để sử dụng trong hoạt động trị liệu tâm lý. Bột giấy khiến các bạn ấy phải vận động tinh, từ hiểu về các loại bột giấy, cách trộn màu, hòa quyện với màu, hoạt động này giúp các bạn điều chỉnh cảm xúc.” – chuyên gia tâm lý Phương Thảo chia sẻ.

Câu chuyện của Minh Đạt, một chàng trai 23 tuổi từng đối diện với rối loạn phát triển tâm thần, là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của liệu pháp nghệ thuật. Hội họa đã trở thành ngôn ngữ riêng, giúp Đạt chuyển tải những cảm xúc phức tạp không thể diễn tả bằng lời nói.

Tác phẩm
Tác phẩm "Phố vắng" - Chất liệu: Đắp bột giấy trên toan - Tác giả: Minh Đạt

Bức tranh “Phố vắng” được vẽ sau khoảng thời gian Đạt vừa trải qua một mất mát lớn trong cuộc đời - đó là ông ngoại của Đạt mất. Lần đầu tiên, Đạt nhận thức về sự hữu hạn của thời gian, về sự sống và cái chết, có những cảm nhận chân thực nhất về nỗi đau, sự mất mát. Bắt nguồn từ cảm xúc ấy, màu sắc trong tranh của Đạt trở về gam màu xám đầy buồn bã, cô đơn. Ngay cả dáng hình con người duy nhất xuất hiện cũng thấy được sự bơ vơ, lạc lõng trước những ồn ào của phố thị.

Hay như Huy Nam, cậu bé 17 tuổi gặp khó khăn trong giao tiếp do chậm phát triển và rối loạn ngôn ngữ, đã tìm thấy niềm vui và sự tự tin qua hội họa. "Mỗi tác phẩm của Nam là một câu chuyện về sự nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua giới hạn bản thân", chị Phương Thảo nhận xét.

Tác phẩm
Tác phẩm "Dân ca" - Chất liệu: Đắp bột giấy trên toan - Tác giả: Hà Huy Nam

Bức tranh "Dân ca" của Nam với những mảng màu tươi sáng xen lẫn nét trầm buồn, thể hiện rõ những  dao động trong tâm hồn cậu bé trên hành trình hòa nhập với cuộc sống.

Không chỉ Minh Đạt và Huy Nam, triển lãm còn giới thiệu những tác phẩm đầy màu sắc và cảm xúc của nhiều học viên khác, mỗi người một câu chuyện, một cách thể hiện riêng. Tác phẩm của Hiền, cô gái 17 tuổi mắc hội chứng Down, như "một bông hoa sen kiên cường nở rộ giữa bùn lầy", tỏa sáng sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc.

Tác phẩm
Tác phẩm "Sức mạnh của sự trỗi dậy" - Chất liệu: Đắp bột giấy trên toan - Tác giả: Minh Hiền

Triển lãm "Trạm cảm xúc" không chỉ là nơi tôn vinh những giá trị nghệ thuật mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về khả năng tiềm ẩn và sức mạnh tinh thần của những người yếu thế. Thông qua nghệ thuật, họ đã tìm thấy tiếng nói riêng, vượt qua những rào cản, tự tin hòa nhập với cộng đồng. "Trạm cảm xúc" đã thực sự trở thành điểm dừng chân cho những tâm hồn đồng điệu, nơi nghệ thuật chạm đến tâm hồn và chữa lành những tổn thương.

Công chúng tham quan có thể quét mã QR gắn bên dưới mỗi tác phẩm để tìm hiểu thêm những câu chuyện về tác giả, tác phẩm
Công chúng tham quan có thể quét mã QR gắn bên dưới mỗi tác phẩm để tìm hiểu thêm những câu chuyện về tác giả, tác phẩm
Triểm lãm
Triểm lãm "Trạm cảm xúc" thu hút được sự quan tâm, tham quan của công chúng

Diệu Thuần