Trẻ tự kỉ: Gia đình có nên hoàn toàn phó mặc cho trung tâm trị liệu?

Chuyên gia nhấn mạnh cái chết của em bé là hồi chuông cảnh báo cho phụ huynh nuôi hi vọng về một phương pháp chữa trị dứt điểm "bệnh" tự kỷ.

Sự việc gia đình anh N.H.N. ở Huế gửi con 3 tuổi cho người tự xưng là chuyên gia ở nước ngoài về để chữa bệnh, một tháng sau nhận về hũ tro cốt đang thu hút sự chú ý của dư luận. 

Theo chia sẻ của anh N.H.N., anh gửi con trai 3 tuổi cho ông L.M.Q., ở Lâm Đồng để điều trị bệnh chậm phát triển. Ông Q. nhận điều trị 2 - 3 năm, với chi phí mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng. Gia đình phải chuyển trước 600 triệu đồng đặt cọc. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi gửi con vợ chồng ông Q., gia đình anh N. nhận về hũ tro cốt của con. Ông Q. nói bé mất vì Covid-19 và ông Q. đã tự dùng than, củi để thiêu thi thể cháu. 

Nhiều người thắc mắc lý do vì sao bố mẹ trong vụ việc này lại có thể an tâm giao trẻ cho một người khác ở khá xa, không được thăm nom con? Việc có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt hay không cũng là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều phụ huynh. Không phải ai cũng có thể chấp nhận chuyện con yêu của mình đang bị rối loạn phổ tự kỷ, gặp khó khăn trong giao tiếp, ngôn ngữ và các tương tác xã hội.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, phụ trách Phòng Tư vấn Tâm lý Gia đình & Trẻ em TPHCM cho rằng trong sự việc này, phụ huynh cũng là nạn nhân bởi bản thân họ cũng chỉ mong con sớm được chữa khỏi bệnh. Người chào mời đã đánh trung tâm lý của bố mẹ nên gia đình mới có thể để giao con nhỏ để "người chữa bệnh" đưa vào tận Lâm Đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Khanh cũng cho biết dù hoa học đã chứng minh, chậm phát triển hay tự kỷ là tình trạng rối loạn về não bộ, không thể điều trị bằng y khoa. Tuy nhiên vì chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng và cũng chưa có được một phương pháp can thiệp hiệu quả nên rất nhiều "lang băm" lợi dụng để quảng cáo về khả năng chữa bệnh của bản thân dù không có bất kỳ bằng cấp nào.

"Hiện nay, những thông tin, kiến thức về trẻ chậm phát triển, tăng động kém chú ý hay tự kỷ là không hề thiếu, nếu không muốn nói là quá nhiều nhưng không có sự chọn lọc nên cũng làm cho phụ huynh thêm rối. Ngoài ra cũng vì chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, đồng thời cũng có quá nhiều các kỹ thuật can thiệp, giáo dục khác nhau, thậm chí có khi còn mâu thuẫn hoặc mang tính "độc quyền" nên sự chia sẻ không có sự nhất quán, không chỉ ra được những biện pháp cụ thể cho phụ huynh, mà chỉ là những thông tin chuyên môn, khó hiểu hay chỉ để nhận biết các dấu hiệu chứ không rõ ràng hay cụ thể.

Điều này lại càng làm cho phụ huynh thêm hoang mang, cứ thấy con có vài dấu hiệu là suy đoán ngay về tình trạng của con để dán nhãn luôn. Sau đó, khi đưa lên trên các trang, các hội nhóm, thì lại chỉ đưa vài dấu hiệu đơn thuần và hỏi xem có phải đó là tự kỷ, là chậm phát triển hay không? Các phụ huynh khác thì cũng chỉ dựa trên tình trạng của chính con mình, trên kinh nghiệm của bản thân để chia sẻ, và thường chỉ nêu lên những kết quả thành công, ít khi nào muốn chia sẻ những kinh nghiệm thất bại của mình, để các phụ huynh khác biết mà tránh, không đi vào lối mòn, ngõ cụt mà các phụ huynh trước đã đi", ông Khanh phân tích.

Nhiều bố mẹ không chấp nhận đây là một tình trạng rối loạn bẩm sinh. Việc can thiệp trị liệu chỉ có thể cải thiện nhưng để đạt được điều đó, trẻ phải được chẩn đoán, can thiệp đúng cách, trong thời gian dài mà có khi hiệu quả cũng không cao. Việc cải thiện phần nào tình trạng khiếm khuyết của trẻ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của giáo viên, sự cộng tác tích cực của gia đình. 

Hiện nay, bằng việc can thiệp sớm thì trẻ hoàn toàn có cơ hội phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa. Giáo dục cá nhân hóa trong môi trường chuyên biệt sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập, phát triển khả năng của thản thân và tiếp thu được kiến thức trong học tập.

Ông Khanh cho rằng chính vì yêu cầu "cần có sự cộng tác tích cực của gia đình" làm cho nhiều bố mẹ uể oải, chán nản, tìm đến "lối thoát" là giao con cho người khác. Thực tế nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ thì dù chữa ở đâu cũng không có tác dụng. 

"Họ thường nói là "Bố mẹ cứ yên tâm, giao con cho họ, chỉ 3 tháng sau là con tiến bộ không ngờ luôn"! Bố mẹ hoan hỉ đóng tiền – sau 3 – 6 tháng, con không tiến bộ được bao nhiêu, thì cũng đành chịu, hoặc lại mang con về, im lặng tìm chỗ khác mà không hiểu rằng, nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ trong những lúc con ở nhà, buổi chiều tối hay thứ 7, chủ nhật, thì có đưa con đi đến đâu cũng thế thôi.

Trừ phi bé chỉ bị chậm nói đơn thuần, và các giáo viên hết sức tích cực, thì chắc chắn bé sẽ có những tiến bộ. Nhưng dù gì đi chăng nữa, cho dù bé có thể nói được một số câu đơn giản rồi, thì cũng không thể vội vàng cho con đi học hòa nhập ở các trường bình thường ngay được". 

Chuyên gia cho rằng: Nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ thì dù chữa ở đâu cũng không có tác dụng
Chuyên gia cho rằng: Nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ thì dù chữa ở đâu cũng không có tác dụng

Ông Khanh nhấn mạnh cái chết của em bé là hồi chuông cảnh báo cho phụ huynh có con đặc biệt nuôi hi vọng về một phương pháp chữa trị dứt điểm "bệnh" tự kỷ. Đó cũng là lời cảnh báo khi thực tế, còn biết bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu tiền bạc, tiền triệu hay tiền tỷ nữa bị đổ ra vô ích. 

"Các phụ huynh khác thì cũng chỉ dựa trên tình trạng của chính con mình, trên kinh nghiệm của bản thân để chia sẻ, và thường chỉ nêu lên những kết quả thành công, ít khi nào muốn chia sẻ những kinh nghiệm thất bại của mình, để các phụ huynh khác biết mà tránh, không đi vào lối mòn, ngõ cụt mà các phụ huynh trước đã đi.

Để bảo vệ phụ huynh và các trẻ đặc biệt, hầu như chỉ có các điều luật chung về trẻ em, về vi phạm thân thể gây hậu quả nghiêm trọng, mà chưa có luật bảo vệ về tình trạng lạm dụng sự tin tưởng, gây ra những tổn thất đáng kể về thời gian và tiền bạc, công sức của phụ huynh. Chưa một ai bị đưa ra trước pháp luật về hành vi thu phí quá mức, can thiệp không hiệu quả cho các trẻ này. Phụ huynh sau một thời gian mất tiền của mình, mất thời gian của con, cũng chỉ biết im lặng mang con về, cũng không dám phản ánh trên các trang mạng về hậu quả của những hành vi, những phương pháp thiếu cơ sở khoa học này. Đó là chưa nói đến những hoạt động mang tính lợi dụng mà phụ huynh đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", ông Khanh nói. 

Thanh Mai (Tổng hợp)