Trung Quốc bình thản trước biến thể Omicron, 'đá xéo' cách chống dịch của phương Tây

Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới nhanh chóng áp đặt lệnh cấm đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Trung Quốc vẫn tỏ ra bình thản - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu lại được dịp “khoe” chiến lược “Zero – Covid” của nước mình đồng thời "đá xéo" cách chống dịch của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Vì sao Trung Quốc bình thản trước biến thể Omicron?

Trước đó, Hồng Kông xác nhận có hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có vẻ bình thản trước phát hiện này, và theo giới quan sát, điều này không gây ngạc nhiên do trước đó nước này áp dụng các biện pháp cấm đi lại được xem là nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

tai-xuong(1).jpg
Trung Quốc bình thản trước biến thể Omicron, mỉa mai cách chống dịch của phương Tây.

Hầu hết du khách nước ngoài, từ khách du lịch cho đến sinh viên đều bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục. Những người được phép nhập cảnh cũng như công dân Trung Quốc trở về phải trải qua ít nhất 14 ngày cách ly tập trung nghiêm ngặt. Số ngày cách ly có thể lên đến 28 nếu như chính quyền địa phương xét thấy không an toàn, sau khi cách ly tập trung, những người này còn bị giám sát tại nhà thêm một thời gian nữa.

Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người được cho là tiếng nói đáng tin cậy nhất của Trung Quốc về dịch Covid-19, cho biết biến thể mới sẽ "không có tác động lớn đến Trung Quốc vào thời điểm này".

Zhang viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm Chủ nhật rằng, chiến lược phản ứng nhanh và truy vết một cách năng động như hiện tại của Trung Quốc có khả năng đối phó với tất cả các loại biến thể coronavirus mới.

Tại một hội nghị ở Quảng Châu vào cuối tuần qua, Zhong Nanshan, một chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và là một cố vấn của chính phủ, cho biết Trung Quốc không có kế hoạch thực hiện bất kỳ "hành động lớn" nào để đối phó với biến thể Omicron.

Khi phần lớn thế giới bắt đầu mở cửa trở lại và học cách sống chung với Covid -19, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt và tự cô lập mình khỏi thế giới. Sự cô lập đó hiện đang được ca ngợi tại quốc gia đông dân nhất thế giới như một lợi thế duy nhất trong cuộc chiến chống lại biến thể mới.

Báo trong nước ca ngợi chiến lược “zero-Covid”, mỉa mai phương Tây

"Các quốc gia lớn ở phương Tây đã cắt đứt liên kết hàng không với các quốc gia ở miền Nam châu Phi như Nam Phi, cho thấy rằng các quốc gia này đang lo sợ. Việc thiết lập một lá chắn miễn dịch chỉ dựa vào vaccine đã thực sự được chứng minh là một bước đi rủi ro và thậm chí có thể nói là đã thất bại”, Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc do nhà nước điều hành, cho biết trong một bài xã luận hôm Chủ nhật.

59945241_303(1).jpg
Trung Quốc "mỉa mai" cách chống dịch của các nước phương Tây.

Bài xã luận còn cho biết: "Chiến lược Zero - Covid của Trung Quốc đã bị các nước phương Tây chỉ trích theo nhiều cách. Tuy nhiên, nếu biến thể Omicron tạo ra một làn sóng tấn công mới, thì chính Trung Quốc sẽ có thể ngăn chặn một cách tốt nhất" và Trung Quốc là "một pháo đài bất khả xâm phạm thực sự chống lại sự lây lan của virus này trên thế giới vào thời điểm hiện tại”.

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc "bất khả xâm phạm" như thế nào trước các biến thể mới là một câu hỏi cần có thời gian kiểm chứng thực tế bởi biến thể Delta trước đó đã nhiều lần gây bùng phát trong nước - với tần suất ngày càng tăng và thời gian kéo dài hơn.

Tuy nhiên, mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu và hàng loạt lệnh cấm du lịch gây ra bởi biến thể Omicron rất có thể sẽ tạo ra sự ủng hộ của công chúng trong nước để chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì cách tiếp cận không khoan nhượng đối với Covid-19.

Chính quyền Trung Quốc đã gắn chính sách Zero-Covid với các chính sách được nhà nước thông qua và coi đó là bằng chứng về sự vượt trội so với các nền dân chủ phương Tây khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nhưng theo các chuyên gia, chiến lược này cũng được thúc đẩy bởi sự cần thiết thuần túy, bởi vì Trung Quốc đơn giản là không thể mở cửa nếu không có vaccine hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh đã nhận định rằng, Trung Quốc có thể phải đối mặt với hơn 630.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày nếu nước này bỏ “chính sách không khoan nhượng” bằng cách dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.

Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố trên tạp chí China CDC Weekly, các nhà khoa học dùng thuật toán để đưa ra một số kết nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự như như Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel.

Theo đó, nếu Trung Quốc áp dụng giống Hoa Kỳ thì số ca mắc mới hàng ngày của nước này sẽ đạt ít nhất 637.155 ca.

“Các tính toán cho thấy khả năng xảy một đợt bùng phát khổng lồ là có thể và nếu nó xảy ra thì gần như chắc chắn sẽ là gánh nặng không thể kham nổi cho hệ thống y tế. Phát hiện của chúng tôi đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng để áp dụng các chiến lược 'mở cửa' chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch hàng loạt do tiêm chủng mà một số nước phương Tây ủng hộ", báo cáo cho biết thêm.

500.jpg
Trung Quốc có biện pháp kiểm soát đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới.

Cuối cùng, báo cáo này kết luận, cần phải tiêm phòng hiệu quả hơn hoặc điều trị cụ thể hơn, tốt nhất là kết hợp cả hai, trước khi các biện pháp kiểm dịch xuất nhập cảnh và các chiến lược ứng phó Covid-19 khác ở Trung Quốc có thể được dỡ bỏ ".

Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC của Trung Quốc, đã nhanh chóng chia sẻ những phát hiện của mình tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào Chủ nhật, gọi chính sách “ngăn chặn không khoan nhượng” của Trung Quốc là "vũ khí ma thuật" để kiểm soát đại dịch.

Trong khi thừa nhận rằng có "một số ý kiến ​​khác nhau" đối với cách tiếp cận trong cộng đồng, song Wu nhấn mạnh rằng, việc ngăn chặn không khoan nhượng và các hạn chế biên giới là hoàn toàn cần thiết trong những tháng tới.

Ông nói: “Chúng ta phải bám sát nó, ít nhất là trong suốt mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau”.

(Nguồn CNN)

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương